Một hơi thở khác ùa tới

.

Đây là bức tranh mà họa sĩ Vũ Đình Tuấn vẽ minh họa cho truyện ngắn của tôi. Một truyện ngắn nhiều người đã đọc, đã từng làm phim, phim cũng đoạt giải. Nhưng không phải vì thế mà tôi muốn viết về tranh của anh. Hẳn là thế.

Tranh của Vũ Đình Tuấn (minh họa cho truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá).
Tranh của Vũ Đình Tuấn (minh họa cho truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá).

Gần 20 năm làm việc ở một tờ tạp chí văn chương, một trong những điều thú vị nhất mà tôi có được, đó là làm bạn với nhiều họa sĩ. Họ là những người mà chúng tôi mời cộng tác để vẽ minh họa cho các truyện ngắn hoặc các trang thơ. Tôi luôn đặc biệt thích tranh minh họa.

Những bức tranh không chỉ là quãng nghỉ giữa những trang giấy đầy chữ, mà quan trọng hơn, nó mang tới một hơi thở mới, cảm xúc mới cho người đọc. Thường thì có hai xu hướng vẽ minh họa. Thứ nhất là bám sát nội dung tác phẩm văn học, chọn lấy chi tiết trụ cột để vẽ; thứ hai, là tác phẩm văn học chỉ tạo cảm hứng để họa sĩ vẽ bất kỳ cái gì mà họ nghĩ tới. Ở xu hướng thứ hai này thì bức minh họa là một tác phẩm mà tính độc lập đủ mạnh để nó đứng riêng biệt. Nó hoàn toàn có thể từ bỏ sự liên hệ với tác phẩm văn học. Vũ Đình Tuấn thường vẽ theo xu hướng thứ hai. Và đó cũng là xu hướng mà cá nhân tôi rất thích. Một bức minh họa như thế nhiều khi có thể mở ra những cánh cửa khác mà bản thân văn học đang đóng kín.

Vũ Đình Tuấn thuộc lớp các họa sĩ trẻ đang sống và làm việc ở Hà Nội. Anh vốn nổi tiếng với hai loại hình tranh lụa và tranh khắc gỗ. Đặc biệt là tranh lụa. Một lúc nào đó, tôi nghĩ, mình sẽ phải xem lại thật kỹ những bức tranh lụa của Vũ Đình Tuấn để có thể cảm nhận thấu đáo về tính hoàn mỹ của một bức tranh. Tỉ mỉ mà khoáng đạt, chặt chẽ mà bay bổng, tinh tế. Đứng trước tranh lụa của Vũ Đình Tuấn, trí tưởng tượng có thể mở rộng tới nỗi không cảm thấy biên độ, vừa có cái mênh mông huyền ảo vừa có cái quyến rũ trước mắt. Tất nhiên, nói hoàn mỹ là nói theo cách cảm của tôi, vì với bức lụa nào của Vũ Đình Tuấn mà tôi từng được ngắm, tôi cũng không thể tìm ra một vết, một nét nào không ở đúng chỗ của nó, ngay cả những chỗ phóng khoáng nhất. Tôi luôn cảm thấy một sự tự tin đến kỳ lạ trong mỗi bức tranh đầy tính phiêu lưu của anh.

Tôi thích tranh, một cách hồn nhiên. Tôi ngắm tranh bằng đôi mắt của một người không có lý thuyết về mỹ thuật. Và tôi cũng thích để bản thân ngắm tranh như một đứa trẻ khi nó đứng trước một khung cảnh kỳ diệu nào đó trong trời đất mà từ lúc sinh ra chưa từng nhìn thấy. Cái sự hồn nhiên trong tiếp nhận bất kỳ một loại hình nào có lẽ sẽ khiến người ta khách quan nhất về mặt cảm xúc. Chẳng có gì chi phối cả, ngoài cái cảm xúc tự nhiên ào tới. Thậm chí đôi khi lúng túng không biết diễn đạt thế nào cho đúng. Vốn dĩ tôi vẫn thích tranh lụa. Nó có cái gì đấy ấm áp, gần gũi. Ví như tôi thích tranh lụa của Nguyễn Thụ, của Mai Thứ, thích những em bé sáng trong như sao mai của họ… Tranh lụa của Vũ Đình Tuấn thì khác, như tôi vừa nói, luôn có bóng dáng những cuộc phiêu lưu của tư duy, của cảm xúc. Tranh của anh luôn cuốn người ta đi trong một không gian đa chiều vô tận.

Trở lại những bức tranh nhỏ mà anh vừa trưng bày trong triển lãm Câu chuyện tháng Giêng, diễn ra ở Hà Nội hồi đầu năm nay. Một phần đáng kể trong số đó là tranh minh họa. Nhưng tôi không muốn gọi nó là tranh minh họa, mặc dù đúng là nó từng được in cùng với những tác phẩm văn học. Tôi nhận ra một điều, Câu chuyện tháng Giêng khác với những triển lãm khác của Vũ Đình Tuấn, là chủ đề của nó mở rộng ra vô cùng.

Có lẽ đó là điều mang đến sự hấp dẫn đặc biệt đối với công chúng. Đó là một Vũ Đình Tuấn khác. Rời khỏi sự quyến rũ của tranh lụa, rời khỏi những tạo hình mạnh bạo của tranh khắc gỗ, Vũ Đình Tuấn dịch chuyển qua rất nhiều trạng thái. Những bức tranh đã từ bỏ câu chuyện văn chương ban đầu và viết nên một câu chuyện khác.

Tôi rất thích những bức tranh có nhân vật. Có phải chúng ta luôn cảm thấy rằng, gặp một ai đó lần đầu thì ấn tượng nhất không phải là họ đẹp hay xấu, mà là họ có đôi mắt như thế nào? Thế thì tất cả những bức tranh nhỏ có nhân vật của Vũ Đình Tuấn đều hết sức tập trung cho đôi mắt. Tôi nghĩ là, chỉ với những ánh mắt đó thôi, đã đủ để cảm nhận toàn bộ tinh thần của một câu chuyện mà nhân vật ấy là trung tâm. Lạnh lùng, ấm áp, gợi cảm, quyến rũ, dữ dội, tàn nhẫn, liều lĩnh, phá phách, khuất phục, nhu mì… tất thảy mọi trạng thái ấy đều hiển thị một cách sắc nét đến gai người chỉ trong có vài nét “điểm nhãn”.

Tôi cũng thích việc câu chuyện văn chương trở nên bay bổng hơn nhờ vào sự gợi mở của bức tranh. Một hơi thở khác đang ùa tới. Như là trong bức tranh này. Cô gái của tôi vốn dĩ chất chứa những uẩn khúc, hồ nghi, chúng như một thứ gánh nặng khiến cuộc sống của cô trở nên chật vật; thì ở đây cô còn nguyên cái trong trẻo tinh khôi, lại cũng có cái bản năng mãnh liệt của một thiếu nữ sống nơi đỉnh trời. Cô gái ấy dường như đang đi từ nơi khác đến và mở ra một cánh cửa mới cho câu chuyện văn chương. Cả cái bờ rào đá nửa hư nửa thực kia nữa, nó lạnh buốt tận tâm can, nó khiến người ta phải đối diện với nỗi cô đơn thăm thẳm của kiếp người.

Với tranh minh họa, tôi cảm thấy Vũ Đình Tuấn dễ đồng điệu với những câu chuyện mang tính bi kịch. Phải chăng là áp lực cảm xúc từ các bi kịch khiến anh trở nên phóng túng hơn? Và vì thế mà những bức tranh khổ hẹp lấy cảm hứng từ các bi kịch luôn có những sắc thái được dồn nén thật chặt. Thậm chí tôi còn cảm thấy nếu vẫn là bức tranh ấy mà đặt nó vào khổ lớn sẽ không thể nào mang tới những hiệu ứng cảm xúc đặc biệt như vậy.

Đỗ Bích Thúy
 

;
;
.
.
.
.
.