Nhớ bánh đúc rau câu

.

Mẹ nhắn: “Đường đi làm mùa này có ngang chợ, tạt vô mua cho mẹ vài cái bánh đúc rau câu. Lâu rồi không được ăn…”. Chỉ chừng ấy, cả bầu trời nhung nhớ lao xao ùa về.

Thuở còn ở quê ngoại, nhà tôi nằm lưng chừng giữa hai cái chợ: Một chợ to nằm bên đường lớn; một chợ xép bên cửa biển. Mỗi độ xuân chuyển sang hè, vào mùa rau câu (một loại rong biển mọc lèn trong kẻ đá, ngập trong nước mặn) thì mẹ thường đi chợ xép. Đận ấy, món bánh đúc rau câu luôn là lựa chọn của mẹ.

Còn nhớ mỗi ngày mẹ quang gánh ra chợ là lũ trẻ con bắt đầu có tâm trạng trông ngóng. Mặt trời lên cao, cái bóng thu ngắn lại chừng nào thì nỗi ngóng trông càng tăng lên. Đến độ không ở yên được một chỗ, mấy anh em rủ nhau chạy ra đầu ngõ đứng chờ. Bóng mẹ quảy gánh hiện ra từ đằng xa, cả đám chạy ào ra: “A, mẹ về, mẹ về…”. Quang gánh vừa kịp đặt xuống, mẹ kéo tấm lá chuối che trên miệng thúng, lấy từng miếng bánh đúc rau câu ra chia đều cho mỗi đứa. Gói ruốc làm gia vị để chấm được cho vào chén. Cả mấy anh em ăn ngon lành. Vị bánh mát lạnh, tan mịn nơi đầu lưỡi trở thành hương vị khó quên.

Cây rau câu không chỉ dùng để nấu bánh đúc mà còn chế biến được nhiều món ăn như: kho cá, nấu canh, nấu bánh canh bột lọc nhưng thích nhất vẫn là nấu bánh đúc. Nhớ mẹ hay kể, hồi xưa mỗi lần ra chợ, quà ngoại hay mang về cho mẹ và các dì, cậu cũng là bánh đúc rau câu. Thuở đó, mỗi bánh chỉ có giá vài đồng. Thời son trẻ, vào mùa rau câu, mẹ thi thoảng mua về nguyên một mớ rau câu tươi. Cây rau câu nguyên thủy đã có vị ngọt và mùi thơm tự nhiên, được người hái rửa sạch ngay ngoài biển để tránh phải rửa lại bằng nước ngọt làm mất vị.

Vì vậy, khâu chế biến không mất nhiều công đoạn, cũng không thêm thắt gia vị mà chỉ cần đun nước thật sôi, cho rau câu vào, dùng đũa cả đánh đều tay, tầm 15 phút rau nhuyễn. Đoạn ngót nước, rau câu dẻo mịn quyện vào nhau thì bê nồi xuống, dùng muôi cho vào các ngọn lá đã được bẻ vụm đặt vừa vặn trong chén, chờ nguội đông thành bánh. Lá đựng bánh có thể là lá chuối, lá bàng, lá sen hoặc lá bông… tùy mùa. Gia vị chấm bánh cũng là khâu quan trọng không kém. Người xưa thường dùng ruốc nêm thêm một ít mì chính, tỏi, gừng, ớt giã dập đem hấp cách thủy. Tầm ruốc chín dậy mùi thơm thì vắt thêm xíu nước cốt chanh…

Hàng bánh đúc rau câu bây giờ vẫn còn bên hông chợ xép. Người bán khá già. Khách hàng tìm mua cũng ít thấy người trẻ. Nhưng niềm háo hức chọn mua, nâng niu những miếng bánh đúc xanh màu lá trên tay thì vẫn vậy. Thi thoảng có vài người khách tóc đã ngả sang màu bạc, lót dép ngồi quây tròn bên mẹt bánh, thưởng thức tại chỗ, tỉ tê đủ thứ chuyện thời thơ bé như yêu thương dụm dành bao lâu nay được dịp san sẻ. Khoảng cách rút lại thật gần tới mức ít ai nghĩ chỉ trước đó dăm ba phút, bên cạnh một gian hàng khác giữa chợ lao xao, họ chưa từng quen nhau, từng chạm mặt đầy xa lạ. Gánh bánh đúc rau câu trở thành gánh ký ức.

Mẹ nói, bánh đúc rau câu không phải là món ăn no mà ăn cho đã thèm cái vị mặn mòi của biển. Còn bây giờ thì ăn cho thỏa nỗi nhớ xa xưa. Người ta nói “tre già, măng mọc”, nhưng ký ức luôn là nơi có đủ uy quyền “chống đối” lại mọi quy luật để đi ngược thời gian. Nỗi nhớ của mẹ là minh chứng. Hôm tôi tạt qua chợ mua bánh đúc rau câu cho mẹ, bà lão bán bánh cười lộ ra những chiếc răng đen nhánh. Cơ hồ bà vui vì có người trẻ ghé mua. Bà nói: “Con có thể thay ruốc bằng đường cát cho hợp khẩu vị”. Tôi tần ngần mất mấy giây rồi quyết định chọn ruốc để cảm nghiệm vị thanh thao, đậm đà trong món ăn mang hương vị xứ biển như lời mẹ kể.

Về nhà, tôi háo hức chia sẻ món bánh đúc rau câu cùng lũ trẻ. Chúng vừa ăn vừa hỏi cho thỏa tò mò. Còn mẹ, khác hẳn sự nghiêm nghị của mọi ngày, hào hứng kể với chúng về chuyện cây rau câu mọc trên triền đá, về những ngày xưa đợi ngoại đi chợ về. Ba thế hệ, một tiếng cười giòn tan bên mẹt bánh đúc rau câu xanh mướt. Cho đến bây giờ tôi không dám chắc mình còn nhớ hương vị bánh đúc rau câu mẹ từng mua về từ những phiên chợ ngày xưa. Và tôi cũng không dám chắc đó là món ăn ngon nhất trần đời của thời thơ ấu. Chỉ biết trong món ăn ấy đã cất giữ cả khung trời ký ức ngọt ngào của mẹ, của tôi cùng tiếng cười rộn ràng của lũ trẻ. Bình yên dừng trước hiên nhà.

THIÊN LAM
 

;
;
.
.
.
.
.