Từ một phường thuần nông, nay Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) chỉ còn 30% đất nông nghiệp. Theo chủ trương của thành phố, trong thời gian tới, Hòa Quý sẽ không còn đất sản xuất nông nghiệp mà chuyển sang quy hoạch các dự án trường học, khu tái định cư.
Nhiều nhà cao tầng bắt đầu mọc lên bên đường Võ Chí Công. Ảnh: Đ.L |
Đất lành chim đậu
Nhớ có lần đi tác nghiệp ở Hòa Xuân, tôi chạy xe nhầm qua cầu Nguyễn Tri Phương rồi đi một mạch vào đến Non Nước thì mới giật mình là mình đi lạc. Sau này để cẩn thận hơn, tôi chọn đường Lê Văn Hiến qua Mai Đăng Chơn để đến Hòa Quý rồi mới quay về thành phố theo đường Võ Chí Công. Từ đó về sau, mỗi lần đi Hòa Quý, tôi thường đi đường này cho thuận tiện.
Chỉ cần phóng xe từ Nguyễn Hữu Thọ đi thẳng một mạch là tới Hòa Quý. Nói như thế để thấy rằng, sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ở đây nhanh đến độ một người sống ở phố lâu như tôi vẫn có thể đi lạc. Từ khi có những con đường huyết mạch nối trung tâm thành phố với Hòa Quý, cùng những con đường đô thị dọc ngang rộng lớn trên địa bàn phường, đã làm cho bộ mặt đô thị nơi đây trở nên khang trang, sạch đẹp.
Hòa Quý bây giờ đã có hơn 34 dự án lớn nhỏ với tổng diện tích 1.362ha. Trong đó có 11 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 16 dự án đang chờ triển khai, 7 dự án tiến hành kiểm định giá đền bù. Từ một vùng đất thuần nông, nay Hòa Quý đã trở thành một khu đô thị nhờ những dự án điển hình như các dự án đường và cầu Nguyễn Tri Phương (nay là đường Võ Chí Công), đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, khu đô thị (KĐT) sinh thái công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước với diện tích 300ha bao gồm cả vùng Đồng Nò và một số khu tái định cư (TĐC) mới như khu TĐC Bá Tùng, khu TĐC Bá Tùng mở rộng, KĐT Hòa Quý…
Đúng như ông bà nói “Đất lành chim đậu”, kể từ khi cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi, người dân khắp nơi đã đổ về đây mua đất làm nhà ở ổn định, trong đó chỉ có 10% là người dân địa phương, còn đến 90% là đến từ các tỉnh khác về sinh sống và lập nghiệp. “Đa số người dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, có ngành nghề ổn định. Như KĐT Hòa Quý có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ về đầu tư làm ăn”, ông Ngô Thanh Trà, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý phấn khởi cho biết.
Cách đây 5 năm, đất nông nghiệp chiếm 90% thì bây giờ chỉ còn 30%. Hầu hết những người dưới 45 tuổi làm công nhân lao động phổ thông. Trên địa bàn phường cũng xuất hiện một số nhà máy, xí nghiệp tạo công ăn việc làm cho người dân như Công ty Nến Quang Minh, Công ty May Việt Liên, nhà máy may của Công ty CP Dệt may Hòa Thọ và các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác thu hút từ 250-300 lao động/năm.
Còn số trong độ tuổi lao động thì làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc (Quảng Nam) và các khu công nghiệp khác trên địa bàn thành phố. Địa phương cũng đã hình thành được 2 hợp tác xã và một tổ sản xuất trồng nấm ăn và nấm dược liệu với sản lượng 25 tấn/năm, giải quyết việc làm cho 40-50 lao động.
“Đời sống người dân nhìn chung được nâng lên. Sau giải tỏa, nhà cửa khang trang hơn. Ít nhất cũng nhà hai tầng ở khu TĐC. Sắp tới, theo chủ trương của thành phố, Hòa Quý không còn sản xuất nông nghiệp nữa, đất chuyển sang quy hoạch các dự án trường học, khu tái định cư”, ông Trà cho biết thêm.
Chăm lo gia đình chính sách
Hòa Quý vốn xuất phát là mảnh đất nghèo khó, là mảnh đất anh hùng trong chiến tranh. Hiện nay, trên địa bàn vẫn còn lưu giữ chứng tích 45 học sinh Trường tiểu học Mân Quang chết trong một trận bom của Mỹ vào năm 1965.
Đình làng Mân Quang đã được công nhận di tích văn hóa cấp thành phố. Đây cũng là địa phương có số hộ gia đình chính sách tương đối đông với 1.100 hộ; có 137 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), trong đó có 7 Mẹ còn sống.
Trong 5 năm qua, phường đã vận động các cơ quan, doanh nghiệp, mạnh thường quân, cán bộ, công chức, viên chức quyên góp tặng 257 sổ tiết kiệm và vận động được 306 triệu đồng quỹ Đền ơn đáp nghĩa; đồng thời triển khai chương trình sửa chữa nhà ở cho người có công cách mạng và đã xây mới 85 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa 278 căn nhà.
Hiện nay, nghĩa trang liệt sĩ phường có hơn 1.000 ngôi mộ liệt sĩ. Hằng tháng, cứ đến ngày 14 và 30 âm lịch, UBND phường đều tổ chức dâng hương và lễ thắp nến tri ân vào Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7). Vừa qua, phường cũng đã đề xuất thành phố mở rộng và nâng cấp nghĩa trang với kinh phí 10 tỷ đồng. Trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục vận động người dân đóng góp xây dựng tháp chuông đặt trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ và xây dựng nhà bia vinh danh Bà mẹ VNAH.
Trước quá trình đô thị hóa, nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) phường bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp nên gặp khó khăn trong việc chuyển đổi ngành nghề. Ông Đặng Ngọc Đình, Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Quý cho biết:
“Hiện Hội CCB phường có 290 hội viên. Để giúp hội viên có công ăn việc làm ổn định, Hội đã thực hiện phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, điển hình như xây dựng chương trình giúp hội viên vay vốn ưu đãi, tiếp nhận các nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Nhiều hội viên trẻ đã kịp thời chuyển sang làm thợ nề, thợ mộc, chăn nuôi và vươn lên thành hộ khá”.
Như hộ anh Lê Văn Nam (sinh năm 1975) ở khu An Lưu, đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi dê, bò, vịt. Gia đình anh Nam trước đây nghèo khó do phải nuôi 4 người con ăn học. Được sự động viên của Hội, năm 2004, anh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng phát triển chăn nuôi, đến năm 2018 thì anh thoát khỏi hộ nghèo. Hiện nay, mỗi năm anh xuất chuồng 15 con dê; mỗi kỳ xuất 2.000 - 3.000 con vịt; riêng đàn bò xuất chuồng 2-3 con/năm. Tổng thu nhập mỗi năm ước đạt khoảng 200 triệu đồng.
Trong khi đó, anh Huỳnh Bá Sơn (sinh năm 1971) ở khu Khái Tây lại khấm khá nhờ kinh doanh buôn bán tạp hóa, trong đó chủ yếu là điện dân dụng. Giờ đây, anh Sơn đã sở hữu cho riêng mình quầy hàng 200m2 trên đường Mai Đăng Chơn, mỗi năm thu nhập hơn 150 triệu đồng.
Hiện Hội CCB phường còn 11 hộ nghèo và 20 hộ cận nghèo. Theo ông Đặng Ngọc Đình, để phấn đấu thoát hết 100% hộ nghèo vào cuối năm nay, Hội sẽ khảo sát để nắm khả năng thực lực của từng hộ rồi tư vấn cho họ tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, vận động vay vốn ngân hàng ưu đãi, đồng thời các hội viên đóng góp kinh phí cho họ vay không lãi. Bên cạnh đó, Hội CCB quận Ngũ Hành Sơn và Ủy ban MTTQ Việt Nam phường hỗ trợ sửa chữa nhà xuống cấp.
Ông Đặng Ngọc Đình nói giọng phấn khởi: “Cái thay đổi lớn nhất là cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông. Nhà ở của người dân cũng khang trang hơn trước. Còn nhớ năm 2002 khi chú từ Thọ Quang chuyển về đây, xây được nhà 2 tầng, ai hỏi tìm nhà chú cũng chỉ ngôi nhà cao nhất trong khu vực, nhưng chừ thì nhà mình rất nhỏ so với những ngôi nhà chung quanh”.
Cùng với sự phát triển của quá trình đô thị hóa, phường Hòa Quý cũng đối mặt với nhiều bất cập khác, bởi đây là địa bàn có nhiều dự án, nhất là các dự án treo ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đáng chú ý là dự án làng đại học quy hoạch treo 23 năm, KĐT Hòa Quý kéo dài từ năm 2007 đến nay. Ảnh hưởng cụ thể nhất là người dân không được xây dựng, sửa chữa nhà ở đối với các dự án quy hoạch, không được tách thửa cho con…
Đầu tư kết cấu hạ tầng cũng hạn chế. Bên cạnh đó, do có nhiều người dân đến từ nhiều tỉnh khác nên tình hình an ninh khá phức tạp, đặc biệt một số trường hợp tệ nạn xã hội liên quan đến những người sống ở quận trung tâm về mua đất sinh sống trên địa bàn phường dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Nhiều lô đất trống người dân mua đầu tư bất động sản xen lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
Tuy phát triển nhanh nhưng Hòa Quý hiện vẫn là phường khó khăn nhất so với các địa phương khác của quận Ngũ Hành Sơn vì có xuất phát điểm là nông thôn. Trong thời gian tới, phường xác định tiếp tục nhiệm vụ trọng tâm là tập trung giải tỏa những dự án trọng điểm trên địa bàn như KĐT Đại học Đà Nẵng, bệnh viện chất lượng cao và một số khu TĐC thuộc dự án trọng điểm của thành phố. Về kinh tế, phường đề xuất quận và thành phố hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để thu hút lực lượng lao động nông nghiệp sau giải tỏa nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.
Hiện Hòa Quý có hơn 5.000 hộ dân với hơn 19.500 người. Năm 2019, giá trị sản phẩm ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt 124,34 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2018; giá trị sản phẩm ngành thương mại - dịch vụ ước đạt 341,6 tỷ đồng, tăng 20,5% so với năm 2018. Tổng thu ngân sách phường: 21,38 tỷ đồng, đạt 146,61%. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng 15 - 16%; tập trung công tác quản lý đô thị, hạn chế thấp nhất không để xảy ra xây dựng không phép, sai phép. Bên cạnh đó, phường tiếp tục vận động nhân dân bàn giao mặt bằng đúng tiến độ ở các dự án trọng điểm; xây dựng giải pháp để từng bước thoát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức chuẩn mới của thành phố và hạn chế phát sinh tái nghèo, phấn đấu 100% hộ nghèo người có công còn sức lao động cuối 2020 thoát nghèo. |
Ghi chép của Đoàn Lương