Hai ông Lâm Quang Thự, Lâm Quang Minh, anh em con chú bác quê xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang khá đặc biệt bởi có nhiều ảnh hưởng trong xã hội. Truyền thống dòng tộc hiếu học, giàu lòng yêu nước đã đưa họ đến với con đường cách mạng. Cũng từ đó cả hai vinh dự được nhiều lần gặp Bác Hồ.
Đoàn Đại biểu Quốc hội Trung bộ yết kiến Hồ Chủ tịch tại Bắc Bộ Phủ, Hà Nội khi dự kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa I, 1946. (Ông Lâm Quang Thự đứng hàng thứ 2) (Ảnh tư liệu) |
Lần gặp Bác đầu tiên
Tuổi gần 100, Đại tá Lâm Quang Minh, ở số nhà 47 Thanh Long, Đà Nẵng có trí nhớ cực kỳ minh mẫn. Trong cuốn hồi ký “Tự hào được cống hiến tuổi xuân”, ông kể về một chi tiết thú vị: “Tôi có may mắn được gặp hay được đón Bác nhiều lần trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, suốt thời gian từ năm 1946 đến khi Bác đi xa vào năm 1969. Lần đầu tiên là đầu năm 1946, sau khi tham gia chiến đấu ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, tôi được điều động gấp ra Bộ Quốc phòng nhận công tác.
Trong khi chờ cấp trên giao nhiệm vụ, tôi may mắn được người anh con bác vừa mới được bầu đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho tôi một giấy mời dự thính kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới được thành lập. Đây là dịp may hiếm có trong đời, khi từ tầng trên đối diện với sân khấu Nhà hát lớn thành phố, tôi hồi hộp nhận rõ hình dáng của vị lãnh tụ kính yêu trong bộ quần áo kaki giản dị tươi cười vẫy chào các vị đại biểu của cả nước và khách mời”.
Gặp trực tiếp hỏi Đại tá Lâm Quang Minh về người anh họ “quyền lực” ấy là ai, ông cười: “Vậy là cháu không chịu tìm hiểu lịch sử rồi. Đó là anh Lâm Quang Thự, một trong 15 đại biểu đầu tiên của tỉnh Quảng Nam. Năm 1946, bà con thường đọc thành vần tên đại biểu để dễ nhớ, dễ bầu cử: “Lẳng lặng mà nghe/ Cái vè bầu cử/ Ông Tri, ông Thự/ Ông Hiến, bà Thanh/ Cùng là các anh/ Huệ - Bôi - Sạ - Nhĩ/ Tống - Bằng - Thao - Kỷ/ Với lại Viện, Diêu…”.
Ông Lâm Quang Thự (1905-1990) sinh ra trong gia đình cả nội và ngoại đều học giỏi và thành đạt. Vốn là thầy giáo dạy sơ học Pháp Việt - Nha Trang, năm 1929, ông được kết nạp vào tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là Chủ tịch Ủy ban Hành chánh huyện Hòa Vang, rồi Ủy viên Ủy ban hành chánh tỉnh. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm việc ở Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội. Ông là đại biểu cả 3 khóa I, II, III, có nhiều đóng góp quan trọng trong bộ máy lập pháp của nước ta. Với chức trách của mình, ông nhiều lần gặp Bác Hồ và đã viết thành sách “Những mẩu chuyện về Bác Hồ với Quốc hội”.
Tiếc là trong hồi ký “Sáu mươi năm trên đường cách mạng”, ông không dành nhiều “đất” bày tỏ cảm xúc riêng tư. Ông chỉ có hai lần kể về Bác Hồ với tình cảm trân trọng. Đó là qua lời kể của cụ Huỳnh Thúc Kháng đang kinh lý các tỉnh Trung Bộ về đến Quảng Nam (11-1946) mà ông và các đồng chí trong Ủy ban Hành chánh tỉnh Quảng Nam đón tiếp: “Cụ hết lời ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và cho rằng dân tộc ta có Hồ Chủ tịch là một hồng phúc...”.
Lần thứ hai, ông Thự kể về Bác Hồ là sau khi tập kết ra Bắc và dự kỳ họp thứ IV (Quốc hội khóa I) từ 20 đến 26-3-1955 sau khi chúng ta đánh bại thực dân Pháp. Trong tổng số 208 đại biểu thì Liên khu V có 26 người. Ông viết: “Trong lời chào mừng Quốc hội, Hồ Chủ tịch với lời xúc động nói: “Chính phủ nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu của miền Nam thương mến. Miền Nam là ruột thịt, xương máu của chúng ta. Miền Nam oanh liệt đã nêu cao ngọn cờ kháng chiến đầu tiên và đã chiến đấu anh dũng cho đến khi có lệnh ngừng bắn…”.
Hai anh em gặp Bác Hồ ở Việt Bắc
Có sự tương đồng thú vị giữa hai anh em ông Lâm Quang Thự và Lâm Quang Minh, đó là trong kháng chiến chống Pháp, cả hai đều vượt Trường Sơn ra Việt Bắc.
Năm 1952, ông Minh là Tham mưu phó Trung đoàn 803 được cử ra chiến khu Việt Bắc học tập, chỉnh huấn. Những ngày ở đây, ông đã được gặp Bác Hồ. Ấn tượng hơn nữa, đoàn của ông được Bác Hồ khen ngợi. Trong buổi khai giảng, trong khi cán bộ quân đội các nơi mặc mỗi người mỗi kiểu thì đoàn Quân khu 5 đồng loạt may theo trang phục mùa hè bằng vải Sita, mũ đan bằng nan tre, lợp vải màu, ngoài bọc lưới ngụy trang trông rất khỏe mạnh.
Đại tá Lâm Quang Minh (giữa) kể về những lần được gặp Bác Hồ.Ảnh: H.V |
Bác đưa mắt nhìn một lượt các hàng quân, đến đoàn Quân khu 5, bác dừng rất lâu và “À” lên một tiếng và nói: “Đồng bào Liên khu 5 có tinh thần tự lực cánh sinh, tự cung tự cấp rất cao vừa tham gia đánh gặc, vừa hăng hái tăng gia sản xuất để nuôi bộ đội ăn no đánh thắng. Bác có lời khen ngợi đồng bào, bộ đội Liên khu 5”. Bác còn quan tâm hỏi: “Các chú đi từ Khu 5 ra đây mất bao thời gian, có chú nào rơi rớt dọc đường không?”.
Ông Lâm Quang Minh đã thay mặt cả đoàn trả lời: “Thưa Bác, đoàn của chúng cháu có 16 anh em, đi hết gần 6 tháng. Chúng cháu đều khỏe mạnh ạ”. Bác khen: “Tốt”. Bác giảng giải về trường kỳ kháng chiến với hình ảnh trực quan sinh động. Những lời của Bác khiến ông ghi lòng tạc dạ. Đêm đó ông không tài nào ngủ được, lòng bồi hồi xúc động, lần đầu tiên đứng gần và trực tiếp thưa chuyện với Người giữa núi rừng Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến.
Ông Lâm Quang Thự thì được gặp Bác Hồ một năm sau đó. Trong hồi ký, ông viết: “Sáng ngày 4-9-1953, tôi được trao bức điện của Trung ương triệu tập Quốc hội họp kỳ thứ III tại Việt Bắc. Tôi rất vui mừng vì đây là dịp tôi được đi ra Việt Bắc, gặp lại Hồ Chủ tịch và các bạn bè quen biết đã xa nhau hơn 7 năm nay ở Hà Nội tháng 10 và 11 năm 1946…”.
Bảy lần được gặp Bác Hồ, trong đó có ba lần được đón Bác đến thăm khi là học viên khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây năm 1946, nhất là được chứng kiến cảnh Bác Hồ trang trọng trao lá cờ có thêu sáu chữ “Trung với Nước, Hiếu với Dân” cho học viên của trường, đã để lại trong lòng Đại tá Lâm Quang Minh lòng kính yêu Người sâu sắc. Lần thứ tám, ông Minh gặp Bác trong hoàn cảnh đau thương. Đó là khi đoàn cán bộ vừa từ chiến trường miền Nam đến Hà Nội thì nghe tin Bác Hồ mới mất. Đất trời như sụp đổ dưới chân: “Giữa đêm khuya, trời mưa, chúng tôi lần bước theo dòng người vô tận vào viếng Bác. Tôi bấm bụng, cố nén đau thương trong lòng nhưng nước mắt vẫn trào ra không gì kìm hãm được”...
Làm đẹp cho đời
Hình ảnh Bác Hồ kính yêu với những lời dặn dò ân cần, thấm thía của Người luôn đồng hành với anh em họ Lâm trên mỗi bước đường gian lao, cùng họ đi đến ngày hòa bình. Về hưu năm 1970 nhưng ông Lâm Quang Thự vẫn hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ. Suốt 13 năm (1970-1983), ông thường xuyên được mời tham dự các hội nghị khoa học của Ủy ban Khoa học xã hội. Ông viết nhiều tham luận, bản kiến nghị, đề đạt tâm tư với các nhà lãnh đạo Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Thanh Nghị… về công tác Quốc hội và hiến pháp. Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đình An từng phát biểu: “Những kiến nghị mà ông trình bày một cách khiêm tốn trước Quốc hội cách đây 30, 40 năm vẫn là những bài học đầy sức sống với chúng ta hôm nay”. Nhà trí thức Lâm Quang Thự còn viết sách về xây dựng chính quyền nhân dân và các đề tài về khảo cứu nền văn hóa xứ Quảng.
Để tưởng nhớ ông, tên ông được đặt cho một con đường ở thành phố Đà Nẵng và một trường tiểu học tại Hòa Vang. Ngày 24-12-2005, UBND huyện Hòa Vang cùng Hội Sử học Đà Nẵng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, và xuất bản cuốn sách “Lâm Quang Thự, người con đất Quảng”. Nối gót truyền thống gia đình, con cái ông đều là những trí thức thành đạt. Ba con trai đều đỗ tiến sĩ trong đó, có 1 giáo sư, 1 phó giáo sư, 1 nhà giáo ưu tú.
Đại tá Lâm Quang Minh được biết đến là người bán nửa căn nhà với gần một tỷ đồng làm từ thiện, Trước đó, cả hai vợ chồng đều là những người “vác tù và hàng tổng” ở thành phố Đà Nẵng hàng chục năm liền. Ông cùng đồng đội liên lạc với người bạn Hy Lạp (tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập), góp sức để ông Lập được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông dành nhiều tình cảm, vật chất giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, các cháu khuyết tật.
Đại tá Lâm Quang Minh đã được khen tặng 3 huy chương: Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân; Vì sự nghiệp giáo dục đào tạo; Vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài; 3 lần được tuyên dương là Đảng viên tiêu biểu cấp thành phố.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hai cán bộ lão thành cách mạng Lâm Quang Thự và Lâm Quang Minh thật xứng đáng để thế hệ trẻ noi theo.
HỒNG VÂN