Nơi ấy là tình yêu

.

Tôi vẫn nhớ những buổi chiều nắng nhạt, được nghỉ tiết học cuối vào mỗi chiều thứ Năm hoặc rảnh rỗi vào cuối tuần, vẫn thường theo mẹ đi bán ve chai. Đó là giai đoạn gia đình tôi khó khăn nhất. Và ở vựa ve chai ấy, luôn có một niềm vui như thể bất thình lình nhận được món quà quý khi tôi tìm được những cuốn sách tuyệt hay lẫn lộn trong cả kho giấy, báo cũ.

Đầu những năm cấp hai, tôi làm bạn với Hãy để ngày ấy lụi tàn, Martin Eden, Daghextan của tôi…, những cuốn sách có vẻ quá lớn với độ tuổi với cô bé tôi lúc ấy, đọc nhiều trang vẫn mơ hồ không hiểu ý tác giả muốn viết gì.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Những cuốn sách sờn gáy, sút chỉ, rách vài trang là chuyện thường. Có cuốn mối mọt gặm dở dang. Hết thảy đều được tôi nâng niu, miễn là sách hay. Vào những ngày mẹ còn phải chạy ăn từng bữa ấy, tiền mua sách là điều xa xỉ mà lâu lâu bán ve chai được nhiều tiền lời mẹ mới có thể tặng cho một, hai cuốn. Hàng trăm cuốn sách tôi có lúc ấy đều được lượm lặt từ vựa ve chai về nhà.

Cho tận hàng chục năm sau, tôi vẫn nhớ mùi giấy ẩm vào ngày trời nồm, mùi hoi hoi của giấy khô khi gặp nắng vào buổi chiều hè đầy gió Lào, nắng hạ, trong những buổi chiều vàng nắng nơi tiệm ve chai nhà ông Lượng. Tiệm ve chai ngày ấy giờ đã biến thành quán cà-phê với dãy lộc vừng rất  đẹp. Có một con bé mỗi độ về quê đi ngang qua vẫn bất giác mỉm cười như thể gặp lại chính mình trong cái nheo mắt vì nắng.

Công việc của tôi gắn với chữ nghĩa. Và, nói không quá thì những buổi chiều mua bán ve chai, ẩn mình trong một kho sách báo phế liệu ngày đó đã vun đắp tình yêu với công việc của mình. Tình yêu với những trang sách, với chữ nghĩa lớn lên cùng tôi trong những ngày thiếu thốn ấy. Tôi vẫn tin rằng như thế. Những cuốn sách ấy, có vài cuốn đến nay vẫn nằm trên kệ sách của tôi. Dẫu rằng có khi cả chục năm không mở ra. Cuốn Daghextan vẫn ở đó, mất bìa và vài trang đầu, cuối, được bọc lại bằng một tờ báo màu để che bớt phần loang lổ vì ố vàng. Mỗi khi dọn kệ sách hoặc tình cờ chạm tay vào kỷ niệm, yêu thương vẫn vẹn nguyên ở đó để nhắc nhở tôi về những điều chưa xa.

Lại nhắc tới cuốn Daghextan của tôi, vốn là sách lượm từ vựa ve chai, lẻ loi một tập 2. Có lần, đứng trò chuyện với anh họa sĩ chung cơ quan, tình cờ nhắc tới vài cuốn văn học Nga yêu thích, tôi nhắc tới Daghextan. Anh bảo: “Ơ may quá, anh có dư cuốn tập 1 đấy, để mai anh đưa cho em”. Anh kể, lần đi tiệm sách cũ mua bộ sách này, xong thấy cuốn tập 1 nằm lẻ bộ, thấy thương thương sao đó mà mua về, nghĩ rằng chắc sẽ có ai đó cần. Cuốn sách của anh đúng bộ NXB Cầu Vồng, in năm 1987 mà tôi chỉ có tập 2. Mắt anh mừng như thể... anh gặp may chứ không phải là tôi. Anh bảo: “Ơ, thì đúng là anh may mà, vì sứ mệnh của sách là để lan tỏa, và lan tỏa đẹp nhất là lan tỏa tình yêu thương. Gửi được cuốn sách mà mình đang có cho một người yêu sách là may mắn quá còn gì?”.

Sách, trong ký ức của anh bạn tôi lại là món quà đặc biệt của mẹ. Bạn học ở phố, mẹ ở quê, mỗi độ lên phố thăm con vẫn gói ghém từng bó rau con cá trong vườn dưới ao mang lên, không quên tạt qua hiệu sách để mua một cuốn thơ, cuốn truyện tặng con. Có lần, mẹ mang theo ít tiền, cuốn sách lại khá đắt, chủ tiệm sách thông cảm giảm giá bớt, còn đúng 2.000 đồng để đi xe buýt từ trung tâm thành phố ra ngoại thành - nơi con ở. Mà nào đơn giản, trạm xe buýt còn cách nhà con cả 2 km. Ngày ấy, điện thoại di động còn chưa có, mẹ chân thấp chân cao lội bộ con đường trưa nắng chói chang vào tận nhà con. Đứa con mỗi khi mở lại cuốn sách Tuyển tập thơ Chế Lan Viên ngày xưa mẹ tặng mà thấy lòng chùng chình xúc động.

Sách, trong ký ức của chị bạn tôi, là tiệm sách của nhà chị. Ba chị thông minh, tài hoa, là thầy giáo già về hưu. Ba có thể làm rất nhiều việc hái ra tiền vào thời điểm đó nhưng ông không chọn, ông chọn làm chủ một tiệm sách mini ngay gian ngoài căn nhà. Con cái mỗi khi đi đâu lại ngang qua tiệm sách có dáng ba lúi húi thân thương. Ngày mấy bận ngang qua ngang lại như thế, hít thở trong không khí có cả nhựa thông, cả mùi những trang sách mới, sách cũ; quen thuộc đến mức, chị nói nửa đùa nửa thật, nhắm mắt hít thở cũng có thể cảm nhận cuốn sách nào có thể kết bạn hay không.

Rồi ngày kia, một biến cố lớn, nhà chị lâm vào cảnh đói ăn thiếu mặc. Những cuốn sách trong nhà phải mang ra phố bán. Những đồng tiền kiếm được từ sách đổi lại những bữa ăn nuôi lớn lũ trẻ. Chị nhớ mãi hình ảnh ba lần lữa đứt ruột bán dần từng cuốn sách quý khi có khách hỏi mua, tới bữa cơm, bưng bát nhìn đàn con mà rưng rưng. Rồi đám con cái lớn lên, một trong những việc ấm lòng là tạo dựng lại thư phòng mini cho ba mình, tìm mua lại những cuốn sách khi xưa ba yêu thích. Là nơi, để khi rảnh ông lại ngồi đọc sách, lại chơi đàn mandolin cho cả nhà nghe, và nhắc chuyện ngày xưa, nhẹ nhàng truyền tiếp tình yêu sách cho đám cháu nội, ngoại như ngày xưa đã âm thầm gieo vào lòng đám con cái của mình.

Có một dạo, dường như theo “trend” trên Facebook có trò chơi mang tính lan tỏa. Nội dung nôm na rằng, khi bạn gửi tặng cho một người nào đó một cuốn sách hay, bạn sẽ nhận lại được 6, 7 (hay bao nhiêu đó cuốn sách hay - tôi không còn nhớ rõ). Trò chơi này, dĩ nhiên dành cho những người yêu sách; và dĩ nhiên là không thành công. Vì, dù rằng ý nghĩa, thông điệp hướng tới khá hay: Sự lan tỏa yêu thương sẽ nhận lại được yêu thương nhưng cũng vô tình có sự tính toán trong đó giữa một cuốn sách trao đi nhận lại nhiều hơn… Mà, những người yêu sách, không ít người trong số họ thấy hạnh phúc khi được trao đi hơn là nhận lại.

Trong số bạn bè của tôi, chẳng theo “trend” nào, không tham gia trò chơi nào, vẫn có cô bạn trẻ khuyết tật, đi lại khó khăn nhưng mỗi cuối tuần vẫn đi hàng chục cây số, mang sách đọc cho lũ trẻ trong bệnh viện nhi nghe, vẫn có những người bạn rủ nhau tặng sách cho những trường học khát sách trên non cao… Chẳng phải vô cớ đâu khi mà có hẳn một ngày trong năm dành cho sách (21-4), và bạn biết không, phía sau những trang sách, khi bạn mở lòng, bạn sẽ gặp tình yêu.

VÕ THU HƯƠNG


 

;
;
.
.
.
.
.