Khi chưa thể biết lúc nào hoạt động vận tải đường không quốc tế mới bình thường trở lại, các quốc gia có nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào du lịch tại Đông Nam Á đang nỗ lực triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá kích cầu du lịch.
Du khách tại Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta, gần thủ đô Jakarta của Indonesia. Ảnh: Reuters |
Thái Lan tái khởi động ngành du lịch
Hãng AFP cho biết, tại Đông Nam Á, Thái Lan chịu thiệt hại nặng nề nhất về du lịch. Lúc chưa xảy ra Covid-19, ngành du lịch đóng góp 1/5 GDP của Thái Lan và tạo công ăn việc làm cho khoảng 8 triệu người.
Khi dòng tiền không còn tuôn chảy dồi dào như bình thường vào các khu nghỉ dưỡng trên bãi biển Phuket nổi tiếng của Thái Lan, các khách sạn ở đây như đang ngồi trên lửa. Cuộc ganh đua tìm cơ hội phục hồi đã được khởi động và mục tiêu là du khách trong nước. Bà Angkana Tanetvisetkul, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Kata Karon, đại diện hơn 40 khách sạn thuộc sở hữu tại Phuket, cho biết: “Nếu không có gì thay đổi trong 3 tháng nữa, chúng tôi sẽ không còn tiền trả cho nhân viên”.
Chính phủ Thái Lan ước tính số du khách quốc tế sẽ giảm 68% trong năm nay so với năm ngoái, còn 12,7 triệu khách. Theo ông Somprawin Manprasert, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Ayudhya PCL, ngành này cũng chỉ ký hợp đồng lao động được với khoảng 70% lượng nhân viên so với thông thường.
Thái Lan tạm dừng đón du khách nước ngoài ít nhất tới ngày 1-7. Sau thời điểm đó sẽ nới lỏng hạn chế đối với du khách đến Thái Lan - bước đi đầu tiên để tái khởi động ngành du lịch. Theo Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Thái Lan (CAAT) Chula Sukmanop, các nhà chức trách sẽ họp với các hãng hàng không địa phương vào tuần tới để xem họ có sẵn sàng nối lại các dịch vụ quốc tế hay không. Các lãnh đạo ngành du lịch cũng đang hỗ trợ các khu nghỉ dưỡng (resort) thu hút tối đa du khách trong nước. Đáng lưu ý, theo AFP, nội các Thái Lan vừa thông qua gói kích thích du lịch nội địa trị giá 22,4 tỷ baht (khoảng 720 triệu USD) nhằm hồi sinh ngành công nghiệp không khói này.
Tăng khuyến mại, giảm giá kích cầu
Theo Reuters, ngay cả ở những quốc gia mà tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 vẫn còn đáng ngại như Indonesia, Singapore, chính phủ các nước này vẫn kỳ vọng và tính toán việc mở lại các điểm du lịch hút khách, nối lại hoạt động du lịch tới các thị trường lớn như Trung Quốc và một số nơi khác. Ngày 19-6, Singapore bước vào giai đoạn hai của quá trình mở cửa nền kinh tế sau hơn 2 tuần thực hiện mở cửa giai đoạn 1 từ ngày 2-6.
Tại Indonesia, những điểm du lịch lớn như đảo Bali cũng đang nỗ lực để vượt qua “cú đòn trời giáng” của đại dịch bất kể việc nước này có số người tử vong vì Covid-19 cao thứ 3 tại châu Á (chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc). Mặc dù dịch vẫn chưa được kiểm soát nhưng chính phủ Indonesia vẫn đã lên kế hoạch mở lại du lịch cho khách trong nước từ tháng tới và khách nước ngoài có thể trở lại Indonesia từ tháng 9.
Tại Malaysia, từ tháng 7, Hãng hàng không giá rẻ AirAsia Group sẽ khôi phục toàn bộ các đường bay nội địa theo hướng dẫn của chính phủ Kuala Lumpur về nới lỏng các biện pháp hạn chế. AirAsia chủ trương chuyển hướng vận tải hàng hóa như một giải pháp ứng phó với tình trạng nhu cầu đi lại sụt giảm và đường bay quốc tế chưa được khôi phục.
Việt Nam đang dần mở cửa trở lại các điểm du lịch trước hết là thu hút khách nội địa. Theo báo Japan Times, thu nhập từ du lịch trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5-2020 của Việt Nam giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Báo này cho rằng, nếu Chính phủ Việt Nam quyết định mở cửa biên giới sớm trong quý 3 năm nay, ngành công nghiệp không khói của Việt Nam có thể đón thêm khoảng 8 triệu du khách nước ngoài.
Báo Asia Times dẫn dự đoán từ Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) cho biết, số lượng du khách toàn cầu có thể giảm tới 80% trong năm nay, làm doanh thu ngành du lịch sụt giảm 1.200 tỷ USD. Lĩnh vực du lịch của khu vực Đông Nam Á được cho là bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai trên thế giới, chỉ sau khu vực Bắc Á. |
Trần Đắc Luân