Gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giải ngân cho vay mới, đẩy mạnh chương trình cho vay giải quyết việc làm… là những việc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Đà Nẵng đang triển khai để hỗ trợ hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn ổn định kinh tế.
Người dân thực hiện thủ tục vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.Ảnh: TIỂU YẾN |
“Cứu cánh” cho người nghèo
Sinh ra tại làng chài Nại Hiên Đông, anh Hồ Văn Hải (trú 172 Bùi Huy Bích, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) bắt đầu cuộc sống riêng bằng nghề lặn ở cửa sông Hàn. Với thành phẩm vài ký nghêu, hến, chip chip, thu nhập mỗi ngày của anh Hải chỉ dừng lại trên dưới 100.000 đồng. Vợ anh vá lưới thuê, thu nhập thấp, hai con đang tuổi đến trường.
Kinh tế nhiều năm xếp vào diện hộ nghèo cho đến khi anh tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH quận Sơn Trà để mua lưới về đan rồi bán lại cho các cơ sở đánh bắt thủy, hải sản. Làm ăn có lãi, trả nợ đúng hạn, mới đây anh được xét vay tiếp 50 triệu đồng để phát triển, ổn định kinh tế.
Gia đình ông Trần Vĩnh Minh (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) cũng đã ổn định với nghề gia công nụ trầm hương sau khi được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH quận Hải Châu. Được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng từ NHCSXH, ông Võ Văn Thành (thôn Trường Định, xã Hòa Liên) đầu tư mua một số bò giống và tận dụng mảnh ruộng trồng cỏ, phát triển chăn nuôi. Từ ngày có đàn bò, ông Thành chí thú làm ăn, chăm bẵm từng ngọn cỏ, vệ sinh chuồng trại để vật nuôi phát triển tốt.
Ông Thành nói, gia đình trước đây từng nuôi bò, nhưng chỉ 1-2 con thả đồng cho có với người ta. Sống ở vùng nông thôn, thu nhập gói gọn trong mảnh vườn vài ba sào nên kinh tế khó khăn. Cách đây mấy năm, thịt bò được giá, ông bắt đầu nghĩ đến việc đầu tư đàn bò quy mô hơn để phát triển kinh tế hộ gia đình. Có nguồn vốn vay, ông mua liền 10 con giống, gầy dựng đến thời điểm này lên gần 30 con, bảo đảm khoản tiền trả gốc, lãi hằng tháng.
Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, bảo đảm an sinh xã hội vùng nông thôn huyện Hòa Vang. Từ đầu năm đến nay, NHCSXH huyện Hòa Vang giải ngân cho vay 2.528 lượt hộ (hơn 90 tỷ đồng), tăng 68 hộ so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 35 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo, 29 hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn, chưa kể 1.145 lao động được vay giải quyết việc làm.
Ông Đoàn Ngọc Cẩm, Giám đốc NHCSXH huyện Hòa Vang cho biết, ngoài hỗ trợ nguồn vốn thoát nghèo, giải quyết việc làm trong thời điểm Covid-19 diễn ra, NHCSXH Hòa Vang vừa tiếp tục cho 1.216 hộ vay với mục đích xây mới, cải tạo, nâng cấp công trình vệ sinh, nước sạch tổng số tiền hơn 23 tỷ đồng.
Ông Đoàn Ngọc Cẩm cho biết thêm, năm 2020 là “năm về đích” của chiến lược phát triển NHCSXH, cũng là năm cuối cùng triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hòa Vang lần thứ XVI và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020. Do đó, dù ảnh hưởng của Covid-19, nhưng NHCSXH huyện Hòa Vang vẫn đẩy mạnh các chương trình tín dụng từ Chi nhánh NHCSXH thành phố, chủ động phối hợp với UBND 11 xã, tổ trưởng tổ tiết kiệm - vay vốn khảo sát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó tư vấn sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.
Đặc biệt, trong thời điểm cách ly xã hội do dịch bệnh, NHCSXH dừng giao dịch trong tháng 4 nên các khoản vay đến hạn trả tự động gia hạn, chuyển sang tháng sau (không tính nợ quá hạn). Đối với khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19, đến hạn chưa trả được nợ gốc, có đơn đề nghị được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ thì được NHCSXH huyện tham mưu Chi nhánh NHCSXH thành phố điều chỉnh kỳ hạn nợ, giúp hộ vay có điều kiện tái sản xuất, tăng thu nhập.
Tích cực hỗ trợ người dân
Những tháng đầu năm 2020, hoạt động tín dụng nói chung và hoạt động tín dụng CSXH nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng Covid-19. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, NHCSXH Trung ương đã chuyển cho Chi nhánh NHCSXH thành phố 250 tỷ đồng cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, UBND thành phố và các quận, huyện cũng ủy thác 194 tỷ đồng, nâng tổng số vốn ủy thác địa phương để người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay lên 1.076 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Doanh, Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ tín dụng, Chi nhánh NHCSXH Đà Nẵng cho hay, đơn vị đang thực hiện 13 chương trình tín dụng từ nguồn vốn Trung ương và 9 chương trình tín dụng từ nguồn vốn ủy thác của thành phố và các quận, huyện.
Đối với các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và vừa thoát nghèo, NHCSXH thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể, phổ biến trong các cuộc họp tổ dân phố, thôn, xã về hồ sơ, đối tượng thụ thưởng để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách.
Cũng theo ông Doanh, trong giai đoạn hiện nay, tín dụng CSXH tiếp tục là công cụ kinh tế hữu hiệu trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh và bền vững, phát triển thành phố theo hướng “4 an”. Hiện nay, nguồn vốn tín dụng CSXH đã được đầu tư đến 100% phường, xã.
Thông qua các chương trình tín dụng CSXH, người dân có thể trang trải các chi phí đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như chi phí học tập cho con em, xây nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội.
Năm 2019, Chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng cho 4.202 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo vay vốn, bổ sung nguồn vốn sản xuất kinh doanh thoát nghèo bền vững; duy trì, mở rộng và tạo việc làm mới cho hơn 16.100 lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng nguồn vốn vay đạt 2.667 tỷ đồng, tăng 265 tỷ đồng (6,36%) so với năm 2019, trong đó nguồn vốn Trung ương đạt hơn 1.590 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59,65%/tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 1.076 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,35%/tổng nguồn vốn, tăng 194 tỷ đồng (22%) so với năm 2019. Chất lượng tín dụng được giữ ổn định, nợ quá hạn được kiểm soát ở mức thấp với tỷ lệ 0,14%/tổng dư nợ. Nguồn: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng |
TIỂU YẾN