Lợi thế từ sự khác biệt

.

Hậu Covid-19, khách du lịch nội địa đang được xem là “thẻ bài” để cứu cánh cho ngành du lịch các địa phương. Tuy nhiên, khi tất cả địa phương đều tìm cách thu hút dòng khách này thì đây lại là bài toán không hề dễ dàng.

Ý thức được sự ảnh hưởng của dịch bệnh tới ngành du lịch, ngay sau khi dịch tạm được khống chế, các doanh nghiệp du lịch và các địa phương đều nhanh chóng tung ra những chương trình, sản phẩm trọn gói (bao gồm vé máy bay, khách sạn, khu điểm du lịch…) với giá ưu đãi, kích cầu để thu hút khách đi du lịch tại địa phương mình. Ngay tại Đà Nẵng, các chương trình ưu đãi, giám giá cũng được chào bán để hy vọng phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Tuy nhiên, trong một số đề án, chương trình khảo sát về thói quen đi du lịch của khách nội địa cho thấy, nhiều địa điểm du khách chỉ đến một lần và không muốn quay lại lần thứ hai. Lý giải điều này, một số chuyên gia du lịch cho rằng, lý do có thể vì chất lượng dịch vụ chưa tốt; giá sản phẩm chưa hợp lý; yếu tố con người (đội ngũ nhân lực làm dịch vụ); yếu tố sản phẩm điểm đến…

Giám đốc một đơn vị lữ hành trên địa bàn Đà Nẵng cho rằng, lâu nay chúng ta mải mê thu hút khách du lịch quốc tế mà quên mảng khách nội địa, nhất là trong những thời điểm như hiện nay, việc đi lại chỉ gói trọn trong một quốc gia thì địa phương nào có sự khác biệt sẽ có lợi thế thu hút khách. Đà Nẵng như nhiều tỉnh, thành ở khu vực miền Trung khác cũng có biển, núi, danh thắng nhưng du khách chọn đến Đà Nẵng vì thành phố có một số sự khác biệt từ yếu tố cơ sở hạ tầng, con người, xây dựng các sản phẩm du lịch mới…

Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, ngoài sản phẩm du lịch cây Cầu Vàng của Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills tạo được sức hút và tiếng vang với những tín đồ du lịch cả trong nước và quốc tế, Đà Nẵng vẫn chưa có thêm sản phẩm du lịch mới nổi bật nào. Vì vậy, những người làm du lịch cho rằng, ngành du lịch thành phố cần nhanh chóng tạo ra sản phẩm du lịch mới để tạo nên “luồng sóng” đưa khách đến với Đà Nẵng. Phải tạo được “lý do” để du khách quay trở lại lần thứ 2, lần thứ 3.

Còn ở góc độ khách du lịch, một số du khách cho rằng, sản phẩm độc đáo, mới mẻ cũng là một phần trong việc quyết định chuyến đi của họ. Mỗi đối tượng khách thường có những lý do khác nhau, ví dụ như người lớn tuổi thích những chuyến đi có các sản phẩm gắn liền với nghỉ dưỡng; người trẻ thường thích những chuyến đi trải nghiệm, khám phá, những điểm đến mới nổi…

Nhưng đa phần du khách rất quan tâm đến yếu tố con người, tức là nguồn nhân lực. Với nhiều du khách, khi đi du lịch, đến một vùng đất mới, được quan tâm, chăm sóc tận tình, chu đáo, cảm thấy thân thiện, thoải mái như trở về nhà thì họ sẽ sẵn sàng quay trở lại hoặc giới thiệu cho bạn bè, người thân. Nhiều người lý giải rằng, cơ sở hạ tầng nhiều nơi có thể giống nhau nhưng yếu tố con người chính là điểm tạo ra sự khác biệt. Sự ân cần, niềm nở, nhiệt tình thân thiện của đội ngũ nhân viên, lễ tân khách sạn, những người làm dịch vụ… mang lại cho du khách cảm giác an toàn, thân thiện, dễ mến… thì ấn tượng về điểm đến sẽ nhiều hơn, nhu cầu muốn quay trở lại điểm đến đó cao hơn.

Xây dựng thương hiệu đã khó, giữ vững được thương hiệu còn khó hơn. Sau dịch bệnh, các hoạt động du lịch mới bắt đầu khởi động trở lại, thị trường du lịch đang ấm dần lên. Các chương trình giảm giá, ưu đãi nhiều nhưng đừng vì giá rẻ mà giảm chất lượng, dịch vụ. Hãy tạo ra sự khác biệt. Tức là bên cạnh việc xây dựng sản phẩm du lịch mới, các đơn vị lữ hành, dịch vụ, khách sạn cũng cần quan tâm hơn nữa đến yếu tố con người, tạo ấn tượng trong phong cách, thái độ của những người làm dịch vụ để thu hút khách quay trở lại.

HÀ KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích