NHẠC SĨ TÂN HUYỀN VIẾT "CỎ NON THÀNH CỔ"

Cho hôm nay và mai sau

.

Mỗi dịp tháng 7 về, trong dòng người đến với mảnh đất Quảng Trị, nhiều người nhớ đến giai điệu bài hát Cỏ non thành cổ của nhạc sĩ Tân Huyền. Ông đã viết ca khúc này không chỉ cho người nằm dưới cỏ, mà còn cho hôm nay và mai sau…

Nhạc sĩ Tân Huyền.                                                                         (Ảnh tư liệu)
Nhạc sĩ Tân Huyền. (Ảnh tư liệu)

Nhạc sĩ Tân Huyền tên thật là Phan Văn Tần, sinh ngày 5-4-1931 tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Vốn là thầy giáo dạy Văn, ông có năng khiếu âm nhạc nên tự tìm thêm sách để học. Sau những sáng tác đầu tay như Nhớ về quê em, thầy giáo Phan Văn Tần đã bỏ nghề giáo đi theo tiếng gọi của âm nhạc. Ông chọn bút danh Tân Huyền.

Trong hơn nửa thế kỷ sáng tác âm nhạc, ông đã để lại dấu ấn của mình qua hàng trăm ca khúc lấy cảm hứng từ hiện thực đời sống sản xuất lao động và chiến đấu, trong đó không thể không nhắc tới ca khúc Cỏ non thành cổ viết về cuộc chiến đấu anh dũng suốt 81 ngày đêm ở Quảng Trị của các chiến sĩ quân đội Việt Nam. Tác phẩm được Bộ Quốc phòng trao tặng danh hiệu “Bài hát xuất sắc về đề tài lực lượng vũ trang”. Năm 2001, nhạc sĩ Tân Huyền được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.

Tôi vẫn nhớ một lần được chuyện trò với nhạc sĩ Tân Huyền. Bằng giọng pha tiếng Nghệ Tĩnh nằng nặng, ông nói chầm chậm vì xúc động và cũng vì cách đó mấy năm ông trải qua một cơn bạo bệnh. Ông kể nhiều chuyện, rồi ông kể về hoàn cảnh viết ca khúc Cỏ non thành cổ.

Nhạc sĩ cho biết: “Lần ấy, tôi cùng với các nhạc sĩ Thuận Yến, Huy Thục, Vũ Thanh... đi vào Quảng Trị thâm nhập thực tế sáng tác. Khi đó, thành cổ còn hoang sơ lắm, chưa có tượng đài, chưa có bảo tàng, chỉ thấy toàn cỏ. Tôi ở Thành cổ Quảng Trị mấy hôm, có khi ngồi ngoài trời cả đêm mà vẫn chưa tìm ra “tứ” nào để viết. Tôi trăn trở lắm, vì những hy sinh mất mát của chiến sĩ ta ở Thành cổ Quảng Trị rất to lớn. Một sáng sớm, tôi đi loanh quanh trong thành thì gặp nhà văn Nguyễn Quang Lập. Lập nói đại ý rằng: “Anh Huyền ơi, cỏ lên xanh đẹp thế này đấy, nhưng mỗi tấc đất dưới lớp cỏ xanh này đều thấm đẫm máu xương của các chiến sĩ ta đổ xuống...”.

Theo nhạc sĩ Tân Huyền, mấy câu nói đó đã gây xúc động mạnh cho ông. Thế là cái tứ bài hát bất ngờ bật ra: Cái chết làm nên sự sống, máu xương đổ xuống và cỏ lên xanh, xanh đến không thể tin được nơi đây từng là chiến trường ác liệt nhất, đổ nhiều máu xương nhất...

“Tôi đã đi nhiều nhưng chưa thấy cỏ ở đâu lại xanh non thế, đẹp đến thế, lại phơ phất gió đùa, đúng như lời đã viết trong bài hát: “Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ. Bình minh thành cổ, cỏ mềm gió đong đưa...” - nhạc sĩ Tân Huyền nói, rồi bùi ngùi cho biết thêm: “Tôi viết bài này còn là vì có nỗi niềm riêng. Em trai tôi đi bộ đội vào miền Nam và từ ngày em đi, cứ chiều chiều người mẹ già nua của tôi lại đứng tựa cửa ngóng trông con.

Nhưng em trai tôi không bao giờ trở về nữa. Vì thế, đoạn lời: “Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về” là có hình ảnh người mẹ của tôi. Viết được Cỏ non thành cổ, tôi cũng cảm thấy thanh thản hơn, bởi trong cái chung vẫn nói được những tình cảm riêng.

Khi hoàn thành ca khúc, nhạc sĩ Tân Huyền hát cho mọi người cùng nghe, ai cũng rưng rưng nước mắt:

 “Cỏ non thành cổ, một màu
xanh non tơ
Bình minh thành cổ, dập dờn trong gió đong đưa
Bình minh thành cổ, một màu xanh non tơ
Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ
Cho tôi hôm nay vào thành cổ,
thắp một nén nhang cho người nằm dưới cỏ…”

Quả thực, dù nhạc sĩ Tân Huyền sáng tác khá nhiều và đa dạng, nhưng Cỏ non thành cổ mới chính là ca khúc để đời của ông. Cỏ non thành cổ đã được nhiều giọng ca thể hiện, như ca sĩ Thái Bảo, Nhã Phương, Lệ Thu, Kim Tiến...

Tuy vậy, lúc sinh thời, nhạc sĩ Tân Huyền thích cách thể hiện của ca sĩ Nhã Phương nhất. 12 năm sau ngày ông đi xa, đến nay, danh sách nghệ sĩ thể hiện Cỏ non thành cổ tiếp tục được nối dài với Tấn Minh, Việt Hoàn, Minh Thu, Đông Hùng…

"Có thể xem Cỏ non thành cổ là tấm lòng tri ân, là nén tâm hương của muôn triệu người dân Việt Nam dành cho những liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Có thể xem đây là sáng tác xuất thần trọn vẹn cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật, một điển hình về sự chân thành, giản dị khi người nghệ sĩ biết chắt lọc cái tinh hoa nhất của đời sống”

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh

THƯ HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.