Người càng luyện càng nên người

.

Em họ tôi kết hôn năm 20 tuổi. Lúc đó, nhiều người dự tiệc cưới xì xầm: “Nhìn mặt non thế kia, nghề ngỗng chưa có..., kiểu này ăn bám bố mẹ thôi”. Rồi, em sinh một em bé kháu khỉnh. Những ngày còn ở bệnh viện, không biết các cô điều dưỡng nhắc em bao nhiêu lần về cách bồng con sao cho... không lọt khỏi tay mẹ, cách áp miệng con vào vú mẹ như thế nào để bé không bị ngạt. Em bối rối làm theo, né tránh cái nhíu mày, chép miệng, lắc đầu của người lớn.

Để có cơ thể săn chắc, khỏe mạnh, người phụ nữ hẳn đổ biết bao mồ hôi tập luyện.  Ảnh: TRUNG ĐÀO
Để có cơ thể săn chắc, khỏe mạnh, người phụ nữ hẳn đổ biết bao mồ hôi tập luyện. Ảnh: TRUNG ĐÀO

Khi những người đến thăm về hết, em đóng cửa phòng, đọc thật kỹ cẩm nang hướng dẫn cách chăm sóc bé sơ sinh của bệnh viện. Từ một thai phụ vụng về, lóng ngóng, sau 5 ngày ở viện, em bồng con gọn ơ. Em cho con bú đúng cữ 2 tiếng/lần mặc cơn gò tử cung nhức nhối.

Bác sĩ hỏi em có cần thuốc giảm đau sau mổ không, em từ chối vì sợ giảm tiết sữa. Từ một cô bé chỉ ra đến đầu ngõ cũng phải bôi tí son, tóc cột cao, quần áo đồng điệu, em bước vào “cuộc chiến” nuôi con nhỏ. Má em biết con mình non dại, vụng về nên mỗi ngày ghé thăm đều thủ thỉ với má chồng: “Con bé còn khờ lắm, có gì chị chỉ bày thêm”.

Đứa nhỏ khóc dạ đề. Mỗi đêm, em rong con trên vai từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Những bài hát ầu ơ không biết em thuộc từ bao giờ mà ca nghe ngọt bùi. Sau khi con ngủ, dù hai mắt ríu lại, em cũng quơ cái đồng hồ đặt báo thức 6 giờ sáng dậy, để nấu ấm trà xanh, quét sạch nhà trên nhà dưới, dọn rửa những thứ còn trên bếp do ai đó trong gia đình ăn khuya hôm trước... Vì má chồng em nói: “Má thích mỗi sáng ngủ dậy xuống dưới nhà đã thấy nhà cửa tươm tất, ấm chè xanh hãm thơm lừng”…

Con khóc dạ đề 3 tháng là cũng chừng ấy đêm em thiếu ngủ trầm trọng. Em gầy sọp chỉ còn 40 ký, ít hơn cân nặng thời con gái 5 ký mà chẳng cần tập thể dục hay liệu pháp giảm cân nào. Chỉ chồng em biết đứa nhỏ khóc dạ đề. Ba má chồng ở tầng trên, thi thoảng giữa đêm nghe tiếng khóc nhưng nghĩ trẻ con ngủ giật mình, khóc ú ớ vài tiếng rồi thôi.

Má chồng thấy em gầy nhiều, bà mắng: “Bây ăn vô chớ mới sinh mà ốm nhách rứa rồi ngoài đường họ tưởng ta nuôi đẻ không tốt, không nấu chi cho bây ăn”. Em thưa: “Không phải đâu má. Con còn mệt nên chưa ăn nhiều được”. Đứa nhỏ múp míp, lanh lợi, ai gặp cũng khen: “Con nhỏ vậy mà khéo nuôi con”.

Chồng tôi là giáo viên. Với đồng lương hạn hẹp, anh ít dám sắm sửa thứ gì đắt đỏ. Mặc công nghệ điện thoại mỗi năm mỗi “thông minh”, anh gắn bó với chiếc điện thoại mua từ hồi mới đi làm. Anh bảo không có nhu cầu thay điện thoại mới. Chiếc điện thoại hiện giờ vẫn đầy đủ chức năng chụp ảnh, quay phim, lướt web… Để mua một chiếc iPhone, anh phải mất nửa năm đi làm với điều kiện không chi tiêu gì cả. Anh thấy không cần thiết.

Hôm rồi đi làm về, anh kể, học sinh trường anh mới 16, 17 tuổi mà toàn dùng điện thoại đắt đỏ. Trong khi anh biết học sinh của trường đa số ở khu vực phường Mân Thái, Nại Hiên Đông, Thọ Quang (quận Sơn Trà), cha mẹ là ngư dân. Biết bao lần anh liên hệ phụ huynh đều nghe tiếng sóng biển dập dềnh, không thì cũng đang ở chợ cá ồn ã. “Tụi nhỏ giờ đua đòi quá”, anh buồn buồn. Câu chuyện đứt quãng rồi cũng chẳng tới đâu.

Vài ngày sau, anh kể đã gọi một em học sinh lại hỏi, sao còn nhỏ mà em dùng điện thoại đắt tiền dữ vậy, ba mẹ mua cho hay sao? Em ấy nói, dạ không thầy, ba mẹ em là ngư dân, tiền đâu mà mua chiếc điện thoại 25 triệu đồng này. Em mua nó bằng tiền lương đi làm thêm. Mỗi ngày, em phụ bán bánh canh cho mợ của em từ 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm, mỗi buổi được 100.000 đồng. Trước khi “nhắm” chiếc điện thoại này, em dùng tiền làm thêm để đóng học phí.

Những thứ em có bây giờ như điện thoại, máy tính bàn, xe đạp…, em đều tự mua bằng tiền làm thêm. Thời gian bạn bè đi chơi, đi tập thể dục, đi học kỹ năng… thì em đang “chạy bàn”, rửa chén. Chỉ cần cố gắng, chịu khó thì mình cũng không thua ai.

Lỗ Tấn từng nói: “Làm thế nào để khái quát hết thanh niên trong một từ? Không thể nào. Ngoài kia, có người đang thức cũng có người đang ngủ, có người đang nằm cũng có người đang chơi, ngoài ra còn nhiều hơn nữa, nhưng cũng không phải không có những người đang âm thầm tiến tới, ngày ngày tiến bộ”.

Để viết một đoạn văn 500 chữ được người khác khen hay, tác giả hẳn là người đam mê đọc sách. Phải là người dành thời gian, tâm trí để đọc ngày này qua ngày khác thì câu chữ mới tự nhiên thấm vào người. Để có cơ thể săn chắc, ít mỡ thừa, người phụ nữ hẳn đổ biết bao mồ hôi trên sàn tập. Ta chẳng thể nhìn bề ngoài mà biết được một người đã nỗ lực bao nhiêu.

Chỉ biết rằng, tuổi thanh xuân của mỗi người đều như nhau nhưng chất lượng thì khác nhau hoàn toàn. Hãy đặt mục tiêu tiến về phía trước, nhưng đôi khi phải chậm lại ngẫm rằng, liệu thời gian của ta đã chất lượng chưa? Dao càng mài càng sắc, người càng luyện càng nên người.

THẠCH LAM

;
;
.
.
.
.
.