Rồi sẽ lại yên bình

.

Sáng này, con đường bỗng rộng rinh, vắng mùi khói, vắng hơi bụi, vắng tiếng gọi, vắng dấu chân và vắng bóng người… Chỉ nghe hơi gió hiu hắt mặt sông, chỉ thấy nắng tắt phía đông bờ bãi để lần đầu tiên trong mấy mươi năm gắn bó với Đà Nẵng, tôi cảm nhận từng góc phố, mỗi ngõ nhà đã vào thu - mùa thu giữa một cơn giông.

Những ngày này, đường phố rộng thênh thang vì vắng bóng người.  Ảnh: XUÂN SƠN
Những ngày này, đường phố rộng thênh thang vì vắng bóng người. Ảnh: XUÂN SƠN

Giữa một Đà Nẵng vắng vẻ lạ thường ấy, tôi thèm được sà vào một đám đông tíu tít nào đó để tỉ tê, rỉ rả bao câu chuyện không đầu không cuối; thèm được rẽ vào góc quen nhâm nhi ly cà phê để ngắm nghía phố xá tấp nập, náo nhiệt; thèm được giật mình vì những tiếng còi xe inh ỏi giữa dòng người xô bồ, chen chúc buổi tan tầm; thèm vội vội vàng vàng bước thấp bước cao để kịp giờ đón con tan trường; thèm được hít hà cái mùi tất tả của chợ cá, hàng thịt, sạp rau cho kịp bữa cơm tối… Tất cả là mùi thương, mùi nhớ, mùi thân, mùi quen của Đà Nẵng quê tôi những ngày hôm qua.

Hóa ra bấy lâu nay, cuộc sống tất bật ngược xuôi vẫn đều đặn như một vòng quay tuần hoàn với sáng, trưa, chiều, tối, với chừng ấy công việc, chừng ấy mối quan hệ, chừng ấy khuôn mặt người. Bất thình lình một cơn giông không biết từ đâu sầm sập trút xuống, mỗi chúng ta không ai tránh khỏi cảm giác chông chênh, chới với, ngụp lặn. Rồi cũng kịp trấn tỉnh lại, dịu lòng lại để bắt đầu đối diện, đối phó và đối đầu với đại dịch. Trên hành trình chống chọi với dịch bệnh, gác lại những cuộc hẹn, cuộc vui, chúng ta có cơ hội nhìn lại chính mình, cuộc sống của mình.

Giữa tâm dịch, mỗi chúng ta nhận lấy một trách nhiệm không ai giống ai. Đó là những bác sĩ hy sinh thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch; là lực lượng quân đội, công an, cảnh sát đội mưa, đội nắng cắm chốt ngày đêm; là những thanh niên tình nguyện viên, những tấm lòng thiện nguyện nhiệt thành, xắn tay áo, bước vội chân, nghiêng mình gánh gồng; đến từng hộ dân, từng cá nhân cũng nhận lệnh ở yên một chỗ khi Tổ quốc cần. Giữa những bất thường bất ngờ ấy, chúng ta mới thấy quý bữa cơm chiều ấm cúng vợ vẫn chờ chồng về cùng quây quần; chúng ta mới thấy yêu dáng vẻ người cha cặm cụi chơi với con, dạy con học; chúng ta mới hiểu được giá trị những lời động viên, những nghĩa cử cao đẹp, những yêu thương đong đầy. Lúc này đây, giữa ranh giới bên trong ấy và bên ngoài này, cho và nhận, được và mất, sống và chết…, chúng ta mới kịp nhận ra ý nghĩa của những ngày bình yên bên gia đình, ý nghĩa của những tất bật ngày thường.

Hôm qua chia tay nhau chóng vánh cũng như bao lần tạm biệt khác vì ngày mai, ngày mốt sẽ còn gặp lại. Nào ai biết được, dịch bệnh ập đến, những điều tưởng như quá quen thuộc hằng ngày ấy lại không hề đơn giản để có được. Chỉ là một ánh mắt, một nụ cười, một câu nói, một lời dặn dò hay một cuộc gặp, một cái bắt tay cũng trở thành xa xỉ.

Có ai dám chắc được mai, kia, mốt, nọ hay một ngày thật gần gần, xa xa nào đó, những điều ngày thường ấy mới quay trở lại như bao ngày thường đã qua. Giờ đây chỉ cần nhìn thấy những gương mặt thân quen, nghe thấy những tiếng cười ấm áp là lòng được an, là tâm được yên, là trọn đầy ao ước. Lúc này lại chợt nhớ đến khát khao mãnh liệt, da diết của thi sĩ Hàn Mạc Tử trong những ngày cuối đời:

 “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
 (Đây thôn Vĩ Dạ)

Nào ai biết được “tối nay” là tối nào để con người đang cận kề thương đau ấy, để phận người mong manh, ngắn ngủi ấy được “kịp” về với bến sông trăng hiền hòa, tinh khôi, để thôi khắc khoải, ngóng vọng, đợi chờ?! Nào có ai trong cuộc đời này biết được mình sẽ “kịp” nghĩ được gì, “kịp” làm được gì và “kịp” để lại gì trong những năm tháng gắn bó với nhân gian?!

 Cùng nhau đương đầu với đại dịch, chúng ta được sống chậm lại, được nghĩ sâu hơn, được làm những điều thật sự có ý nghĩa cho bản thân, cho gia đình, cho bè bạn và cho thành phố quê hương. Những ngày này sẽ chỉ là một cơn mưa giông ầm ào trút vội để gọt rửa những bụi bặm, xấu xí để Đà Nẵng lại trở về hiền hòa, trong xanh, yên bình trong tất bật ngày thường.

THIÊN DI
 

;
;
.
.
.
.
.