Khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011, Thung lũng Silicon từng đoán rằng, thế nào rồi Apple cũng lụi tàn theo. Nhưng đến nay, cổ phiếu Apple đang có giá cao kỷ lục, giá trị thị trường của Apple vừa cán mốc 2.000 tỷ USD, lớn hơn GDP của Canada, Nga và Tây Ban Nha gộp lại.
CEO Tim Cook hiện có tài sản hơn 1 tỷ USD. Ảnh: APPLE |
Điều đó có được là nhờ tài năng của Tim Cook, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Apple. Ông đã hoàn thành xuất sắc những gì mà người lãnh đạo quá cố của Apple từng kỳ vọng.
Ban đầu, người ta dường như chỉ coi ông Cook như một người coi sóc tạm thời di sản doanh nghiệp mà Steve Jobs đã gây dựng trong suốt quãng đời trước khi tạ thế. Nhưng giờ đây, 9 năm trôi qua, ông Cook đã nỗ lực gây dựng cho mình một di sản mang dấu ấn rất riêng.
Ngày 24-8-2020, ông Cook kỷ niệm tròn 9 năm giữ cương vị CEO Apple. Đó cũng là ngày Apple tiến hành chia tách cổ phiếu công ty lần thứ hai dưới thời ông Cook, lần này là phân chia 4 đổi 1, thiết lập các cổ phiếu mới cho phiên giao dịch trên cơ sở chia tách đó từ ngày 31-8. Việc chia tách cổ phiếu không tạo ra khác biệt nào về giá trị thị trường của công ty nhưng thường làm tăng thêm sự hào hứng, nhiệt tình của các nhà đầu tư. Biện pháp này đã giúp Apple thành công dưới thời ông Cook.
Với mỗi cổ phiếu Apple mà nhà đầu tư đang nắm giữ, họ nhận thêm 3 cổ phiếu Apple. Điều này còn khiến giá cổ phiếu Apple trở nên phải chăng hơn trong mắt nhà đầu tư để một lượng lớn nhà đầu tư có thể tiếp cận.
Năm 2011, khi ông Cook tiếp quản Apple, giá trị thị trường của công ty dưới 400 tỷ USD. Hiện tại, giá trị thị trường của Apple nhiều hơn gấp 5 lần, trở thành công ty đầu tiên của Mỹ cán mốc 2.000 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Không phải ngẫu nhiên chuyên gia phân tích kỳ cựu về Apple, ông Gene Munster, cho rằng việc lựa chọn ông Cook kế nhiệm là “một trong những thành tựu vĩ đại nhất của Steve Jobs vẫn chưa được đánh giá đúng mức”.
Dẫu thế, chặng đường trước mắt sẽ không dễ dàng với ông Cook. Những thách thức mà Apple cũng như CEO của công ty này phải đối mặt là sự sụt giảm doanh số bán iPhone khi thị trường đã rơi vào bão hòa; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đẩy giá bán iPhone tăng trong khi đại dịch Covid-19 buộc nhiều cửa hàng bán lẻ của Apple phải đóng cửa, nền kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái nặng…
Trong những phân tích tài chính năm 2009, thời điểm bắt tay điều hành công ty trong lúc Steve Jobs chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến tụy, ông Cook từng bày tỏ quan điểm về việc mong muốn Apple sẽ đi theo lộ trình nào dưới quyền quản lý của ông. Khi đó, ông Cook nói Apple cần “sở hữu và kiểm soát những công nghệ chính yếu nhất phía sau những sản phẩm chúng ta làm ra”. Đến nay, “Quả táo” vẫn kiên định đi theo quan điểm đó, trở thành nhà sản xuất chip lớn để tự cung cấp cho cả điện thoại iPhone và máy tính Mac.
Ông Cook cũng nói thêm rằng, Apple sẽ không bao giờ dàn trải năng lực ở nhiều dự án “để có thể tập trung vào một vài thứ thực sự quan trọng và ý nghĩa với chúng ta”. Quan điểm tập trung tuyệt đối đó đã giúp Apple phát triển. Dù vậy, dưới thời Tim Cook, Apple nhìn chung vẫn chưa thể có những sản phẩm ra đời sau này có sức đột phá vượt qua iPhone. Những sản phẩm của họ như đồng hồ thông minh, tai nghe không dây đã giành những vị trí thống lĩnh trên thị trường, nhưng chưa thể tạo ra đột phá mang tính “thay đổi luật chơi” giống như những gì iPhone từng làm được.
Song, Apple cũng tỏ ra khá chậm chạp trong trí tuệ nhân tạo, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng vào thị trường đang ngày càng trở nên quan trọng hơn là phát triển các trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói. Mặc dù trợ lý ảo Siri của Apple được sử dụng rộng rãi trên các thiết bị của công ty này, nhưng các trợ lý ảo Alexa của Amazon và trợ lý ảo của Google đã có những chiếm lĩnh thị trường ấn tượng hơn, phổ biến hơn trong các tính năng giúp người dùng quản lý cuộc sống, nhất là ở nhà và công sở.
TRẦN ĐẮC LUÂN (theo AP, NYT, Bloomberg)