Hoạt động nghệ thuật trong mùa dịch

.

Đại dịch Covid-19 tác động đáng kể đến lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật của thế giới. Việc các nước phải áp đặt những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt làm lĩnh vực nghệ thuật khó tiếp cận với công chúng hơn. 

Bức tranh đường phố ở Dakar (Senegal) có thông điệp “Hãy che miệng khi hắt hơi để bảo vệ bản thân và những người xung quanh”. Ảnh: Getty Images
Bức tranh đường phố ở Dakar (Senegal) có thông điệp “Hãy che miệng khi hắt hơi để bảo vệ bản thân và những người xung quanh”. Ảnh: Getty Images

Từ tháng 3-2020, hầu hết các tổ chức văn hóa trên toàn thế giới đóng cửa vô thời hạn, hoặc ít nhất các dịch vụ bị cắt giảm hoàn toàn. Các cuộc triển lãm, sự kiện và buổi biểu diễn trực tiếp đã bị hủy hoặc hoãn lại, trong đó có lễ hội âm nhạc Coachella - sự kiện âm nhạc lớn nhất thế giới diễn ra thường niên ở thành phố Indio, bang California (Mỹ).

Hồi tháng 7, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ đầu tư 1,57 tỷ bảng Anh (khoảng 1,96 tỷ USD) cho các viện văn hóa và nghệ thuật để giúp ngành này khắc phục những tác động của Covid-19. Chính phủ Anh nêu rõ khoản đầu tư 1,57 tỷ bảng Anh là khoản hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay của chính phủ dành cho lĩnh vực văn hóa của xứ sở sương mù. Khoản tiền sẽ được phân bổ cho các viện bảo tàng, phòng triển lãm, rạp hát, rạp chiếu phim, các địa điểm di sản và âm nhạc thông qua các chương trình trợ cấp hoặc cho vay khẩn cấp.

Nhiều tháng qua, các nhà hát, sân khấu kịch tại Anh không có khán giả. Khi giai đoạn nới lỏng hạn chế có hiệu lực từ ngày 4-7, các bảo tàng và rạp chiếu phim ở Anh được mở cửa trở lại nhưng phải tuân thủ các quy định giãn cách nghiêm ngặt.

Tại Đức, ngày 22-8, Đại học Halle tổ chức một loạt buổi biểu diễn ca nhạc nhằm thí nghiệm đối với 2.000 tình nguyện viên để xác định về sự lây lan của SARS-CoV-2. Khán giả tham dự là các tình nguyện viên trẻ tuổi, sức khỏe tốt. Khi đến nhà hát, họ được kiểm tra thân nhiệt và tất cả đều đeo khẩu trang bảo hộ y tế tiêu chuẩn cao FFP2 cùng một thiết bị điện tử để truy dấu di chuyển trong không gian này.

Sử dụng các hóa chất sát khuẩn huỳnh quang, các nhà nghiên cứu có thể thấy được những bề mặt mà khán giả tiếp xúc nhiều nhất, thậm chí theo dõi được lộ tuyến của giọt bắn nhỏ mà khán giả thở ra - yếu tố mà giới chuyên gia tin rằng đóng một vai trò lớn trong sự lây nhiễm. Thí nghiệm này nhằm xác định liệu các buổi biểu diễn âm nhạc cũng như các sự kiện lớn có thể được tổ chức lại trong khi tránh được những nguy cơ lây lan dịch bệnh hay không.

Đức vẫn cấm các cuộc tụ tập đông người ít nhất là đến tháng 11 tới. Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo khó có thể nới lỏng các quy định hạn chế khi số ca nhiễm mới vẫn tăng, nhất là làn sóng thứ hai của dịch bệnh đang bùng phát ở châu Âu.

Trong lúc xảy ra đại dịch, Ủy ban Lễ hội quốc tế Baalbek cũng tổ chức một buổi hòa nhạc đặc biệt mang tên “Thanh âm của sự kiên cường” (Sound of Resilience) tại khu di tích của đền thờ Bacchus thời La Mã ở miền đông Lebanon. Buổi hòa nhạc không có khán giả, nhưng Chủ tịch Ủy ban Lễ hội quốc tế Baalbek, bà Nayla de Freige, cho hay các nhà tổ chức muốn gửi thông điệp đến thế giới rằng Lebanon rất quan tâm đến vai trò văn hóa của mình, bất chấp tình hình kinh tế sụt giảm và khủng hoảng dịch bệnh.

Ngoài ra, các nghệ sĩ trên khắp thế giới đã ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng những tác phẩm graffiti (tranh phun sơn) ấn tượng, lan tỏa thông điệp tích cực, có ý nghĩa. Chẳng hạn, tại Warsaw (Ba Lan), những nghệ sĩ đường phố đã vẽ bức tranh khổng lồ về những nhân viên y tế, hàm ý rằng nhân viên y tế còn có sức mạnh lớn hơn cả những siêu anh hùng.

Tại nhiều nước, mọi người thậm chí còn đeo khẩu trang lên các bức tượng để thúc đẩy giãn cách xã hội.

HOÀNG ĐẶNG (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.