Làm việc với những con số

.

Tóc chải mượt chứ không còn rối bù thường gặp và quần jean áo thun đơn sơ, Nadal đứng ôm cúp trên sân thượng của một cao ốc cho mọi người chụp ảnh quay phim. Phía xa sau lưng anh, tháp Eiffel ngạo nghễ trong màn sương mờ Paris buổi sáng. Nadal cười, nụ cười của người vừa được tôn vinh quán quân Roland Garros, một trong bốn giải đấu kinh điển của quần vợt thế giới.

Khoảnh khắc hạnh phúc của Nadal với chiếc cúp vô địch Roland Garros 2020. Ảnh: AP
Khoảnh khắc hạnh phúc của Nadal với chiếc cúp vô địch Roland Garros 2020. Ảnh: AP

Có vẻ quen thuộc lắm hình ảnh Nadal với chiếc cúp lóng lánh trên tay giữa thủ đô nước Pháp. 13 lần rồi anh đứng đó sau chuỗi ngày quần quật với sân bóng lầm bụi. Con số này nâng thêm cảm giác kinh ngạc cho bao người và người ta càng thấy mịt mù dự đoán bao lâu nữa sẽ có người đạt tới kỷ lục mà chàng trai Tây Ban Nha vừa thiết lập. Xa, xa lắm. Có thể cột mốc 20 danh hiệu Grand Slams mà anh vừa chia sẻ với người bạn Federer rồi sẽ có ngày bị ai đó vượt qua mai này nhưng chuyện lặp lại thành quả 13 lần quán quân Roland Garros thì chắc chắn còn xa vời vợi.

Nhiều năm rồi, việc Nadal lên ngôi ở mặt sân đất nện tại Pháp là chuyện khó nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn. Tuy vậy, với chính Nadal, mỗi kỳ Roland Garros luôn là thách thức lớn với ý thức rằng ranh giới giữa thành công và thất bại luôn mong manh: “Với nhiều người hâm mộ, điều hợp lý trước lúc bóng vào cuộc là Nadal phải giành chiến thắng để nâng số lần quán quân lên cao nhưng với tôi, điều không thể không nghĩ tới vì nó dễ xảy ra hơn là mình bị đánh bại”. Đây không phải là lời lẽ khiêm tốn của người chiến thắng mà là tâm sự thật lòng của người tìm thấy vinh quang từ mồ hôi, nước mắt, từ nỗ lực đậm chất chuyên nghiệp. Nadal từng bị đánh bại không ít lần trước các đối thủ yếu hơn mình, từng cay đắng rời sân trong tâm trạng rã rời tuyệt vọng để có lúc nghi ngờ chính năng lực, phong độ của bản thân. 

Ở Rome Masters 2019, thất bại của anh trước một Djokovic mạnh mẽ, sắc sảo đã khiến nhiều người hoài nghi về sức mạnh thực tế của “vua sân đất nện”. May mà ngay sau vấp ngã, anh và ban huấn luyện đã kịp phân tích để vạch ra đối sách phục thù. “Trong những trận thua lớn nhất, ta học được những bài học lớn nhất, cả ở vị trí vận động viên lẫn tư cách con người”. Châm ngôn này do chính Djokovic đúc kết và có vẻ chính Nadal là người tìm thấy sâu sắc nhất từ thực tế rèn luyện qua mỗi ngày đời.

Anh sẽ hướng tới và sẽ có trong tay Grand Slams thứ 21 chứ? Đây là câu hỏi thường gặp với Nadal những ngày này kèm theo lời chúc mừng mang tính thúc ép và lần nào cũng vậy, câu trả lời của Nadal phác họa chân dung một người đàn ông không quá phấn khích trước thuận lợi, không suy sụp khi đương đầu nghịch cảnh. Điều anh hướng đến là giữ cho tâm hồn cân bằng trước biến động và đừng bao giờ đánh mất đam mê.

“Các tay vợt đều phải làm việc với các con số” là đúc kết ra chiều thú vị của Nadal. Từ số điểm, số ván thắng - ván thua, số lượng cú đánh ăn điểm lẫn số lần đánh bóng hỏng đến số millimet thân bóng rơi cách vạch biên sân..., các con số nảy sinh từ quá khứ các cuộc tranh tài, từ so sánh đối chiếu giữa các đối thủ luôn ám ảnh như thách thức, khiêu gợi.

Với Nadal, người ta còn hài hước chỉ ra các con số liên quan đến thói quen vuốt mũi, kéo quần, thông lệ đánh vợt vào giày trước khi giao bóng. Mới đây nhất, cũng chính tại sân chơi nước Pháp, nhiều người bật cười nhìn anh vừa chuẩn bị giao bóng vừa lấm lét ngước nhìn con số đếm lui của bảng điện tử thúc giục sớm đưa bóng vào cuộc.

Và khi Nadal mạnh miệng rằng tiến lên phía trước luôn là suy nghĩ hằng ngày thì chắc chắn có một con số đang hối thúc chính anh: con số 21.

ĐÌNH XÊ

;
;
.
.
.
.
.