AN TOÀN TRONG MÙA BÃO LŨ

Sát cánh cùng người dân

.

Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão ở cấp cơ sở lên kịch bản ứng phó chi tiết từ bão vừa, bão mạnh, sóng thần; đồng thời chủ động xác định những vùng trọng yếu trên địa bàn, sẵn sàng ứng cứu người dân.

Các chiến sĩ quân đội cùng dân quân giúp người dân đưa các loại thuyền bè nhỏ như thuyền thúng lên bờ tại khu vực vịnh Mân Thái (quận Sơn Trà) để tránh bão số 9. Ảnh: PHẠM PHÙNG
Các chiến sĩ quân đội cùng dân quân giúp người dân đưa các loại thuyền bè nhỏ như thuyền thúng lên bờ tại khu vực vịnh Mân Thái (quận Sơn Trà) để tránh bão số 9. Ảnh: PHẠM PHÙNG

Bình yên dưới những mái nhà

Chúng tôi đến khu dân cư (KDC) An Lưu (phường Hòa Quý) vào một ngày khi cơn bão số 9 vừa đi qua. Người dân nơi đây cấp tập dọn dẹp tàn dư do trận bão để lại. Theo quan sát của chúng tôi, thiệt hại lần này ở An Lưu không quá lớn, không có nhà bị tốc mái hay đổ sập, tài sản bị hư hại không đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Cường (Tổ trưởng tổ dân phố 46, KDC An Lưu) cho hay, phường Hòa Quý có địa hình thấp trũng trong vùng hạ lưu của sông Vu Gia và sông Vĩnh Điện nên thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp thiên tai, bão lũ. Đặc biệt, KDC An Lưu nằm sát bờ sông, chỉ cần nước sông Vu Gia lên mức báo động 3, hàng trăm nhà dân ở An Lưu bị nước vào nhà quá đầu gối. Năm 2006, nhà trú ẩn đa năng tại KDC An Lưu được xây dựng, trở thành mái nhà vững chãi, bình yên của nhân dân trong bão lũ. “Năm 2006 trở về trước, lũ ở An Lưu trở thành câu chuyện tưởng như không có hồi kết. Mùa bão lũ năm nào cả làng cũng chìm trong mênh mông nước. Hồi căn nhà trú ẩn được khởi công, người dân vui mừng khôn xiết. Nhà 2 tầng vững chãi, sức chứa 250 người, có đầy đủ vật dụng như sạp giường, máy nổ, nước sinh hoạt, tủ thuốc y tế, đèn pin… Cứ nghe tin bão lũ về thì người dân An Lưu yên tâm tìm về nhà trú ẩn”, ông Cường nói thêm.

Hầu như mỗi trận bão vừa và lớn đi qua, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) đều thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản của dân như ao tôm, cá, chuồng trại... Năm 2017, xã Hòa Châu được tiếp cận dự án “Thực hiện các sáng kiến khuyến khích làm nhà ở chống biến đổi khí hậu cho người nghèo ở vùng đô thị tại Việt Nam”. Với tổng số vốn 80 triệu đồng, 3 hộ gia đình nghèo tại xã đã có ngôi nhà kiên cố chống chọi với biến đổi khí hậu. Cũng trong năm 2017, UBND thành phố giao cho Ban Quản lý dự án thiên tai WB5 Đà Nẵng xây dựng hai nhà Phòng tránh thiên tai cộng đồng tại thôn Phong Nam và thôn Giáng Đông.

Ông Huỳnh Cao Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho hay, đa số người dân hiện nay đều có ý thức làm nhà bảo đảm phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra nên trên địa bàn xã không còn nhà tạm. Thêm vào đó, tại xã có 13 cơ quan, trụ sở kiên cố với sức chứa hơn 3.000 người, có thể làm nơi sơ tán dân nếu xảy ra bão, lũ lớn. “Trước khi bão xuất hiện từ 1-2 ngày, UBND xã thành lập tổ kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các thôn. Tổ này đến từng nhà dân để kiểm tra, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, nhà nào không bảo đảm sẽ kiên quyết di dời dân đến nơi sơ tán. Trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả lúc gió bão mạnh, phải bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa Ban chỉ huy với các chi bộ, Ban nhân dân các thôn nhằm kiểm soát tình hình, nắm chắc tình hình khu vực nguy hiểm cần phải tổ chức ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn”, ông Trí nói.

Ngay khi có những thông tin dự báo về bão số 9 (có tên gọi Molave), chính quyền thành phố đã ra Công điện khẩn chỉ đạo về công tác phòng, tránh, di dời để bảo đảm an toàn. Từ 2-3 ngày trước bão, hầu hết các địa bàn dưới cơ sở đều thành lập một tổ phản ứng nhanh với nhiệm vụ hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, sơ tán các hộ dân ở nhà không kiên cố đến nơi an toàn. Ông Hoàng Chí Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) cho hay, trên địa bàn phường có nhiều hộ gia đình neo người, không có thanh niên trai tráng để chằng chống nhà cửa.

Vì vậy, địa phương đã cử lực lượng đến hỗ trợ người dân chèn bao cát lên mái tôn để tránh tốc mái, gia cố cửa nẻo bằng thanh gỗ để tránh cửa bị bật lúc bão đổ bộ. Trên toàn phường có 16 tổ dân phố nằm trong khu vực xung yếu cần được hỗ trợ khi xảy ra bão, 9 tổ dân phố cần hỗ trợ khi có lũ, 16 tổ dân phố dọc đường Trường Sa ảnh hưởng khi có sóng thần cấp độ mạnh và nguy hiểm. Nắm rõ địa thế địa bàn nên trước khi bão số 9 đổ bộ từ 1-2 ngày, chính quyền địa phương vận động người dân sống ở những khu vực này đến nơi an toàn. Tổ phản ánh ứng nhanh hỗ trợ người dân cho đến khi mưa bão qua đi.

Sẵn sàng ứng cứu

Những năm gần đây, công tác theo dõi, giám sát và triển khai các biện pháp ứng phó với các hiện tượng thiên tai trên địa bàn huyện Hòa Vang gặp một số khó khăn nhất định, trong đó có nguyên nhân là sự thay đổi lớn về địa hình do xây dựng cơ sở hạ tầng như: tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đường ADB 5 (đường Hòa Tiến - Hòa Phong), tuyến đường vành đai phía nam thành phố (đường Hòa Phước - Hòa Khương)...

Thượng tá Đặng Văn Tám, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Hòa Vang cho hay, nghe tin bão, Ban CHQS huyện lập tức triển khai đoàn kiểm tra tình hình mưa lũ tại hồ Đồng Nghệ và đập dâng An Trạch - những nơi có nguy cơ cao bị sạt lở do mưa lũ kéo dài. Đồng thời, dòng nước lớn từ thượng nguồn đổ về nhanh, cuốn theo lượng lớn rác và cây cối tấp vào chân đập khiến đập bị tắc nghẽn, mất an toàn.

Tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), người dân khẩn trương đưa tàu thuyền lên bờ để phòng tránh bão số 9. (Ảnh chụp sáng 27-10). Ảnh: PHẠM PHÙNG
Tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), người dân khẩn trương đưa tàu thuyền lên bờ để phòng tránh bão số 9. (Ảnh chụp sáng 27-10). Ảnh: PHẠM PHÙNG

Nếu đập bị vỡ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp nước tưới cho phát triển sản xuất nông nghiệp của các xã trọng điểm huyện Hòa Vang, đồng thời gây nguy hiểm cho hàng ngàn hộ dân ở hạ lưu. “Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban CHQS huyện luôn sẵn sàng mọi phương án, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục thiệt hại do mưa lũ, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, đặc biệt là ở các địa bàn trũng thấp, địa bàn có nguy cơ sạt lở. Chúng tôi cũng tổ chức cắm biển báo nơi có nguy cơ sạt lở, cử lực lượng trực không cho người và các phương tiện qua lại khi có lũ, trừ trường hợp khẩn cấp; đồng thời rà soát các quy hoạch thoát nước và kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực bảo đảm phân vùng thoát lũ, chống ngập; kiểm tra biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật như hào kỹ thuật, trạm biến áp, cột điện; chặt tỉa cây xanh…”, Thượng tá Đặng Văn Tám nói.

Bão số 9 mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng nhưng lượng mưa lớn kéo dài đã gây lụt cục bộ cho một số xã trên địa bàn huyện Hòa Vang. Chẳng hạn, xã Hòa Tiến có 2 con sông chảy qua là sông Yên và sông Tây Tịnh. Mưa lũ trong những ngày đầu tháng 10 khiến nhiều khu vực dân cư của xã này ngập sâu, nhất là những khu vực dân cư nằm kẹp giữa tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương. Ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho hay, trong đợt bão lũ tháng 10 vừa qua, xã tổ chức cho người già, trẻ em, phụ nữ, người bệnh sơ tán trước. Phụ nữ sắp sinh đến trú tại bệnh viện. Đồng thời, xã tổ chức di dời các hộ dân bị ngập sâu đến nơi trú ẩn an toàn và cũng đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm bảo đảm đời sống cho người dân trong thời gian bị ngập. “Để tránh rơi vào tình huống bị động, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão của xã chủ động xác định những vùng trọng điểm ứng phó thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn trên địa bàn. Chúng tôi lên kịch bản ứng phó chi tiết từ bão vừa, bão mạnh, bão đặc biệt mạnh đến sóng thần. Lãnh đạo UBND xã thường xuyên duy trì thông tin liên lạc với bí thư chi bộ KDC, chỉ đạo các trưởng tiểu ban phòng, chống lụt bão thực hiện nhiệm vụ, cử cán bộ phụ trách đứng điểm từng địa bàn, nhất là khu vực xung yếu”, ông Trúc nói.

Vào mùa mưa, Đà Nẵng luôn đối mặt với tình trạng ngập úng. Nhằm khắc phục tình trạng này, không để xảy ra ô nhiễm môi trường và hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp với các đơn vị môi trường, thoát nước đô thị tổ chức nạo vét, tháo dỡ vật cản trên hệ thống các luồng tiêu; rà soát đánh giá lại mức độ an toàn của các hệ thống hồ chứa và trạm bơm tiêu úng; từ đó có kế hoạch đầu tư, cải tạo sửa chữa kịp thời.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.