Ai mua lu không?

.

Trời đương chan nắng, rổn rảng tiếng í ới của mấy chú thợ hồ đang sửa khu nhà trọ gọi nhau. Thằng nhỏ nằm trong phòng mắt nhắm mắt mở níu cơn ngủ, hơi lo mai mốt cây bàng trước cửa bị đốn mất tiêu thì chắc nắng hắt nóng bể đầu. Chợt nghe bà chủ đổ quạu, kêu để lại đám cây tạp cho bà chụm củi nấu bánh. Vừa cằn nhằn đám thợ kêu lố mấy ly cà phê, quay đầu bà đổi giọng ngọt ngào hỏi: “Biết ai mua mấy cái lu không, tui bán lại chớ bỏ uổng?”.

Thằng nhỏ ngóc đầu ngó ra, dáo dác kiếm. Đâu, cái lu đâu? Cái lu nằm trong đám xà bần, khuất giữa cây ổi chết queo và mớ cột bê-tông gãy, vậy mà bấy lâu nó không hay. Nhìn một cái cho đã thèm, nhớ quá.

Giờ lu hiếm, chứ hồi xưa lềnh khênh. Nhà nào cũng có, không đựng nước mưa thì đựng nước sông lóng phèn xài. Má hay vạch áo chỉ chỗ bả vai chai, dấu tích một thời gánh nước mướn một nách nuôi hai đứa con cho ông chồng an tâm đi làm xa. Chỉ có vai chảy nước mắt bằng máu sau những chuyến gánh nước liên tục như con thoi đi từ bến tới nhà chủ, chứ chưa bao giờ thấy má rơi nước mắt vì khổ.

Cái lu hồi đó quý lắm. Tay dơ mà thọc vô, má lấy cây khẽ đỏ nhừ cho nhớ. Chưa có nước máy xài phà phà như giờ, mấy lu nước mưa ngọt lành tằn tiện suốt mùa khô. Còn lại xài nước sông. Nhà không ai biết bơi, má hết gánh nước cho người tới gánh cho ba má con tắm rửa. Khi những vòng tròn nước được phèn lắng phù sa xuống để trở nên trong vắt, thằng nhỏ canh me coi có con cá lìm kìm nào lạc vô bắt nuôi chơi (xối nước ào ào rượt theo con cá, đâu hay má trong buồng xức dầu cho đỡ nhức vai). Mà ngộ, con cá sống nước đục ngầu không sao mà nước trong vài bữa là chết…

Bổi hổi nhớ cái lu ông Chín đầu xóm để khơi khơi ngoài sân. Sân không rào nối liền với đường như lòng hiếu khách, cho thoải mái ghé vô múc nước mưa uống. Năm ông mất, mấy đứa con trồng xương rồng quây sân lại, nhón chân cũng chẳng thấy nhà chứ nói chi lu. Nhớ cái lu của chú Ba bán cá vàng, cá bảy màu. Đám cá kiểng đỏng đảnh kén nước mà sống trong lu phây phây, còn trổ màu rực rỡ. Hồi đó đâu có tiền mua, chỉ biết lon ton qua coi ké đỡ ghiền. Nhớ mấy cái lu cô Thơm nhà nấu rượu. Gạo nếp nấu chín trải ra trộn men ủ, thêm vài thứ bí truyền, dẫn qua cái lu chứa nước lạnh để tụ lại nhểu giọt thành thứ nước cay nồng. Mỗi lần ba về sai xách chai qua mua, thằng nhỏ ngửi mùi thôi mặt đủ đỏ khé. Cô la né né ra, hít ba cái đó hư thân (hư mà sao mấy chú trong xóm khoái, kỳ ghê).

Thời nghèo khó, con người còn đem ra vá bằng những nắm lá thuốc hái trong vườn. Áo vá, dép vá, nồi niêu vá…, cái gì nhắm còn xài được là dễ gì bỏ nổi, nói chi cái lu. Nứt nhỏ thì trộn hồ trám luôn, nứt lớn thì lấy dây chì niềng lại trước rồi mới trám. Những cái lu hồi sinh, tiếp tục trách nhiệm đong đầy mát rượi cho những ngôi nhà. Như mấy dì bệnh đỡ sương sương, trán bắt gió chưa hết đỏ đã ra ruộng cấy,
đong gạo về nuôi những cái bụng trẻ con lúc nhúc luôn gào đói. Có cầu có cung, anh chở lu mướn kiêm luôn vá lu. Thấy mái nhà chị Sương dột anh cũng vá giùm, mà ba chị chê anh nghèo, cái quần tùm lum mảnh vá nên không ưng. Để giờ ngó cái lu lem nhem vết xi-măng nhắc nhở từng qua lần rạn bể, chị nén tiếng thở dài thèm nghe tiếng hỏi ai vá lu không.

Lúc… hết xí quách, tức là vá xong không chứa nước được nữa, cái lu cũng chưa nghỉ. Nó trở thành chỗ giấu trái cây, những chuối, những xoài, những đu đủ hườm hườm. Là chỗ tụi nhỏ hay hé hé thăm chừng khi nào chín thì tiện tay… hốt ra ăn. Không kín đủ để giữ khí, cái lu thành kho chứa đồ. Mớ bọc ni-lông giặt sạch, chai nước mắm, hủ chao không mót để dành bán ve chai, những chổi cùn tre gãy lụn vụn má chưa nỡ bỏ biết đâu còn cần xài. Tất cả, cái lu bể ôm hết vào lòng. Nó có thể tự hào mình chưa bao giờ ngưng góp sức.

Vậy mà chẳng biết từ hồi nào, những cái lu mất tích. Như bị mất hút vào đâu, một bữa nhận ra đã chẳng còn. Không phải từ cú đá của chú Tám trong lúc say nhắm hụt bà vợ, bể tan không gì vá nổi. Mà từ những ngôi nhà khang trang mọc lên, những đường ống dẫn nước sạch tới tận nhà. Thời người ta nuôi cá trong hồ kiếng, nấu rượu bằng thùng thiếc, những cái lu biến mất từ từ, như xóm dần không còn tiếng người già thủ thỉ chuyện xưa. Cũng như thưa dần tiếng con nít í ới rủ nhau đội nắng tắm sông, khi xóm hết người này tới người kia đi làm công nhân đất khác. Chỉ tới khi thằng nhỏ biết sờ thẹo trên vai má mà thương, giật mình không biết bao lâu rồi chưa giáp mặt “bạn lu”. Liệu mấy năm nữa nó có như trái mận đá đường, cái tên chỉ còn vị trong những người lưu ký ức cũ?

Nên dù bà chủ trọ hỏi bao nhiêu lần, mấy chú thợ hồ cũng lắc đầu: “Thời này ai đâu xài lu nữa”. Đâu phải quý giá một thời là quý giá một đời, âu cũng là quy luật thời gian. Thằng nhỏ me lúc vắng người, ra sân trọ đưa tay sờ vô lớp men nâu da lươn mát lạnh, rần rần nhớ da diết mấy chuyện cũ cằn. Sợ người ta biết chửi nó khùng, ai đời đi tạm biệt một cái lu!
Như tạm biệt một người bạn.

PHÁT DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.