BẢO ĐẢM AN NINH TRẬT TỰ

Huy động sức dân

.

Thời gian qua, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn Đà Nẵng phát triển ngày càng sâu rộng, vững chắc. Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả của Mặt trận các cấp đã huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đấu tranh tội phạm và các tệ nạn xã hội, qua đó cùng với lực lượng Công an giữ vững an ninh trật tự (ANTT), phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nêu cao tinh thần tố giác

Nhiều người dân phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) tự hào về tinh thần tố giác tội phạm của người dân trong Tổ tự quản khi phát hiện đối tượng nghi vấn đang lẩn trốn tại một khu nhà hoang cách hiện trường khoảng 500m vào ngày 7-10-2019. Đề phòng đối tượng dùng hung khí tấn công, người dân trong Tổ tự quản  đã âm thầm theo dõi và báo Công an vây bắt đối tượng. Đối tượng là N.V.L (SN 1994, trú huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) trước đó cùng ngày đã vào tiệm hớt tóc trá hình N.L ở đường Nguyễn Lương Bằng (phường Hòa Khánh Bắc) để thỏa thuận mua dâm với nữ nhân viên của quán. Trong lúc hai bên đang hành sự, N.V.L bất ngờ rút dao kề cổ đòi chị Tr. đưa hết tiền và điện thoại di động. Sau đó, N.V.L bỏ trốn nhưng bị người dân phát hiện và báo Công an vây bắt. Đây là một trong nhiều thành tích nổi bật từ việc thực hiện mô hình “Công nhân, sinh viên tạm trú như công dân ở khu dân cư (KDC)” của Mặt trận phường Hòa Khánh Bắc với việc thành lập 56 tổ tự quản trên địa bàn 28 KDC.

Chia sẻ về ý nghĩa của mô hình nói trên, ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Khánh Bắc cho biết, thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Mặt trận phường triển khai xây dựng mô hình “Công nhân, sinh viên tạm trú như công dân ở KDC” do số người tạm trú trên địa bàn phường đông tương đương bằng số dân thường trú. Mỗi tổ tự quản có ban điều hành gồm 7 người: tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận, chủ nhà trọ hoặc đại diện một tổ chức hội, đoàn thể và các công nhân, sinh viên tạm trú. “Với khoảng 25.000 người tạm trú trên địa bàn phường là rất khó cho Công an và tổ dân phố trong công tác quản lý. Đặc biệt, với những nhà trọ có chủ cho thuê trọ sinh sống tại địa phương thì có thể quản lý được, nhưng những người ở nơi khác đến đây mua đất xây nhà trọ thì rất khó theo dõi. Vì vậy, Mặt trận phường tập hợp lực lượng công nhân và sinh viên đang tạm trú tại phường để ban điều hành tổ tự quản dễ nắm bắt thông tin và tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với họ”, ông Trung giải thích.

Hằng năm, Mặt trận phường Hòa Khánh Bắc còn phối hợp Công an phường cùng các tổ tự quản tuyên truyền ANTT và tự quản. Nhờ đó, các tổ tự quản phát huy tinh thần trách nhiệm, phát hiện những đối tượng vi phạm pháp luật. Trước đây, khu vực xung quanh khu công nghiệp rất phức tạp. Từ ngày có các tổ tự quản, Ban Công tác Mặt trận KDC phối hợp với Công an nắm bắt thông tin ở KDC tốt hơn; đồng thời thông báo kịp thời tình hình ANTT ở các dãy trọ để lực lượng Công an có hướng nắm bắt và xử lý. Nhờ đó, trên địa bàn phường không chỉ giảm đối tượng trộm cắp mà còn phát hiện kịp thời các đối tượng vi phạm pháp luật từ các nơi khác đến. Ngoài ra, các tổ tự quản còn kêu gọi người dân KDC tham gia dọn vệ sinh môi trường. Nếu công nhân và sinh viên gặp khó khăn trong cuộc sống thì địa phương quan tâm giúp đỡ kịp thời, từ đó góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết của những người tạm trú, họ cũng có trách nhiệm hơn đối với địa phương.

Đối tượng N.V.L bị Công an quận Liên Chiểu bắt giữ vào tháng 10-2019 sau khi được người dân phường Hòa Khánh Bắc báo tin tố giác tội phạm. Ảnh: P.V
Đối tượng N.V.L bị Công an quận Liên Chiểu bắt giữ vào tháng 10-2019 sau khi được người dân phường Hòa Khánh Bắc báo tin tố giác tội phạm. Ảnh: P.V

Bên cạnh mô hình “Công nhân, sinh viên tạm trú như công dân ở KDC”, Mặt trận phường Hòa Khánh Bắc còn triển khai mô hình “KDC văn hóa văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm ANTT ở khu phố. Trên địa bàn phường hiện có khoảng 359 hộ đồng bào có đạo, chủ yếu là đạo Thiên chúa sống quanh giáo xứ Hòa Khánh. Mô hình này được triển khai tại KDC Quang Thành 3A1 vào năm 2015, sau đó nhân rộng ra các KDC Quang Thành 2B, Quang Thành 3B1. Đây là những KDC có đông đồng bào có đạo sinh sống nhưng tham gia sinh hoạt với bà con địa phương rất hạn chế. “Thông qua mô hình này, Mặt trận phường đã tập hợp được khối đại đoàn kết ở KDC, bà con cùng tham gia hội họp, sinh hoạt vui vẻ, mâu thuẫn nội bộ nhân dân hầu như không có. Ngược lại, bà con không theo đạo cúng rằm và 30, mồng 1 hằng tháng rải gạo muối ra lòng lề đường thì được bà con theo đạo góp ý nên thực hiện gọn gàng, làm khu phố văn minh, sạch đẹp; từ đó xóa khoảng cách giữa người theo đạo và người không theo đạo, tình cảm xóm giềng gần gũi, tình hình ANTT ở các địa bàn KDC ổn định, giảm gánh nặng cho lực lượng Công an”, ông Nguyễn Văn Trung phấn khởi chia sẻ.

Giám sát chặt chẽ địa bàn dân cư

Là địa phương trọng điểm về du lịch của thành phố, quận Sơn Trà có nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và sinh sống nên tình hình an ninh ở địa bàn KDC rất phức tạp. Để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách, Mặt trận quận Sơn Trà đã triển khai thực hiện mô hình “Ban Công tác Mặt trận tham gia quản lý, giám sát địa bàn dân cư trong phòng, chống tội phạm và bảo vệ môi trường”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà cho biết, từ đầu năm, Mặt trận quận đã triển khai lồng ghép mô hình trong hội nghị phát động cuộc vận động thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Mô hình lấy trọng tâm là phát huy vai trò của nhân dân trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường; hình thành các nhóm hộ gia đình liên kết qua mạng xã hội. Phân công thành viên Ban Công tác Mặt trận phụ trách các nhóm hộ gia đình, giúp duy trì thường xuyên mối liên hệ giữa các hộ gia đình, giữa hộ gia đình với cán bộ Mặt trận, bảo đảm tính xuyên suốt của công việc ở KDC trong thời điểm dịch.

Qua thực hiện mô hình, các thành viên Ban Công tác Mặt trận đã kịp thời phản ánh, cung cấp 347 tin về dấu hiệu tội phạm và tệ nạn xã hội về Công an phường; hòa giải thành công 17/20 trường hợp mâu thuẫn ở KDC; đồng thời phối hợp với Công an khu vực trực tiếp gặp các đối tượng có hành vi trộm cắp, gây mất ANTT để tuyên truyền, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có những biện pháp giúp đỡ phù hợp. “Mô hình đã được triển khai đến 171 KDC góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức và thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực. Mô hình được Hội đồng Thi đua Khen thưởng quận đánh giá cao và công nhận là sáng kiến hiệu quả, phù hợp để thực hiện các nội dung của cuộc vận động và tuyên truyền nâng cao nhận thức của đông đảo nhân dân tham gia thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, bà Thu Hà nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại phường Thuận Phước (quận Hải Châu), Mặt trận phường phối hợp với Công an phường triển khai hiệu quả phong trào “Hộ gia đình tự quản khu phố bình yên”. Đối với phong trào này, Mặt trận phường vận động người dân thực hiện gia đình không có người vi phạm pháp luật, trong KDC không có tệ nạn xã hội, phát động tố giác tội phạm, nhất là gia đình có thanh, thiếu niên, hoặc các hộ có sinh viên thuê trọ.

Ngoài ra, mô hình “Gia đình 4 tốt” cũng được Mặt trận phường duy trì triển khai trong nhiều năm vì mang lại hiệu quả tích cực. Qua thực hiện mô hình này, các hộ gia đình tăng thêm tình đoàn kết, yêu thương, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Hằng năm, mỗi tổ dân phố có 2 gia đình được chọn khen thưởng về thực hiện mô hình “Gia đình 4 tốt” trong Ngày hội đại đoàn kết tại KDC. Qua đó, nhân rộng những gương điển hình, góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc thực hiện tốt trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị - vệ sinh môi trường; không để thành viên trong gia đình vi phạm pháp luật, bảo đảm ANTT ở địa phương.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.