XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ

Tìm đồng đội từ bài thơ

.

Hy sinh khi mới ở tuổi thiếu niên và lưu truyền trong đơn vị bằng bài thơ xúc động, được nhiều người thuộc làu từ đó đến nay là trường hợp liệt sĩ Lê Đức Vinh ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), nguyên cứu thương Tiểu đoàn 70 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nho (thứ 5, từ phải sang) cùng đồng đội trong lần trở lại thăm di tích Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: H.V
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nho (thứ 5, từ phải sang) cùng đồng đội trong lần trở lại thăm di tích Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: H.V

Có một chàng trai trẻ

“Cho tôi súng để tôi đi chiến đấu/ Cho tôi đi đổ máu tuổi 13/ Tiếng Vinh xin đâu đó giục lòng ta/ Đòi ra trận cứu thương làm chiến sĩ/ Rồi từng đêm Vinh cứ mãi nài nỉ/ Chợt vui mừng khi nhận lệnh hành quân… Khẩu trung liên Vinh cứ nổi vang dồn/ Còn chớp lửa trên đồi non Phước Cẩm/ Còn cháy mãi lửa hờn phá ấp/ Sáng đêm đêm trên khắp cả quê mình/ Vinh đâu rồi đồng chí đã hy sinh?/ Trong trận đánh Dương Cây Sanh Bình Phú/ Ôi trận đánh sống trong lòng đội ngũ/ Của chúng ta làm chủ mở Thăng Bình/ Trên đồi cao nhìn mãi cánh đồng xanh/ Là mộ trẻ của Vinh người dũng sĩ…”.

Bài thơ dài 35 câu như một câu chuyện kể về cuộc đời ngắn ngủi mà vẻ vang của chàng trai trẻ. Mới 13 tuổi, Lê Đức Vinh từ biệt quê mẹ Hòa Phong vào Tiểu đoàn 70 (tỉnh đội Quảng Nam) nằng nặc xin đi chiến đấu. Đơn vị thấy anh nhỏ quá, cho đi sản xuất 3 năm, đợi “cứng cáp” rồi mới tung ra chiến trường như nguyện vọng. Trong trận Dương Cây Sanh ở xã Bình Phú (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) vô cùng ác liệt năm 1964, Lê Đức Vinh vừa cứu thương, vừa trực tiếp chiến đấu, lấy khẩu trung liên của đồng đội nã súng đến viên đạn cuối cùng. Đến tối, đồng đội đi tìm thì thi hài anh không còn nguyên vẹn. Đơn vị chôn cất người dũng sĩ bên con suối, được làm dấu cẩn thận bằng hòn đá to.

Khi được hỏi ai là tác giả bài thơ rất dân dã, dễ thuộc mà hào sảng đến vậy, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Nho (hiện ở 62 Đống Đa, Đà Nẵng) cho biết: “Bài thơ được phóng viên chiến trường Liên Nam sáng tác vào tháng 10-1964, khi anh về thâm nhập viết báo ở đơn vị chúng tôi. Mọi người đã kể anh nghe về tấm gương Lê Đức Vinh. Anh đã viết và bài thơ được truyền miệng đến bây giờ. Bài thơ còn được in trong cuốn sử về Tiểu đoàn 70. Năm 2000, tôi vào Nha Trang thăm, anh Liên Nam vẫn còn nhắc đến kỷ niệm lần sáng tác bài thơ ấy”. “Vậy các chú đã đưa hài cốt liệt sĩ về với quê hương?”. “Đây là cả một câu chuyện dài”, ông Nho trầm ngâm.

CCB Nguyễn Văn Nho nguyên là quân y Tiểu đoàn 70 trong chiến tranh. Sau giải phóng, ông chuyển ngành làm ở Ty Lao động, Thương binh & Xã hội Đà Nẵng. Tại đây, ông hỗ trợ giấy tờ, pháp lý cho nhiều gia đình chính sách, giúp họ được hưởng các chế độ Nhà nước. Những bài thơ về đồng đội cứ văng vẳng bên tai thúc giục ông lên đường. Tuy nhiên, việc đi tìm liệt sĩ chưa làm được bởi vợ ông là thương binh loại 1 thường xuyên đau ốm. Con cái còn nhỏ và bao nỗi lo toan đời sống. Đến năm 2012, chuyện nhà tạm ổn, ông lần lượt phối hợp với các gia đình đưa hàng chục hài cốt liệt sĩ trở về.

Khó khăn nhất lại rơi các trường hợp không còn thân nhân, như Lê Đức Vinh. Trước đây, khi ở cùng Tiểu đoàn, qua mấy lần nói chuyện với cậu y tá Vinh ở Đại đội 2, ông đã rất yêu mến, đặc biệt càng thêm chú ý khi cả hai cùng quê Hòa Vang. Chuyện cậu bé chờ “lớn” để đi chiến đấu làm ông thêm ngưỡng mộ dù bản thân cũng chỉ hơn cậu 5-7 tuổi. Cứ nghĩ mình trực tiếp chôn cất Vinh thì có thể mang hài cốt bạn về dễ dàng nhưng thực tế gian nan hơn ông tưởng.

Vì không có dép cao su

Tìm về xã Hòa Phong, CCB Nguyễn Văn Nho biết liệt sĩ Vinh (tên ở nhà là Nhạn) có cha và anh trai đều đã hy sinh, người mẹ tên Khiêm lúc ấy nằm liệt một chỗ, gia đình cũng không thể có ai đi cùng. Biết vậy, ông một mình khăn gói lên đường. Về xã Bình Phú, với trí nhớ còn minh mẫn, ông tìm được vị trí chôn cất. Thời gian đã lâu, hài cốt liệt sĩ đã hóa thành lớp đất đen, mịn. Người có kinh nghiệm sẽ thấy khác sự khác biệt so với địa chất xung quanh. Hiện trạng đã rõ nhưng cán bộ chính sách của Huyện đội Thăng Bình không công nhận là liệt sĩ vì không có di vật bộ đội. Ông Nho còn nhớ, khi Vinh bị thương máu xối xả, đôi dép lúc đó trơn trượt, tuột ra khỏi chân, làm sao còn dép để mang xuống mộ.

Không thuyết phục được cơ quan chức năng, ông đành đem liệt sĩ về quê hương chôn tạm và sau đó liên hệ với Ban Nghĩa trang, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Đà Nẵng đưa vào nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Sơn.

CCB Nguyễn Văn Nho nói rằng, là người trực tiếp chôn cất đồng đội nên ông biết rõ từng vị trí liệt sĩ nằm lại. Cùng được quy tập với Lê Đức Vinh đợt ấy, ông còn tìm được hài cốt đồng chí Nẫm (Mãi) quê Hòa Thọ và Lê Đức Tý quê Hòa Châu.

Anh Nẫm mới bổ sung vào đơn vị được 15 ngày. Một buổi chiều cuối năm 1965, lúc tầm 15 giờ, đài Hà Nội dạy hát, ông Nho qua chơi thì thấy anh Nẫm đang chăm chú vừa nghe, vừa chép bài hát Chiếc khăn tay vào cuốn sổ. Lúc đó, trong đơn vị chỉ có Nẫm giữ chiếc radio. Ông hỏi chuyện, và biết Nẫm quê ở Cẩm Bình - Hòa Thọ. Bài hát chưa kịp thuộc thì chính buổi chiều ấy, Nẫm ra trận ở xã Bình Định và hy sinh.

Liệt sĩ Lê Đức Tý, đi bộ đội đợt tòng quân Nguyễn Văn Trỗi, với ông Nho có mối thâm tình bên ngoại Hòa Châu. Vì thế, ông biết khá kỹ người bà con vai vế hàng cậu này. Anh Tý chiến đấu rất dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, sau đó hy sinh cũng ở xã Bình Định năm 1967 và cũng chính tay ông Nho chôn cất.

Các liệt sĩ đều không có tấm dù hay đôi dép nên không thể chứng minh là bộ đội. Với trách nhiệm với người đã khuất, hiểu việc mình làm, ông Nho cùng vợ tự thuê xe, lặng lẽ đưa đồng đội về an táng và xây mộ khang trang. Ông trăn trở rằng, với tuổi xấp xỉ 80, chân không còn khỏe nữa, dẫu rất muốn vẫn không thể đưa hết đồng đội về. Nhiều liệt sĩ hy sinh bị vùi lấp trong hang đá, vẫn chưa thể nào được khai quật. Dẫu rất thương anh em mà lực bất tòng tâm…

HỒNG VÂN

;
;
.
.
.
.
.