Ở Hà Nội, có lẽ chỉ khi nào người ta lắng đọng trong sự tĩnh lặng hoặc chịu để ý quan sát mới thấy được cái mùi của thành phố hơn 1.000 năm tuổi.
Chiếc xe đạp chở đầy hoa tươi xuất hiện trên một tuyến phố Hà Nội. Ảnh: MỘC ANH |
Ở số 23 phố Hàng Muối, căn nhà mặt tiền dăm mét có một đôi vợ chồng 35 năm nay chỉ bán trà chén. Mùa hạ thì trà sen, trà nhài; mùa đông thì trà cúc, trà ngâu hoặc trà mộc. Trà xu vỉa hè thì ở Hà Nội phố nào chẳng có nhưng như gia đình này thì quả là hiếm. Những hôm mưa phùn gió bấc, ngồi ôm chén trà nóng trong tay bỗng giật mình nhớ, vu vơ thôi, vài ba chuyện cũ. Hương trà xuân thấp thoáng, thời gian thấm thoát thoi đưa.
Trước ngõ nhà thôi, có một cụ già bán xôi, chè, nhưng đặc biệt thay chỉ bắt đầu từ tiết lập đông mới có chè bà cốt - một món ăn có tên gọi không rõ nguồn gốc - và chỉ bán từ khoảng 4 giờ chiều đến nhá nhem tối là hết. Bát chè bốc khói, chỉ có gạo nếp, mật mía với gừng mà sao thơm ngát, mà sao ấm lòng! Tự nhiên thấy yêu những vỉa hè Hà Nội!
Thỉnh thoảng tôi thích lặng lẽ đi theo những chị bán hàng rong, nào thì đội đầu, cắp bên hông thúng mủng hoặc quang gánh toàn những bánh đúc, bánh tro, bánh gai, bánh nếp, bánh tẻ… Nào có mua gì, chỉ để thưởng mùi đồng nội, quê mùa và biết đâu cũng có thể chỉ để nghe tiếng bước chân. Những bàn chân âm thầm “nói” và “hát”, hát bản du ca đường phố của tiếng rao, tiếng chân, để nghe mùi của phố.
Vô thường là thế mà cũng hữu thường là thế. Đâu phải chỉ ở Hà Nội mới có những xe đạp hàng rong đầy hoa, “sen tàn cúc lại nở hoa”, mùa nào hoa ấy, xuân hạ thu đông. Đó là nhịp đời, mà cũng là nhịp sắc, nhịp hương của Hà Nội.
Những quang gánh mang theo mùi đồng nội. Ảnh: MỘC ANH |
Người Hà Nội mê cà phê và trân trọng cà phê lắm. Nhìn cách người Hà Nội thưởng thức cà phê mới thấy hết được sự tinh tế qua từng cử chỉ. Tôi không say cà phê đến vậy, nhưng tôi thích mùi cà phê. Thứ mùi ma mị, khiến con người ta cứ lâng lâng. Mỗi lần lang thang phố, đi bộ qua quán cà phê Lâm, tôi cố nán lại lâu hơn đôi chút để không chỉ được hít hà mùi cà phê mà còn kèm theo cả mùi của hoài niệm, ký ức và nhìn ngắm từ xa tác phẩm của các bậc thầy Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Ông Lâm với biệt danh Lâm toét đã đi xa lâu rồi, quán còn đó, những bức tranh ám mùi cà phê vẫn còn nguyên trên tường, nhưng mùi cà phê chẳng còn thơm như trước. Đành tự an ủi rằng, thời nào mùi đó, thời nào duyên đó, mùi nào duyên đó. Một mình nhớ mùi kỷ niệm của riêng mình vậy.
Mùa đông năm nay lạnh hơn, liên tục những đợt không khí lạnh tràn về. Tối tối đi quanh phố cổ, lom đom những ánh lửa than hồng, mùi than hoa, mùi khoai nướng, mùi ngô nướng…, đó cũng là mùi phố, mùi đêm đông và mùa đông chợt đẹp hơn, mùa đông cũng sẽ thực sự là mùa đông hơn, lạnh lại ấm hơn. Cho nên, dù khuya đến mấy, người Hà Nội cũng không thể bỏ đi mà thường nán lại trên những con phố.
Trong đó, mùi ngô khoai nướng thơm lừng tuy rất đỗi bình dân, gợi hình ảnh nhọc nhằn của đồng quê rơm rạ, nhưng đủ sức níu chân bao người dừng lại vừa thưởng thức, vừa xuýt xoa.
Thăng Long - Kẻ Chợ là đất tụ nhân, bao nhiêu tinh hoa người, tinh hoa nghề của thập phương tụ về đây. Làng nào người đó, làng nào nghề đó, cùng đến và ở lại để làm nên 36 phố, 36 nghề, 36 làng, 36 người, mỗi phố - làng là mỗi nghề. Chả thể định danh được cái mùi của Kẻ Chợ Hà Nội, nhưng hình như những hương thơm của chén trà sớm vỉa hè, của bánh trái đồng quê, của bốn mùa hoa lá rong ruổi trên phố, mùi của ngô khoai nướng đêm đông... chính là mùi Hà Nội.
MỘC ANH