Đà Nẵng cuối tuần

Món ăn ký ức

09:22, 28/02/2021 (GMT+7)

Ai cũng có một món ăn gắn liền với những ký ức tuổi thơ. Món bánh ướt quê tôi tuy bình dị và dân giã nhưng đã kéo tôi về cả một vùng trời ký ức thơ dại ngày xưa...

Bánh ướt Phương Lang, Quảng Trị.  Ảnh: Đ.H.L
Bánh ướt Phương Lang, Quảng Trị. Ảnh: Đ.H.L

Như bao lần về quê khác, Tết năm nay tôi cứ liệt kê trong đầu những món ăn từ thuở bé mà dù ở thành phố bao năm tôi có lùng khắp nẻo đường ngõ hẻm cũng không tìm ra đúng cái vị mình từng ăn, từng nếm trải. Tôi gọi đó là ăn ký ức, nếm kỷ niệm. Giữa bao món ăn ngon có sẵn chưng cất trong những ngày xuân, tôi cứ nằng nặc đòi má mua cho bằng được cái loại bánh ướt quê mình.

Thương tôi, má tìm mua cho tôi loại bánh ướt ở quán tin cậy và ngon nhất. Đó là bánh ướt Phương Lang, gắn với làng nghề bánh ướt Phương Lang có cách đây cả thế kỷ trước, ở xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Cũng làm từ gạo nhưng bánh ướt Phương Lang mang vị thơm ngon và đã trở thành một đặc sản của làng quê bình yên, giản dị, gắn liền với con người mộc mạc nơi đây.

Bánh ướt được tráng mỏng, trắng mịn, thơm phức mùi gạo tẻ và ăn kèm với thịt heo quê ngọt thơm cùng các loại rau sống xanh mướt, sạch sẽ. Trong các loại rau hỗn hợp ấy không thể thiếu những cọng giá đỗ xanh vừa mới nảy mầm, thân mập căng mọng nước, ngọt thơm và rau quế bạc hà hương vị the nồng.

Đặc biệt, nước chấm là thứ quan trọng nhất làm nên hồn cốt tinh túy của món ăn này. Chỉ có người bán bánh ướt lâu năm ở quê chính gốc mới pha được cái vị nước chấm vừa cay nồng của tương ớt và tỏi, vừa chua chua của chanh, xen lẫn chút mằn mặn và ngòn ngọt của đường và nước mắm nhưng vẫn giữ được mùi thơm nguyên chất của nước mắm được chưng cất theo lối truyền thống. Khi nhúng miếng bánh ướt cộng với một ít rau sống và thịt heo luộc vào chén nước mắm tương ớt là bao nhiêu ký ức của ngày xưa xộc lên đầu lưỡi, nghe cay nồng khóe mắt.

Thật ra, ngày xưa còn nghèo khó, ít khi anh em chúng tôi được ăn bánh ướt kèm với thịt heo. Chỉ khi nào có đám giỗ, người ta mới bày biện đủ vị như thế. Còn trong ký ức của tôi, bánh ướt là món ăn dân giã chỉ có bột gạo. Còn nhớ hồi đi học ở quê, cách nhà tôi khoảng 3 ngôi nhà tính theo đường chim bay, có một lò bánh ướt của cô Gái.

Mỗi sáng chúng tôi thức dậy học bài từ rất sớm, nhìn ra cửa sổ xuyên qua mấy bụi tre và vài mảnh vườn sau hè là đã thấy căn bếp nhà cô Gái đỏ lửa. Mẹ thường bảo tôi qua mua bánh ướt sớm. Mỗi lần đi mua bánh, tôi phải đi qua 3 căn nhà có sân vườn rộng và hàng dừa tàu xen lẫn những bụi tre to. Hễ nghe tiếng chân người trong đêm tối thì lũ chó trong xóm lại đua nhau ra sủa. Tôi sợ chó kinh khủng nên mỗi lần đi mua bánh ướt phải rủ thêm anh trai hoặc cầm theo một cây củi khô để đề phòng chó rượt. Nhà cô Gái cũng nuôi một con chó đen to hung dữ, chỉ cần thấy tôi lấp ló ngoài cổng là sủa inh ỏi. Biết tôi nhát gan, hễ nghe tiếng chó sủa là cô Gái kêu người nhà ra dắt tôi vào.

Nồi bánh của cô Gái đặt trên một cái bếp củi to, một bên là mẻ bột gạo đầy đã được xay nhuyễn bằng cối đá. Cô Gái tay thoăn thoắt múc từng gáo nước bột đổ lên một lớp vải mỏng trên nồi, rồi đậy nắp lại trong giây lát cho bánh chín. Sau ít phút, cô lại lấy thanh tre mỏng khéo léo nhấc lớp bánh ướt còn nóng hổi và mỏng dính ra khỏi nồi, đặt lên một chồng bánh đã làm sẵn. Cứ như thế, cô tráng hết lớp này đến lớp khác cho hết mẻ bột thì trời cũng vừa hửng sáng.

Ngày đó, chúng tôi chỉ ăn bánh ướt với nước mắm tự pha mà không có bất kỳ lát thịt hay rau sống đi kèm nào. Vậy mà mấy anh em chúng tôi vẫn ăn ngon lành vào mỗi sáng và đến trường không một lời ca thán. Giờ cuộc sống khá giả hơn và có rất nhiều món ăn Âu, Á bán khắp phố nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích ăn bánh ướt quê mình. Cái vị bánh dân giã, chân chất ấy đã nuôi tôi qua bao năm tháng cắp sách đến trường mà trưởng thành, gợi nhớ bao ký ức tuổi thơ của một thời khốn khó nhưng rất đỗi ấm áp, thân thương.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.