Những cây dâu mang đến từ triền đồi…

.

Cũng lâu lắm rồi tôi mới trở lại nơi này, con hẻm chuyên bán chè xoa xoa hạt lựu nằm đối diện với một cây cầu nhỏ bắc qua sông. Bên kia cầu là Cồn Hến, là Trường Tiểu học Phú Lưu, nơi mà 10 năm trước một con bé nhà quê lần đầu tiên rời làng lên phố tham gia thi đại học.

Năm đó, tôi đăng ký thi vào ngành Báo chí, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Huế. Chân ướt chân ráo từ quê lên, không có họ hàng, người quen nào,tôi tìm đến sự hỗ trợ của những anh chị tình nguyện viên. Họ dẫn tôi đến tìm trọ ở nhà một gia đình cuối hẻm, cách chỗ thi tầm hơn 1km.

Thời gian 4 ngày 3 đêm không thể khiến tôi trở thành người quen thân của gia đình. Hết giờ ăn cơm, tôi thu mình vào phòng để ôn bài. Hết giờ ôn bài, tôi lại bần thần nhớ nhà, nhớ mẹ. Có đêm tôi khóc rưng rức.

Còn nhớ, buổi chiều trước khi chính thức bước vào kỳ thi, tôi rảo bộ một vòng từ cuối hẻm đến đầu hẻm, rẽ vào quán chè rộng rãi và ít khách nhất. Trong quán bày vài bộ bàn ghế nhựa con con, màu đỏ lựu. Sát bức vách được nẹp lại bằng vài tấm tôn là một chiếc tủ gỗ, trên mặt tủ đặt vài chiếc xoong nhỏ sạch bóng loáng, hẳn các món chè được đựng trong này rồi.

Vì những tấm tôn không cao lắm, nên bức tường cao chưa tới vai người. Ngồi trong quán, tôi có thể trông ra mảnh vườn phía sau, ở đó có một cây dâu tằm. Mùa này đã hết quả, nắng càng khiến lá ngả vàng. Một cơn gió thổi đến, cành dâu, lá dâu rung rinh, rung rinh. Giây phút đó, tôi thấy trái tim như lỗi mất một nhịp.

Quê tôi là vùng trung du. Những sườn núi trở thành cánh đồng. Đất không phẳng nhưng đủ rộng, ở đó có rất nhiều cây dâu. Những cây dâu tằm mọc thành cụm, thành khóm. Những cây dâu tằm mọc một mình. Và cả những cây dâu tằm mọc thành dãy thẳng tắp vì người ta dùng chúng để làm hàng rào chia đất ngăn rẫy. Cũng như cây sắn, những ngày đầu nhận đất, có lẽ chủ nhà đã dùng vài cành dâu cắm xuống đất, những cành dâu này vì dễ sống mà đâm chồi, chẳng bao lâu trở thành những vách ngăn xanh tươi đầy sức sống.

Nhà tôi cũng có một khu rẫy được rào kín bốn bề bằng những cây dâu tằm. Bố tôi trổ một cái cửa, dùng mấy sào tre gác lại. Mùa hè bố trồng lạc, mùa xuân bố trồng ngô, trồng rau khoai, trồng cải, trồng ớt, trồng cà… Hễ mỗi lần phụ bố bừa đất, nhặt cỏ xong, mấy chị em tôi lại giải lao bằng cách ùa đến hàng rào dâu để tìm quả chín. Lúc đầu tìm những quả thấp, màu đỏ thẫm. Sau đó, hết quả thấp, lại vít cành cao, rồi cao hơn nữa, và đương nhiên màu dâu cũng chuyển nhạt dần. Từ màu đỏ mận sang đỏ tươi, rồi đỏ cam, cuối cùng những quả vừa mới chín hườm hơi ngả vàng một chút cũng bị chúng tôi vặt không còn dấu vết. Những quả dâu hườm chua lè chua lét, không hiểu sao lúc đó lại được tụi tôi săn đón, lục lọi như được mẹ cho đường.

Buổi chiều hôm đó, tôi ngồi nhìn cây dâu này và nhớ về những cây dâu khác. Trong ánh nắng cuối ngày phản chiếu lên tấm vách tôn vàng võ, trong một không gian phố xá nhà cửa ken dày chật chi chít, và cả sự kiệm lời của những con người xa lạ, theo cách nào đó, cây dâu tằm đã trở thành người bạn của tôi, đưa tôi trở về ngày nào rong chơi bên triền đồi nhỏ.

Hôm nay, sau đúng 10 năm, tôi trở lại con hẻm nhỏ bán chè. Vẫn nhiều quán chè như thế. Con đường vẫn nhỏ như thế. Chỉ có những căn nhà được lên gác, sơn sửa khang trang hơn. Tôi rẽ vào đúng quán chè rộng nhất năm xưa,bây giờ diện tích chỉ còn gần một nửa. Những chiếc bàn được kê sít vào nhau. Khách ăn chè ngồi chỉ cách lối hành lang dẫn vào khu nhà ba tầng một khoảng hẹp. Khi tôi khen nhà đẹp, ông lão chủ quán vừa cho cục đá vào một bao cát đất vừa đập bùm bụp, ông nói: Thằng Út đi xuất khẩu lao động mấy năm về xây đấy, giờ thì nó lại đi nữa rồi, dịch dã thế này...

- Thế còn cây dâu này thì sao ạ? Trông nó đã khá già.

- Ừ, ông từng trồng nó, ông mang cành dâu ấy từ quê nhà lên đây, và bây giờ ông là người đang tranh đấu để giữ lại nó. Quê ông ở một triền đồi. À, mà cháu có muốn nghe thêm về câu chuyện những cây dâu tằm không?

Cuộc sống luôn là sự kết nối của những câu chuyện, dù đó chỉ là câu chuyện về những cây dâu tằm. Và chỉ những người biết nhìn về ngày cũ bằng tất cả sự chậm rãi và tình yêu thương thì mới có cách để nhìn ra và kể lại những câu chuyện thông qua những tín hiệu, những tín hiệu nhỏ bé như một cây dâu, tôi trộm nghĩ thế rồi im lặng.

Ông chủ quán bắt đầu kể câu chuyện cây dâu của riêng mình. Nó có điều giống và rất nhiều điều khác so với câu chuyện cây dâu tằm của tôi.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.