1.Công an các địa phương đang đồng loạt triển khai cấp thẻ căn cước cho công dân từ 14 tuổi trở lên. Lần này, căn cước công dân (CCCD) có gắn chip, mã QR, tiện lợi cho ngành chức năng trong việc thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia.
Trước đó là CCCD thẻ nhựa 12 số được đổi từ giấy chứng minh nhân dân (CMND) “mềm” 9 số sang. Nay tiếp tục đổi qua CCCD có chip, sẽ hiện đại và nhiều tiện ích hơn. Song, vấn đề đặt ra là ngành chức năng phải làm gì để công dân không bị phiền toái, thậm chí tránh trường hợp công dân rơi vào bế tắc như đã xảy ra.
Chuyện là, khi mang CCCD 12 số đi giao dịch ngân hàng hoặc khai thuế, mua bán nhà đất…, có nơi ngân hàng, cán bộ thuế, chuyên viên văn phòng đăng ký đất đai… yêu cầu công dân phải trình giấy xác nhận đổi CMND sang CCCD thì mới làm thủ tục, mà phải là bản in cứng do cơ quan cấp thẻ CCCD (công an) xác nhận. Có những trường hợp cần tiền gấp, phải bán nhà/ đất thu tiền về thật nhanh để giải quyết công việc nhưng trên giấy chủ quyền nhà đất còn in số CMND cũ, chưa cập nhật số CCCD mới, thì phải nộp sổ đỏ/ sổ hồng đề nghị cập nhật, thời gian chờ theo quy trình là 15 ngày. Giải quyết như vậy thì quả là gây phiền hà cho người dân.
Tại sao phải phiền hà đến vậy, trong khi các ngành chức năng hoàn toàn có thể kết nối vào nguồn dữ liệu số hóa dùng chung để truy xuất thông tin về công nhân và xác thực? Riêng việc đổi CMND sang CCCD được cho là đổi mới mà sao công dân phải khư khư ôm theo tờ giấy xác nhận khổ A4 bất tiện thế kia? Còn nếu muốn thoát ly giấy xác nhận thì công dân phải đến từng chỗ để báo tin, cập nhật số CCCD mới đổi, thế thì “cách mạng 4.0” ở chỗ nào, cải cách hành chính ở chỗ nào? Cũng biết rằng phải có thời gian để đồng bộ toàn bộ hệ thống dữ liệu, rồi những bất cập về tương thích của từng hệ thống, nhưng cần phải xem xét ưu tiên khắc phục sớm thực tế trên.
Chẳng phải ngành chức năng không giản lược được thủ tục. Bằng chứng là cách làm của Công an tỉnh Bình Dương. Theo thông tin mới nhất từ báo chí, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, đã ký văn bản gửi các sở, ban, ngành và các huyện, thị thông báo về việc không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận số CMND nếu công dân đã có thẻ CCCD mới, để tạo điều kiện cho người dân trong giao dịch.
Bình Dương làm được thì cả nước làm được. Thử hình dung, hàng chục triệu công dân cả nước sẽ thở phào nếu tỉnh, thành nào cũng đơn giản hóa thủ tục như thế. Vậy vấn đề cốt tử nằm ở chỗ ngành chức năng có muốn cải cách hay không mà thôi. Nói cho đúng là phụ thuộc vào cái tâm của cán bộ.
2.Trước nay, hầu hết cư dân đô thị đều gặp phải chịu tiếng ồn karaoke tự phát. Karaoke đường phố ồn đã đành, song vì nó “di động” nên cũng chóng qua; còn karaoke trong khu dân cư mới là thứ khủng khiếp. Hát bất kể sáng - trưa - chiều - tối - khuya; cưới hỏi hát, ma chay cũng hát; vui hát, buồn cũng hát; nhìn chung, có tiệc, có nhậu là hát, âm thanh thì cực đại và chất lượng các giọng ca thì đa phần tra tấn người nghe.
Sau thời gian dài tiếp lĩnh ý kiến cử tri, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh mới đây liên tục mở các cuộc họp bàn giải pháp trị karaoke tự phát. Lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện tham dự và cho ý kiến rất nhiều, thế nhưng đa số đều vin vào một lý do rất chung chung là “không đo được tiếng ồn”, tức là không có cơ sở để phạt. Cụ thể hơn, hiện nay việc xử lý vi phạm về tiếng ồn được chiếu theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Những quy định văn bản dưới luật này có một số điểm bất cập, chẳng hạn: chỉ xử phạt từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau; và mức phạt 100.000-300.000 đồng/trường hợp. Để phạt được thì nhất quyết phải có thông số về độ ồn, tùy độ ồn mà phạt ít hay nhiều. Tóm lại, nếu không đo được độ ồn thì thua!
Còn nếu muốn sửa đổi quy chuẩn về tiếng ồn, tăng tiền phạt, không quy định thời gian vi phạm về tiếng ồn, tức sửa các quy định trong những nghị định liên quan hiện nay thì phải chờ. Tăng tiền phạt chưa hẳn hay, vì mức sống thị dân cao hơn nông dân nhiều, ở nông thôn mà phạt 300.000 đồng/trường hợp cũng đã nặng. Tập huấn và đào tạo cán bộ chuyên đi đo tiếng ồn thật sự tốn kém không cần thiết…
Còn với Đà Nẵng, từ tháng 5-2019, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện, phường, xã ra quân xử lý nghiêm. Phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Đà Nẵng đã xử phạt nhiều vụ vi phạm ô nhiễm tiếng ồn một cách nghiêm minh. Thêm vào đó, mỗi địa phương đều lập những tổ phản ứng nhanh để kịp thời xử lý thông tin người dân phản ánh về ô nhiễm tiếng ồn, nhất là tiếng ồn sau 22 giờ. Cách làm của Đà Nẵng được cho là hiệu quả, tiếng ồn sau 22 giờ đã giảm.
Từ đó mới thấy tầm nhìn của cán bộ quan trọng như thế nào. Đầu tiên là tư duy và năng lực lập pháp của những người soạn thảo quy định pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm về tiếng ồn, quy định này chưa thực sự hợp lý bởi chỉ phạt trong khung thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, trong khi karaoke tự phát bây giờ cất lên vào bất cứ lúc nào! Hay như thẩm quyền kiểm tra, theo Nghị định số 155/2016-NĐ-CP do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ công soạn thảo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì UBND xã, phường không có quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn, dù họ là phân cấp hành chính gần dân nhất.
Thứ đến là năng lực xử lý tình huống. Không thể nêu các nguyên nhân khách quan như pháp lý chưa rõ ràng, thiếu nhân sự và trang thiết bị hay thẩm quyền... mà thay vào đó phải nêu cho được những giải pháp kịp thời, có tính khả thi hơn…
“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, lúc sinh thời Bác Hồ đã dặn như vậy. Dẫu thuộc nằm lòng và ai cũng luôn mong cán bộ có đủ đức lẫn tài để “vì dân phục vụ”, song đâu phải lúc nào cũng thuận.
DƯƠNG QUANG