Rừng có mối liên quan mật thiết với con người, là chủ thể chính quyết định sự sống trên trái đất. Richard Powers đã khéo léo kể về sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên thông qua câu chuyện đời của 9 nhân vật - 9 số phận khác nhau trong Vòm rừng (NXB Thế giới, 2020) - tiểu thuyết giành giải thưởng danh giá Pulitzer 2019.
Không phải vô cớ mà nhà văn người Mỹ Richard Powers bắt đầu cuốn tiểu thuyết dày hơn 700 trang Vòm rừng bằng phần Gốc rễ; kế đến là các phần Thân, Cành, Ngọn và cuối cùng quay về với Hạt giống. Cũng như đời sống, mọi thứ đều có cội nguồn. Cái cây hay đời người đều bắt đầu từ gốc rễ, để từ đó hình dung rõ hơn về hành trình sống, phát triển, vươn xa. Biến số của mỗi vòng đời cuối cùng là những hạt mầm mạnh khỏe nhất mang sứ mệnh một đời sống tiếp nối, tạo thành những gốc rễ đủ sức mạnh bám sâu vào lòng đất cho đời sau tươi xanh. Đời cây hay đời người đều giống nhau trong hành trình đó, không tách rời.
Vòm rừng không đơn thuần là chuyện của loài cây. Richard Powers đưa người đọc từ một New York xa xưa đi khắp Bắc Mỹ, qua bán đảo Đông Dương đến thung lũng Silicon với những câu chuyện về 9 nhân vật - 9 số phận khác nhau. Họ có điểm chung là đều gắn bó với cây cối, bằng cách này hay cách khác, vô tình hay hữu ý. Đó là câu chuyện về gia đình nhà Hoels - người gốc Na Uy di cư đến quận Brooklyn (New York, Mỹ) vào thế kỷ 19. Hoels mang theo 6 hạt dẻ từ quê nhà đến miền đất mới, cặm cụi ươm mầm lên những cây dẻ con. Mối liên hệ vô hình giữa cây và người bắt đầu từ đây khi hạt mầm dẻ đầu tiên không thể sống và đứa con đầu lòng của Hoels mất khi chưa kịp chào đời. Rồi lần lượt 4/5 cây dẻ còn lại cũng chết do không tương thích thổ nhưỡng. Chỉ một cây còn lại vượt qua sự khác biệt khí hậu, vượt qua cả căn bệnh đốm cam từng làm hàng triệu cây dẻ khác ở nước Mỹ chết đứng, để sống khỏe mạnh và trở thành cây đặc biệt của một vùng đất. Cây dẻ sống sót cao nhất vùng không chỉ là chỉ dấu để bao người khách lạ tìm đúng đường đi, mà còn để những đứa con nhà Hoels tìm về nhà. Cây dẻ vô tình hiện hữu trong đời sống của gia đình họ, thậm chí đến đời thứ ba, con cháu họ vẫn kiên trì chụp ảnh cây dẻ để lưu lại hình dáng cây thân thương qua từng mùa, từng năm.
Đó là câu chuyện về gia đình họ Ma, gốc Trung Hoa. Cây dâu tằm hiện diện trong đời sống của người cha từ ngày đặt chân đến Mỹ với nhiều khổ đau, cơ cực. Cây cối luôn hiện diện và gắn bó với mỗi thành viên trong gia đình họ, nhất là người con gái tên Mimi Ma nhiều năm về sau đó.
Cây cối còn gắn bó với Neelay - chàng trai thông minh bị liệt chân sau tai nạn. Đời sống trên xe lăn của cậu từ đó gắn với thế giới tươi xanh đầy cây cối, đẹp toàn mỹ thông qua game online do chính cậu tạo ra.
Richard Powers khéo léo lồng vào câu chuyện đời các nhân vật để mô tả một thế giới cây cối sinh động, có hồn, có tri giác và ngôn ngữ. Ở đó, đời cây có sự gắn kết, tương hỗ và thậm chí hy sinh để tạo nên hệ sinh thái bền vững, trường tồn. Pat Westerford trong câu chuyện thứ 7 có một tình yêu thiên nhiên lớn lao, cô trở thành tiến sĩ khoa học với những nghiên cứu về cây cối.
Với tình yêu cây cối, 9 nhân vật trong Vòm rừng gắn bó với rừng bằng tình yêu hoặc sứ mệnh. Không ai khác, chính họ - những người trải qua, chứng kiến những khoảnh rừng tươi xanh cho đến khi bị chính bàn tay con người đốn gục. Hiểu theo một cách đơn thuần nhất, rừng nham nhở vết thương, hệ sinh thái trái đất bị đe dọa thì không ai khác, chính con người nhận hậu quả.
Vòm rừng thoảng qua thật khó đọc nhưng nếu có tình yêu với thiên nhiên, người đọc sẽ tìm thấy sự hứng thú. Và nếu dừng lại để chiêm nghiệm thì sẽ hiểu ngụ ý trong từng câu chuyện tưởng rời rạc nhưng mang thông điệp “Hãy bảo vệ rừng”. “Nếu bạn đang cầm trong tay một cây non trước khi Đấng cứu thế đến, hãy trồng cây non trước khi ra chào Đấng cứu thế”. Cây cối trong hệ sinh thái trái đất chính là Đấng cứu thế của muôn loài. Đọc Vòm rừng và tự hỏi, chúng ta đang đối xử với thiên nhiên như thế nào?
THIÊN LAM