Hoàng Nhuận Cầm đã lặng lẽ ra đi vào chiều 20-4-2021 tại Hà Nội. Ông là tác giả của những bài thơ được nhiều người yêu mến. Các bài thơ tình của ông thường gắn với kỷ niệm của tuổi học trò, một thời mới lớn, nhiều mộng mơ, khao khát những chân trời xanh thẳm phía trước. Một giọng thơ trẻ trung. Một trái tim sôi nổi. Một tâm hồn trong trẻo.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Ảnh: TTXVN |
Trong nhiều bài thơ, có một bài được bạn trẻ nhiều thế hệ yêu thích, đó là Chiếc lá đầu tiên. Ban đầu, tác giả đặt tên bài thơ này là Trường ơi, chào nhé, sau đổi thành Chiếc lá đầu tiên. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ. Nỗi nhớ bàng bạc trong các câu thơ. Không gian của nỗi nhớ là trường lớp, bạn bè, thầy giáo cũ, cây phượng hồng, con ve mùa hạ, cây bàng đêm trong sân trường. Một bài thơ xinh xắn, trong veo. Nhiều câu thơ hay đến nao lòng, dung dị, xao xuyến. Bắt đầu từ một tiếng thở khẽ của thời gian, nhà thơ quay về một khung trời lưu luyến xưa, hoài niệm những cảnh và người của một thời không bao giờ quên, thời hoa niên học trò.
Trước hết, có một điều gây suy nghĩ, sao bài thơ có tên Chiếc lá đầu tiên và câu thơ cuối bài: Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên. Chiếc lá ấy có ghi dấu kỷ niệm nào của thời đi học? Một khoảng trời chung chiêng của bao nỗi nhớ nào?
Lá, theo Từ điển sinh học phổ thông (Lê Đình Lương - chủ biên, NXB Giáo dục, HN, 2002): “lá có màu xanh lục mọc trên thân hoặc cành, thường có dạng phiến, là cơ quan quang hợp và dinh dưỡng khí chủ yếu hoặc biến thái theo chức năng như dự trữ, nâng đỡ, bảo vệ. Lá dinh dưỡng được phân chia ra phiến và cuống. Lá có thể là đơn hay kép” (Sđd, trang 152). Định nghĩa có tính sinh học này là một giải đáp khoa học, thuận về lý trí. Lá trong thơ ca mang yếu tố tâm trạng, yếu tố tình cảm. Lá đào rơi rắc lối Thiên thai (Tản Đà - Tống biệt), Lá trúc che ngang mặt chữ điền (Hàn Mặc Tử - Đây thôn Vỹ Dạ), Nắng chia nửa bãi chiều rồi/ Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu (Huy Cận, Ngậm ngùi), Mẹ thà coi như chiếc lá bay (Thâm Tâm - Tống biệt hành).
Thật ra, nếu nhìn sự sống trong mối giao hòa, lá là sự kết nối giữa con người và thế giới tự nhiên. Lá, qua lá, ta nhìn ra bầu trời, sông núi, cảnh quan... vừa kỳ ảo, vừa cụ thể. Cả thế giới nằm trong chiếc lá. Với Hoàng Nhuận Cầm, chiếc lá nào cũng là chiếc lá đầu tiên.
Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Từ Liêm, Đông Ngạc (Hà Nội), là con trai nhạc sĩ Hoàng Giác. Hoàng Nhuận Cầm là tác giả các tập Thơ tuổi 20 (1974), Những câu thơ viết đợi mặt trời (1983), Xúc xắc mùa thu (1992), Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến (2007); các kịch bản phim: Lầm lỗi, Đêm hội Long Trì, Hà Nội - Mùa đông năm 1946, Pháp trường trắng, Ai lên xứ hoa đào, Mùi cỏ cháy... |
Trong “chùm phượng hồng yêu dấu” và “tiếng ve trong veo” cũng lẫn với những chiếc lá, báo hiệu mùa hè đã đến, khép lại thuở hoa niên:, “bắt đầu yêu”: Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/ Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước/ Con ve tiên tri vô tâm báo trước/ Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu.
Hình ảnh thứ hai, đi theo Hoàng Nhuận Cầm nhiều năm, đó là “trường cũ”, một không gian đầy mộng mơ, một nơi chốn đi về của nhớ nhung khôn xiết, một bầu trời lung linh, ảo diệu của kỷ niệm. Trường cũ làm nên nỗi nhớ. Mỗi dòng thơ với nhiều cung bậc nhớ, nhắc đi nhắc lại đến 9 lần. Nỗi nhớ tự nhiên, đến từ những chân trời cũ, có “em”, có “mẹ”, có “trường”, có “lớp”, có “tên tôi”: Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em/ Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ/ Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế/ Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi.
Nơi ấy, lớp học bâng khuâng màu xanh/ sân trường đêm - rụng xuống trái bàng đêm/ có một nàng Bạch Tuyết với mười chú lùn/ những trận cười trong sáng/ trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm/ những chuyện năm nao, những chuyện năm nào/ cứ xúc động, cứ xôn xao/... thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ... Hoàng Nhuận Cầm nói rất đúng, rất hay tâm trạng của nhiều thế hệ học trò, xa trường, nhớ về những năm tháng đẹp đẽ của cuộc đời. Bài thơ được yêu thích hẳn vì thế.
Bên cạnh lá, là hoa. Đó là hoa mơ, hoa phượng, hoa mướp, những bông hoa thời niên thiếu, trĩu nặng tình người, nhiều sắc màu, ẩn dưới những tán lá xanh, tạo nên mỹ cảm về thế giới tự nhiên, tinh khiết, trong lành. Sắc vàng của hoa mơ, hoa mướp, sắc đỏ của hoa phượng, sắc tím của hoa súng. Sự pha màu tinh tế đó phản ánh một tâm hồn đa cảm, một dạng thức đồng điệu, hòa với nhịp thời gian và vũ trụ của thi sĩ. Và, những cây bàng già cô đơn, đứng trong sân trường, đứng trong đêm vắng, lặng lẽ bốn mùa, chứng kiến bao vui buồn, bao mối tình của những lứa học trò đi qua. Hoàng Nhuận Cầm kể lại: Cây bàng đã để lại ấn tượng đặc biệt trong tôi như người lính gác tuổi thơ. Ấn tượng ấy cứ theo tôi mãi để rồi 12 năm sau trái bàng mới rụng xuống trang thơ tôi trong nỗi nhớ bâng khuâng.
Cây bàng xưa vẫn đấy. Dấu yêu ngày cũ đâu rồi? Em cũng thế, phương trời nào xa ngái. Bốn câu thơ hay nhất của bài thơ, như chùng xuống, dồn nén, với những nốt trầm xao xuyến: Em đã yêu anh, anh đã xa rồi/ Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi/ Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại/ Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên.
Cuối cùng, vẫn là chiếc lá, chiếc lá của tâm tình, thức giữa đôi bờ hư thực của thời gian và không gian với chênh chao bao nỗi nhớ.
Chiếc lá đầu tiên Em thấy không, tất cả đã xa rồi HOÀNG NHUẬN CẦM |
HUỲNH VĂN HOA