Nhớ nhành phượng tím bỏ quên…

.

1. Tôi từng tham dự trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, nơi chúng tôi ở trong những ngày dự trại là Nhà sáng tác Đà Lạt. Lên phố núi khi trời vẫn còn tối. Sáng hôm sau, vừa bước chân ra khoảng sân trước của Nhà sáng tác, tôi ngỡ ngàng khi thấy những xác hoa tím biếc rơi đầy trên sân, trên vạt cỏ gần đó. Tôi ngước lên, bắt gặp cả một vòm hoa cũng tím biếc như vậy giữa nền trời trong xanh.

Hoa giăng trên bầu trời phố núi một màu tím dịu dàng như gọi mời du khách từ khắp nơi tìm về.  Ảnh: Vntrip
Hoa giăng trên bầu trời phố núi một màu tím dịu dàng như gọi mời du khách từ khắp nơi tìm về. Ảnh: Vntrip

Lúc đó, tôi chưa biết tên hoa, chỉ thấy tò mò về một loài cây vươn thẳng lên trời và nở hoa tím. Hỏi ra, biết đó là cây phượng tím, trong tôi không giấu sự ngạc nhiên, thích thú. Và chính lúc đó, mấy câu thơ mà tôi từng được đọc thuở học trò phút chốc hiện lên: “Nhành phượng tím bỏ quên. Nằm im trên thảm cỏ. Nắng mùa hạ rất đỏ. Cùng những phút chia tay…”.

Thật khó tin “nhành phượng tím bỏ quên” kia vẫn đeo đẳng tôi từ thuở học trò cho đến tận 15 năm sau. Có thể vào thời điểm đó, tôi đang học năm cuối bậc trung học, và tác giả của bài thơ kia cũng đang là học trò cuối cấp ở Đà Lạt. Tôi sống ở vùng Bắc Trung bộ, mùa chia tay cuối cấp thường được nhắc nhớ bởi những chùm phượng “cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi”. Vậy mà giờ đây có thêm “nhành phượng tím bỏ quên”!

Tôi nhớ bài thơ trên, một phần vì tâm trạng của “những phút chia tay” mà thời gian ấy, tôi cũng mang trong mình cái bâng khuâng, bịn rịn của thuở học trò cuối cấp. Nhưng còn sắc tím kia, lẽ nào ngoài màu hoa “như lửa cháy” mà tác giả bài thơ Thời hoa đỏ đã gọi tên để chỉ hoa phượng, lại có thêm một loại phượng nữa có hoa màu tím? Sự tò mò bắt đầu nhen lên trong tôi từ độ ấy. Vậy nhưng, phải 15 năm sau, nỗi tò mò kia mới được tỏ tường. 

2. Do hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng diễn biến khó lường. Chỉ mới tháng ba thôi mà Đà Lạt đã bắt đầu oi bức, nắng chói chang như vãi như nung. Vì thức dậy muộn nên khi tôi mở cửa sổ ra, bên ngoài nắng đã như đổ lửa. Và kìa, ngay cửa sổ phòng tôi ở, một cây phượng tím đang đứng dưới nắng trời! Giống như ngày đầu tiên ở Nhà sáng tác, khi vừa mở cửa sổ, tôi như bị choáng ngợp bởi sắc tím của hoa phượng.

Cái nắng vàng rực ngoài trời càng khiến màu tím kia càng rực rỡ hơn. Mặc dù không cao nhưng cây phượng này trở nên đặc biệt bởi nó có nhiều cành, nhiều nhánh đan chéo nhau. Thoạt trông cây phượng không khác gì một chiếc bình mà ở đó được cắm độc một loài hoa màu tím. Buổi sáng hôm ấy, tôi đứng lặng một lúc bên cửa sổ, ngắm mãi chiếc bình hoa khổng lồ như một đặc ân từ phố núi mà không phải ai cũng may mắn nhận được.

Sau này, qua tìm hiểu, tôi biết phượng tím có tên khoa học là Jacaranda Acutifolia, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sau đó được trồng ở một số nước châu Âu. Làm sao phượng tím xuất hiện ở Đà Lạt? Một người bạn của tôi ở Đà Lạt kể rằng, cây phượng tím đầu tiên được trồng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (trước chợ Đà Lạt) vào năm 1962, do kỹ sư nông học Lương Văn Sáu (SN 1942, tốt nghiệp Trường Canh nông Versailles, Pháp) mang hạt giống từ Pháp về Đà Lạt. Ban đầu, ông gieo ươm được một số cây con, nhưng loài hoa này không dễ trồng nên chỉ có một cây duy nhất sống sót. Theo lời người bạn của tôi, đó là cây phượng tím đầu tiên ở Đà Lạt còn sống đến hôm nay.

Thì ra, không phải tôi chưa từng gặp phượng tím. Bao nhiêu lần lên phố núi là bấy nhiêu lần qua chợ Đà Lạt, tôi và phượng tím đã gặp nhau rồi. Có điều, những lần đó không trùng với mùa phượng tím ra hoa.

Người bạn của tôi còn kể thêm, khác với loài phượng hoa đỏ, cây phượng tím có hoa nhưng không đậu quả nên ngày ấy kỹ sư Lương Văn Sáu phải chiết một số cành từ cây phượng tím trước chợ Đà Lạt để trồng trước nhà hàng Thủy Tạ, một cây nữa tại Vườn hoa thành phố. Vốn “khó tính” nên chỉ có một cây trước nhà hàng Thủy Tạ sống và ra hoa.

Bây giờ, nhờ công nghệ tiên tiến, việc chiết cành nhân giống trở nên dễ dàng hơn nên phượng tím xuất hiện nhiều nơi ở Đà Lạt. Thậm chí, ở khu du lịch hồ Tuyền Lâm có một con đường mang tên Phượng Tím. Cứ như vậy, mỗi độ tháng ba, hoa lại giăng trên bầu trời phố núi một màu tím dịu dàng như gọi mời du khách từ khắp nơi tìm về. Rất có thể, vào một tháng ba nào đó, tôi lại lên Đà Lạt để gặp “nhành phượng tím bỏ quên”. Khi đó, hẳn là tôi sẽ không còn ngỡ ngàng nữa, mà thỏa sức ngắm nhìn trong niềm hân hoan như gặp lại “cố nhân”.

HỒ HUY SƠN

;
;
.
.
.
.
.