Hội An là nơi hội tụ sự bình an. Đến Hội An không phải để khám phá mà là để trở về.
Bằng sự thâm trầm bền bỉ, người Hội An biết đâu là chiều sâu di sản, là cái chất mà chỉ riêng nơi này có. Ảnh: XUÂN SƠN |
Không biết bao nhiêu lần vào ra Hội An - thành phố cổ bên cạnh Đà Nẵng, chỉ hơn hai mươi cây số nhưng lúc nào tôi cũng cảm nhận những con đường, ngôi chùa, những tàu dừa, chân ruộng, những hàng cây và cả con người nữa ẩn sâu bên trong điều gì đó tạo nên nét rất riêng.
Đường ở phố cổ không chỉ để đi, mà hình như còn là để hiển hiện quá khứ, mỗi bước chân du khách không chỉ thấm đẫm hoài niệm mà chính mình cũng đang trở thành hoài niệm. Chùa không chỉ là nơi kinh kệ, mà còn là nơi tụ hội và lan tỏa năng lượng mới.
Trong những lưu dân theo chân chúa Nguyễn ngày ấy, có những tấm lòng mang theo cả đức tin thuận thành đàng Ngoài làm hành trang về vùng đất mới, để tiếng chuông chùa thành nơi thường trú tâm hồn trong những ngày đầu mở cõi.
Và lạ nhất là con người nơi đây, tôi lắng lòng thật sâu, thật im lặng để nghe và cố lưu giữ chút giọng nói, tiếng cười, chút khắc khoải của chất giọng gần gũi như người thân thiết, lịch lãm như người phố thị nhưng vẫn hồn hậu chân quê, pha chút mờ ảo xa xôi.
Có vô số văn thơ viết về vùng đất quen thân này. Có thể bất ngờ về cái lời khuyên lạ lùng nhưng rất thật “Yêu ở đâu thì yêu/Về Hội An xin chớ/ Hôn một lần ở đó/Một đời vang thủy triều” (Chế Lan Viên) hay “Chân đi, đếm tiếng chuông chùa/ Tôi ngờ năm tháng thời xưa trở về” (Hồ Dzếnh)… Có những tên tuổi gốc xứ Hoài làm nên dấu ấn văn chương, văn nghệ một thời lẫy lừng. Những Nhất Linh, Thạch Lam, La Hối, Nguyên Ngọc, Ánh Tuyết… mà dấu ấn của họ là niềm tự hào. Hình như với người chính gốc Hội An, họ không quan tâm lắm việc thành phố được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Có cũng tốt mà không có cũng chẳng sao. Tự họ, bằng sự thâm trầm bền bỉ, họ biết đâu là chiều sâu di sản, là cái chất mà chỉ riêng nơi này có.
Hội An không dám so sánh về chiều cao của những tòa nhà lộng lẫy, không dám màu mè tòa ngang dãy dọc, nhưng mỗi căn nhà nơi đây là một bảo tàng, là chỉ dấu của sự thích nghi và giữ gìn. Trong cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn gần 250 năm ấy, tôi cứ ám ảnh mãi với ý nghĩ vì sao chỉ có một Hội An trở thành thương cảng vào loại sầm uất nhất châu Á bấy giờ.
Chùa Cầu, cây cầu dài chỉ 18m ấy nhưng bắc qua lịch sử hơn 300 năm tồn tại, nhưng quan trọng hơn nó còn là chứng nhân cho thời mở mang thương mại quốc tế, mà hình như chỉ ở Phai-phô này là tập trung thương khách Á - Âu độc đáo. “Lai viễn kiều” (bạn từ phương xa đến) có lẽ là cây cầu biết nhận ra bạn bè bốn phương sớm nhất.
Hội An là nơi có tỷ lệ du khách muốn trở lại cao nhất nước. Nhiều lần thơ thẩn trên những con đường “vừa đi đã mỏi”, tôi cứ tự hỏi vì sao nơi đây lại có sức hút mà không có nơi nào trên cả nước sánh được như vậy. Thật khó trả lời. Hội An thật thà, chén đậu hủ bán cho người Cẩm Kim cũng 10.000 đồng như bán cho khách Tây vừa đến Cửa Đại. Rất nhiều thông tin nói bánh mì Hội An vào loại ngon nhất. Vì sao?
Cái mùi vị bánh mì làm sao mà so sánh nơi phồn hoa đô hội được, nhưng nó ngon nhất có lẽ ngoài thịt, rau, còn kèm theo cái cách bán thật thà phố Hội. Tôi nhìn thật lâu những khách phương Tây xa xôi, đạp xe ra vườn rau Trà Quế, họ đứng bên vồng rau, nghe cái mùi húng quế quyện lấy gió chiều, để nghe cái thật thà của hương đất đang mời gọi.
Đôi mắt con trâu nó hiền, cái ách kéo cày thì với hầu hết du khách là lần đầu được tận mắt. Cái làm du lịch như không làm gì cả: vùng rau, con trâu, cái thúng, chuỗi lồng đèn thả trên sông giữa ánh trăng rằm, như nói với mỗi người về cái thật, cái mơ. Đến Hội An không phải để khám phá mà là để trở về.
Cùng với anh em cơ quan, tôi có một đêm lắng lại Hội An, thành phố bên dòng sông Hoài thật đáng để nhớ. Đọc quyển hướng dẫn du khách, khi giới thiệu Hội An (Việt Nam), họ viết: Hội An là nơi hội tụ sự bình an. Tôi đã có bình an từ lần trở về, để nghe lòng đêm trầm lắng theo dòng sông thương nhớ.
TRẦN THU THỦY