Mỹ thuật Việt thích ứng trong mùa Covid

.

Đại dịch Covid-19 lại bùng phát khiến nhiều lĩnh vực phải tạm thời ngừng hoạt động, nhưng thị trường mỹ thuật Việt vẫn có những cách làm riêng.

Tác phẩm Châu chấu của họa sĩ Tạ Huy Long. (Ảnh do Đông A Gallery cung cấp)
Tác phẩm Châu chấu của họa sĩ Tạ Huy Long. (Ảnh do Đông A Gallery cung cấp)

Đáng chú ý, các sàn giao dịch hoặc đấu giá tranh trên mạng vẫn hoạt động. Các giao dịch tác phẩm mỹ thuật vẫn “chốt” đều trên mạng. Mới đây, Đông A Gallery triển khai các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật (tranh, sách) vào tối Chủ nhật hằng tuần, từ ngày 16-5. Theo đó, phiên đấu giá đầu tiên đã diễn ra với tác phẩm Phố của họa sĩ Thành Chương. Ngày 23-5 sẽ đấu giá tác phẩm Châu chấu của họa sĩ Tạ Huy Long.

Đây là tác phẩm có kích thước lớn (170 x 130cm), thể hiện ở dạng khối nổi căng trên khung gỗ sồi, với các chi tiết bằng da, đồng… được chế tác thủ công (nhuộm, khâu, gò đồng…). Đặc biệt, Châu chấu lấy cảm hứng từ tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. Tiếp đó, lúc 20 giờ ngày 30-5, phiên đấu giá tiếp theo sẽ là bộ minh họa ấn phẩm Người kép già của họa sĩ Thành Chương vẽ minh họa cho tập tuyển truyện ngắn của nhà văn Kim Lân.

Đáng nói, sự xuất hiện của dự án Cổng trời (congtroi.org) đang được kỳ vọng sẽ mở ra một sân chơi mới cho những người sưu tập theo đuổi các món đồ NFT (Non Fungible Token - một mã không thể thay thế). NFT ra đời từ năm 2017 nhưng mới được biết đến rộng rãi từ nửa năm nay, nhất là sau sự kiện một file ảnh kỹ thuật số được nhà Christie’s đấu giá ở mức kỷ lục 69,3 triệu USD (tính cả thuế phí) hôm 13-3 vừa qua.

Thuật ngữ công nghệ này dùng để chỉ một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain, có chữ ký số của người sở hữu. Tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT luôn là bản gốc, không thể sao nhái. Vì vậy, người mua có thể truy nguyên tác giả sở hữu mà không cần đơn vị trung gian hay nhà đấu giá nào đứng ra xác tín. “Thông qua Cổng trời, chúng tôi muốn hoàn thiện con đường để nghệ sĩ Việt Nam bước ra thế giới với phương châm: Mở lối đi riêng, nâng tầm văn hóa Việt”, ông Phạm Toàn Thắng, người sáng lập dự án Cổng trời chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều triển lãm mỹ thuật vẫn được tổ chức trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch như khoảng cách, khẩu trang, sát khuẩn, khai báo y tế… Triển lãm “Thi hứng IV” của nhà thơ - họa sĩ Trần Nhương vẫn diễn ra đến hết ngày 27-5 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội), trưng bày 50 tác phẩm và 40 bức chân dung ký họa.

Trần Nhương là họa sĩ “tay ngang”, những bức tranh lần này chủ yếu được ông vẽ khi ở nhà để phòng, chống Covid-19. Lý giải vì sao giữa mùa dịch vẫn bày triển lãm, nhà thơ - họa sĩ Trần Nhương bộc bạch: “Tôi đăng ký triển lãm từ năm 2019 và thống nhất với Nhà triển lãm xếp lịch vào tháng 5-2021. Nào ngờ Covid-19 bùng phát. Nhiều bạn bảo sao không hoãn, triển lãm bây giờ phí công. Thưa rằng, sát nút mới bỏ cuộc thì làm khó cho Nhà triển lãm”.

THƯ HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.