Bao giờ thế giới đạt miễn dịch cộng đồng?

.

Các chủng biến thể virus mới và thái độ chần chừ với tiêm chủng của một bộ phận không nhỏ người dân ở các nước đã có vắc-xin ngừa Covid-19 khiến các kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế của nhiều chính phủ gặp khó.

Bãi biển ở Santa Monica, bang California (Mỹ) đông đúc vào ngày 29-5-2021. Ảnh: AFP/Getty Images
Bãi biển ở Santa Monica, bang California (Mỹ) đông đúc vào ngày 29-5-2021. Ảnh: AFP/Getty Images

Các chuyên gia cho rằng, thật khó trả lời câu hỏi bao giờ thế giới đạt miễn dịch cộng đồng, cũng như không có một ngưỡng đồng thuận chung phổ biến cho vấn đề này.

Trở ngại tâm lý

Mỹ đã triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 với hơn 160 triệu người được tiêm ít nhất một liều vắc-xin. Số liệu này giúp Tổng thống Mỹ Joe Biden hoàn thành mục tiêu đặt ra trước ngày Quốc khánh 4-7 về số người dân được tiêm vắc-xin. Song, ngay cả khi trẻ em được phép tiêm vắc-xin, vẫn còn gần một nửa dân số Mỹ chưa tiêm và tại một số khu vực tiến độ triển khai tiêm chủng khá chậm. Vì vậy, không ngạc nhiên khi nhiều bang của Mỹ liên tục công bố các chương trình vận động có thưởng để kêu gọi, khuyến khích người dân đi tiêm.

Tại bang Ohio, người tiêm vắc-xin có cơ hội được nhận một trong 5 giải thưởng trị giá 1 triệu USD và đã có một phụ nữ nhận giải. Ở bang New Jersey, người dân thậm chí còn được mời uống bia miễn phí sau khi tiêm. Tất cả những chính sách đó chỉ nhằm mục tiêu duy nhất: Làm sao có thể vận động toàn dân tiêm vắc-xin để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất có thể.

Cuối năm ngoái, khi thông tin đầu tiên cho biết các vắc-xin ngừa Covid-19 cho hiệu quả lên tới hơn 90%, nhiều người kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi. Tuy nhiên, sau một vài tháng, những hy vọng đó đã phần nào dịu đi trước thực tiễn đời sống với những vấn đề phức tạp nảy sinh, nhất là sự xuất hiện của biến thể SARS-CoV-2.

Với các chính phủ, việc xuất hiện các biến thể SARS-CoV-2 và tâm lý lưỡng lự của người dân với vắc-xin ngừa Covid-19 đặt ra những thách thức không nhỏ cho kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Các nhà khoa học theo dõi đại dịch cũng nghi ngại về khả năng các nước có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ngay cả khi có nguồn cung vắc-xin dồi dào.

Điều chỉnh ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng

Miễn dịch cộng đồng là sự bảo vệ gián tiếp chống lại bệnh truyền nhiễm khi một tỷ lệ lớn dân cư có khả năng miễn dịch thông qua tiêm chủng hoặc nhờ vào lần nhiễm trước đó. Về lý thuyết, khi đạt ngưỡng này, tốc độ lây nhiễm virus sẽ chậm lại nhanh chóng và cuối cùng thì biến mất. Ngày 24-5, Cộng hòa Malta - quốc gia ở phía nam châu Âu, thành viên Liên minh châu Âu (EU) - tuyên bố đạt mục tiêu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho 70% dân số trưởng thành ít nhất một liều và đạt được miễn dịch cộng đồng”.

Lúc Covid-19 mới bùng phát, một số nhà khoa học hy vọng ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng là 60%. Tuy nhiên, trong hầu như toàn bộ năm ngoái, ông Peter Hale, Giám đốc điều hành của Quỹ Nghiên cứu Vắc-xin tại Washington, DC, cho rằng các cơ quan y tế Mỹ đã đặt ra (một cách không chính thức) mốc có thể đạt miễn dịch cộng đồng là 75%.

Cũng theo ông Hale, kết quả thử nghiệm với các vắc-xin ngừa Covid-19 được phát triển bằng công nghệ mRNA của BioNTech/Pfizer và Moderna dường như đem lại thêm cho mọi người hy vọng đạt được mục tiêu đó. Song, căn cứ thực tế biến thể B.1.1.7 tìm thấy ở Anh hiện rất phổ biến ở Mỹ và có khả năng lây lan nhanh hơn các chủng virus khác phổ biến tại Mỹ năm ngoái, ông Hale “điều chỉnh” lại, cho rằng ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng bây giờ phải gần 80%.

Tại Anh và nhiều nước đã ghi nhận biến thể virus tìm thấy ở Ấn Độ B.1.617, chủng virus cũng được đánh giá có khả năng lây lan nhanh hơn “phiên bản gốc” của mầm bệnh, những tính toán về mốc đạt miễn dịch cộng đồng của nhiều nước hẳn cũng sẽ lại phải điều chỉnh và thay đổi.

Theo đó, trong tình huống bi quan nhất, tâm lý ngần ngại, chống đối vắc-xin không thể vượt qua được, và các chủng biến thể virus mới tiếp tục lây lan, nhiều nước sẽ vô cùng trầy trật trong cuộc chiến chống Covid-19. Họ vẫn là nhóm dễ bị tổn thương trước các đợt bùng dịch, sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn kéo dài của việc ban hành và gỡ bỏ các lệnh hạn chế.

Bà Lauren Ancel Meyers, chuyên gia thuộc liên đoàn nghiên cứu dựa trên mô hình về Covid-19 của Đại học Texas (Mỹ) ước tính tỷ lệ dân số cần được tiêm vắc-xin để đạt miễn dịch cộng đồng khoảng 60-80%. “Tôi không nói là không thể đạt được miễn dịch cộng đồng”, bà Lauren Ancel Meyers nói, “Nhưng tôi muốn nói rằng, khó đạt được miễn dịch cộng đồng trong tương lai gần, tại hầu hết các cộng đồng và tại hầu hết các thành phố ở Mỹ cũng như toàn thế giới”.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Financial Times, AFP)

;
;
.
.
.
.
.