Sức cuốn hút của thế giới thảo mộc

.

Đến Bản Lướt, thuộc xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (tỉnh Sơn La) sẽ cảm nhận được sức cuốn hút của thế giới thảo mộc. Không gian được bao bọc núi non trùng điệp, với khí hậu mát lành, mang lại cảm giác bình yên, thư thái cho bất kỳ du khách nào.

Ruộng bậc thang ở bản Lướt, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: V.N.G
Ruộng bậc thang ở bản Lướt, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: V.N.G

Bản Lướt nằm trong thung lũng được bao bọc bởi núi non, rải rác những ngôi nhà sàn của người Thái nằm e ấp bên sườn đồi. Nơi đây một ngày có 4 mùa: mùa xuân vào buổi sáng, hạ buổi trưa, thu buổi chiều và đêm xuống là đông. Nước suối sạch và trong vắt, chảy khắp dọc lối đi. Đứng nơi nào ta cũng có thể nhìn thấy dòng nước suối chảy qua, đó là nguồn nước uống của người dân bản địa. Đặc biệt, nơi đây có suối khoáng nóng, nhiệt độ dao động từ 30-50 độ C. Người bản Lướt thường tắm ở suối khoáng nóng này.

Đi trong bản Lướt lúc mù sương sẽ dễ dàng thấy những cánh hoa ban trắng nở rộ trên những cành cao. Sự trong trắng, thuần khiết của loài hoa này là biểu tượng của thiên nhiên và con người Tây Bắc. Người bản Lướt hái đọt lá ban để dùng trong bữa ăn. Đọt lá ban non hái về xào ăn thay rau. Nói về ẩm thực của người dân nơi đây, ve rang cũng là một món ăn khoái khẩu của họ.

Song, món ăn thường nhật của người dân bản Lướt  là xôi. Nếp được vo sạch, cho vào nồi hông bằng gỗ, đun trên bếp lửa cho đến khi chín tới. Xôi ăn kèm thịt gác bếp, rau xào hoặc các món mắm họ tự chế biến từ cá bắt ở suối về. Trong căn bếp của những gia đình trung lưu hầu như lúc nào cũng có thịt lợn gác bếp. Thịt lợn được ướp muối 2 ngày, sau đó mang phơi nắng 3 ngày rồi gác bếp để dành ăn dần. Khi ăn, chỉ cần lấy thịt rán lên hoặc nướng.

Thức uống hằng ngày của họ là nước lấy từ suối về đun với vỏ cây hái trong rừng, vỏ cây tiếng Thái gọi là Mạy Nang Na. Nước vỏ cây đun lên có màu đỏ như rượu, trong vắt và mùi thơm dễ chịu. Người già, trẻ con đều có thể uống được. Người dân tộc Thái ở đây cho rằng, nước được đun sôi từ vỏ cây này tốt cho sức khỏe và chữa được một số bệnh thông thường như dạ dày, mất ngủ, biếng ăn…

Bản Lướt nằm ở độ cao 950m so với mặt nước biển. Với diện tích 21.000 ha và 18.000 ha rừng thông, rừng nơi đây là rừng tự nhiên nên những con suối không bao giờ cạn. Ngoài người dân tộc thiểu số Thái, còn có cả người Mông sinh sống ở bản Lướt.

Hầu hết các ngôi nhà trong bản được làm bằng gỗ Pơmu. Nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Thái, mái lợp bằng Fibro, lác đác vẫn còn những ngôi nhà lợp bằng lá cọ. Tầng trệt là nơi chứa những vật dụng thô sơ. Có 1-2 cầu thang dẫn lên nhà sàn, đó là nơi sinh hoạt và ngủ. Những phòng ngủ được thiết kế sát nhau thành một dãy và được ngăn cách bằng những tấm rèm che phủ, bên ngoài cũng là những tấm rèm che thay cửa đi.

Nhà có trẻ nhỏ, phía trước thường treo một cái nan tre được đan thành hình lục giác, dân bản gọi là mắt thần, ngăn không cho tà ma vào nhà. Bếp ăn thường rộng rãi, căn bếp nhà nào cũng ám khói vì củi đun, bên trên luôn có những xâu thịt ướp muối treo lủng lẳng để ăn dần. Những vật dụng như dao hoặc gùi để đựng thức ăn lên rẫy… thường được treo bên bếp lửa.

Công việc chính của người dân bản Lướt là làm nông. Mỗi gia đình thường cất một chiếc lán ngoài đồng để ở lại làm lụng, chăn nuôi gia súc. Ngoài việc đồng áng, họ còn đóng gạch, xẻ gỗ, làm nhà, làm đồ thủ công, đan lát các vật dụng bằng mây tre dùng để lên nương, ra suối... Thổ nhưỡng vùng đất này phù hợp cho hoa hồng leo. Hầu như tường rào nhà nào cũng trồng hoa, nhiều nhất là hồng leo, sắc màu tươi nhuận nở rộ bốn mùa.

Cảnh rừng thâm u, hiểm trở giờ đây không còn nhiều như trước, nhưng chung quanh khối núi ở tận vùng sâu hẻo lánh mà ta còn tiếp cận được cũng cho thấy sức cuốn hút của thế giới thảo mộc, nó liên quan sâu sắc đến tâm hồn, tính cách hiền lành, thân thiện, hiếu khách của người thiểu số bản địa trong vùng.

VŨ NGỌC GIAO

;
;
.
.
.
.
.