Nữ sinh chinh phục IELTS 8.0 và 3 suất học bổng toàn phần

.

Việc giành được học bổng toàn phần vào 3 trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước sau một năm “gap year” mang lại niềm vui cho gia đình của Nguyễn Thị Như Thắm (cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn). Với Thắm, đó là thành quả của một quá trình đam mê và hứng thú trong từng bài học, từng chặng đường đi.

Nguyễn Thị Như Thắm xuất sắc giành 3 suất học bổng sau 1 năm “gap year”. Ảnh: T.L
Nguyễn Thị Như Thắm xuất sắc giành 3 suất học bổng sau 1 năm “gap year”. Ảnh: T.L

Chuyện “gap year” (khoảng thời gian tạm nghỉ học để làm những kế hoạch đặc biệt khác) đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THPT không còn là chuyện hiếm. Với Nguyễn Thị Như Thắm (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), việc chọn đường đi như thế là một hành trình “lạ”. Thắm là học sinh chuyên Văn nhưng lại chọn nghề Thiết kế đồ họa để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt suốt 1 năm và chọn ngành Quản trị kinh doanh để theo học đại học.

Học tiếng Anh như một cách thư giãn

Sinh ra trong gia đình ba mẹ là công nhân và nông dân, việc học hành và lựa chọn tương lai phần lớn do tự Thắm quyết định. Thắm kể, từ nhà ở xã Hòa Châu về trung tâm thành phố chỉ 18km nhưng việc nhập học ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là cả một hành trình, ban đầu là sự bỡ ngỡ, một chút “sốc” khi tiếp cận môi trường mới cho đến sự thay đổi để hòa nhập.

“Với số điểm đầu vào khá tốt và vốn từ vựng, ngữ pháp vững chắc, ban đầu, em cảm thấy khá tự tin về trình độ tiếng Anh của mình. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các bạn cùng trường, em nhận ra mình thua kém các bạn rất nhiều, đặc biệt là các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Từ đó, em thấy mình cần nỗ lực nhiều hơn”. Tuy nhiên, không vì thế mà Thắm quá áp lực. Thắm chọn học tiếng Anh như một cách thư giãn. “Em nghĩ, nếu học tiếng Anh theo sách vở sẽ rất khô khan, trong khi em có sẵn vốn từ vựng và ngữ pháp nên em chọn cách học từ thực tiễn, như nghe các video trên YouTube, đọc báo, rủ các bạn cùng nói tiếng Anh… Điều giúp em học hiệu quả là em yêu thích và đam mê tiếng Anh. Phần khác, em chọn đọc, nghe, nói những vấn đề hứng thú như: thiên văn, các nhân vật lịch sử, các sự kiện xảy ra trên thế giới…”, Thắm chia sẻ.

Nhiều khi Thắm dành cả ngày chỉ để đọc và nghe, nói, viết tiếng Anh. Khi học, Thắm không đặt nặng mục tiêu điểm số. Trước kỳ thi, Thắm cũng học chứ không “luyện đề” nhiều. Trước kỳ thi khoảng 10 ngày, Thắm chỉ kiểm tra lại cấu trúc đề thi để làm quen với các dạng bài và học các kỹ năng trong phòng thi. Sau 3 năm THPT, Thắm thông thạo tiếng Anh, đạt mức điểm ấn tượng với IELTS 8.0, SAT (Scholastic Assessment Test: bài thi bắt buộc đối với tất cả các sinh viên dự tuyển vào cao đẳng hoặc đại học ở Mỹ) đạt 1500/1600, SAT 2 Toán 1 và 2 đều đạt mức điểm tối đa 800/800.

Tận hưởng quá trình học với sự hứng thú

Điều đáng ngạc nhiên ở Thắm là niềm yêu thích thiết kế đồ họa. Cô nữ sinh chuyên Văn này cho biết, những năm học THCS đã nghe đến thiết kế đồ họa nhưng đến lớp 10, khi được một người bác tặng một chiếc laptop, Thắm mới có dịp tìm hiểu. Đến cuối năm lớp 11, Thắm có thể tự kiếm tiền từ thiết kế đồ họa. Với việc vừa làm gia sư tiếng Anh, vừa thiết kế đồ họa cho các dự án, Thắm có tiền trang trải chi phí trong 1 năm “gap year” chờ tìm học bổng.

Việc chỉ đăng ký thi tốt nghiệp để tìm một môi trường đại học phù hợp với Thắm là một quyết định khó khăn. Với vốn tiếng Anh tốt, bài luận thể hiện trong hồ sơ thuyết phục được hội đồng tuyển sinh, đầu tháng 2-2021, Thắm nhận được học bổng 100% từ Đại học VinUni (Hà Nội) với khoảng 3,2 tỷ đồng cho 4 năm học ngành Quản trị kinh doanh.

Tháng 4-2021, Thắm được Đại học Berea (Mỹ) trao học bổng toàn phần và Đại học Carnegie Mellon - trụ sở tại Qatar cấp học bổng toàn phần với khoảng 6,7 tỷ đồng cho 4 năm học. Đắn đo, cân nhắc, Thắm chọn theo học ở Đại học VinUni. Theo Thắm, môi trường đại học trong hay ngoài nước không quan trọng bằng việc bản thân mình cảm thấy phù hợp với môi trường nào hơn.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm học tập, Thắm nói: “Em nghĩ học là phải thật sự có hứng thú, không áp lực và nên tận hưởng quá trình học hơn là việc chỉ lo lắng về kết quả mình sẽ đạt được. Làm được hai điều đó, việc học sẽ trở nên dễ dàng và thú vị hơn”.

THIÊN LAM

;
;
.
.
.
.
.