Đông Nam Á lo gánh nặng nợ công vì Covid-19

.

Những khoản chi ngân sách khổng lồ cho chống dịch cũng như hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 đang có nguy cơ trở thành gánh nợ kéo dài cho nhiều thế hệ sau ở Đông Nam Á.

 Một phụ nữ làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí tại Bangkok, Thái Lan ngày 10-7-2021. Ảnh: Reuters
Một phụ nữ làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí tại Bangkok, Thái Lan ngày 10-7-2021. Ảnh: Reuters

Đại dịch Covid-19 gây tổn thất nặng nề lên kinh tế nhiều nước. Trong quý 4-2020, nợ công của các chính phủ trên toàn cầu bằng 105% GDP toàn cầu, cao hơn 88% của năm 2019. Đây cũng là mức cao nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. Tại Đông Nam Á, các chuyên gia cảnh báo, dù những nước có tiềm lực kinh tế như Singapore có thể “chịu được nhiệt”, nhưng những quốc gia như Philippines và Indonesia sẽ đối mặt với sức ép nợ công rất lớn và trách nhiệm trả nợ sẽ đè nặng lên vai các thế hệ trẻ.

Bơm tiền cứu trợ nền kinh tế

Tháng 5-2021, khi Singapore siết chặt các biện pháp phòng dịch trong 4 tuần, chính phủ đã phải chi 800 triệu SGD (591 USD) cho các chương trình cứu trợ, giảm nhẹ tác động. Số tiền này dành để giúp doanh nghiệp, trong đó có các phòng tập thể thao, các tổ chức biểu diễn nghệ thuật và hàng quán ăn, có thể “sống sót” trong một tháng đó.

Ở bên kia biên giới, cuối tháng 6-2021, Malaysia công bố gói cứu trợ 150 tỷ ringgit (36,2 tỷ USD) bao gồm hỗ trợ tiền mặt và trợ cấp lương sau khi kéo dài vô thời hạn lệnh phong tỏa toàn quốc.
Đáng lo hơn khi tại Đông Nam Á - nơi hầu hết các nước đang đối phó với những đợt bùng dịch mới vì biến thể Delta (phát hiện lần đầu tại Ấn Độ), những gói cứu trợ khổng lồ xuất hiện nhiều hơn. Cứ mỗi đợt bùng dịch mới, các chính phủ lại phải áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn và sau đó bơm những gói cứu trợ nền kinh tế. Nhiều lo ngại rằng nếu chi vượt thu quá lâu, gánh nặng tài chính do Covid-19 gây ra sẽ ngày một phồng to.

Nỗi lo này càng lớn hơn khi dịch vẫn đang bùng lên tại Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines…, trong khi tiến độ triển khai tiêm phòng vắc-xin đình trệ ở nhiều nơi. Số liệu của tổ chức nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU) cho thấy, nợ công của Philippines đã tăng từ khoảng 40% (so với GDP nước này) năm 2019 lên 55% trong năm 2020. Tại Thái Lan, tỷ lệ nợ công đã tăng lên 52% so với GDP.

Dù vậy, mỗi nước có cách xử lý khác nhau. Chẳng hạn, theo bà Fung Siu - nhà kinh tế học chính chuyên về châu Á tại EIU, Singapore có thể mau chóng sử dụng các khoản ngân sách dự trữ khổng lồ vì quốc gia này theo đuổi chính sách tài khóa chu kỳ ngược, nghĩa là quốc đảo sư tử giảm chi tiêu ngân sách trong những giai đoạn bùng nổ kinh tế và tăng chi tiêu trong những lúc suy thoái. “Các chính phủ khác không theo chính sách này”, bà Fung Siu nói. “Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã chi nhiều hơn tiềm lực tài chính của họ để cố gắng duy trì các mục tiêu phát triển khác nhau, điều này có nghĩa họ không còn tiền để dành cho những ngày túng thiếu nữa”. Singapore vẫn là trường hợp gần như duy nhất trong khu vực có được nguồn lực tài chính đủ mạnh mẽ để vượt qua cú sốc Covid-19 mà không bị ám ảnh nợ nần.

Vắc-xin là trọng tâm

Ông Paul Kent, nhà kinh tế học và là một thành viên đối tác tại Công ty KPMG Singapore (Singapore) chỉ ra thực tế một số nước Đông Nam Á thậm chí đã cõng gánh nặng nợ công từ trước Covid-19. “Đây chắc chắn là điều đáng lo vì các biện pháp hỗ trợ trong Covid-19 do chính phủ chi trả sẽ tiếp tục làm căng thẳng hơn tỷ lệ nợ công so với GDP, và điều này tiếp tục hạn chế khả năng của họ trong việc chi trả các dự án tương lai hay những biện pháp hỗ trợ trong các thời kỳ khủng hoảng”, ông Paul Kent cảnh báo, đồng thời cho rằng nợ công lớn sẽ đẩy một đất nước vào tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài, ảnh hưởng tới độ mạnh của đồng tiền cũng như việc làm.

Câu hỏi đặt ra là liệu các chính phủ có thể “chịu trận” bao lâu nữa trong việc duy trì các gói kích thích tài chính như vậy? Bà Fung cho rằng tùy thuộc vào tình hình mỗi nước. Hơn nữa, tốc độ phục hồi của các nền kinh tế cũng có thể phụ thuộc vào tình trạng nhân khẩu học. Tại những nước có dân số trong độ tuổi lao động và nộp thuế cao, việc thanh toán nợ công có lẽ không quá vất vả.
Để thoát khỏi đại dịch, các nước đang tập trung cho chiến lược tiêm vắc-xin. Quan điểm này cũng được

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đề cập trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CNBC mới đây. “Chính sách vắc-xin năm nay, có thể năm tới, sẽ là chính sách kinh tế quan trọng nhất; nó có thể đánh bại ngay cả các chính sách tài chính và tiền tệ về mức độ quan trọng”, bà Kristalina Georgieva nói.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo SCMP, CNBC)

;
;
.
.
.
.
.