Tuần qua, các quan chức đại diện 130 quốc gia đã nhất trí với những thay đổi mang tính lịch sử với hệ thống thuế toàn cầu nhằm ngăn các công ty lớn chuyển lợi nhuận tránh hoặc trốn thuế.
Một nhân viên hoàn tất đơn hàng của Amazon tại thành phố Swansea, xứ Wales, Vương quốc Anh. Ảnh: Getty Images |
Những nguyên tắc mới đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty đa quốc gia. Kèm theo đó là các thay đổi quy định các công ty này phải nộp thuế tại những nước họ có bán hàng hóa, dịch vụ, ngay cả khi không có sự hiện diện vật lý - tức không đặt văn phòng giao dịch - tại đó.
Ba trở ngại lớn
Mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% với doanh nghiệp nước ngoài do Mỹ đề xuất đã nhận được sự ủng hộ của 130 quốc gia. Đây được xem là bước tiến thuận lợi và cụ thể nhất, thúc đẩy bước quan trọng tiếp theo là sự đồng thuận của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong cuộc họp tại Rome (Ý) vào tháng 10 tới.
Tuy nhiên, giới quan sát đã chỉ ra những trở ngại rất lớn, không dễ vượt qua để hiện thực hóa cuộc cách mạng về thuế này.
Thứ nhất, tại Liên minh châu Âu (EU), để thay đổi luật thuế, Brussels cần sự đồng thuận của toàn bộ 27 nước thành viên. Hiện Ireland - thành viên EU - phản đối đề xuất. Với mức thuế doanh nghiệp 12,5% được áp dụng từ năm 2003, Ireland là nơi đặt trụ sở của rất nhiều hãng công nghệ Mỹ như Apple, Google, Facebook và Microsoft. Ngoài Ireland, các thành viên khác của EU là Hungary, Cộng hòa Cyprus và Estonia cũng từ chối tham gia thỏa thuận.
Thứ hai, trở ngại đến từ chính quốc gia đề xuất là Mỹ. Dù thỏa thuận thuế mới được đánh giá là một thắng lợi của Tổng thống Mỹ Joe Biden và được kỳ vọng giúp giải quyết những xung đột giữa hai bờ Đại Tây Dương trong việc đánh thuế các hãng công nghệ lớn, nhưng nội bộ Quốc hội Mỹ lại chia rẽ.
Những đề xuất thay đổi thuế của ông Biden cần nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ của Thượng viện. Trong khi đó, cơ quan lập pháp này đang ở thế chia đôi số ghế giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đã có những tín hiệu cho thấy đảng Cộng hòa kiên quyết phản đối đề xuất.
Trở ngại lớn thứ ba nằm ở các loại thuế áp với những dịch vụ số hóa mà các nước (bao gồm Anh, Pháp, Ý) đang áp lên công ty Mỹ. Các loại thuế này được áp dụng trong bối cảnh những nước đó quá bực bội và sốt ruột với tiến độ ì ạch của đàm phán quốc tế nhằm thay đổi hệ thống thuế toàn cầu. Ngày càng nhiều nước, trong đó có các nước châu Âu, yêu cầu các hãng công nghệ Mỹ phải nộp thêm tiền thuế tại những nước có khách hàng của họ, dù không đặt trụ sở giao dịch.
Về lý thuyết, hầu hết các nước đó đồng ý hủy bỏ những mức thuế này nếu có thể đạt được thỏa thuận mới về mức thuế toàn cầu tối thiểu. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn có tâm thế chờ xem liệu thỏa thuận có được phê chuẩn ở Brussels và Washington hay không, trước khi chính thức xóa bỏ những mức thuế hiện có với các gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Chiến thắng cho Thung lũng Silicon
Thông tin về việc 130 nước đạt thỏa thuận bước đầu về mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu được xem là tin vui cho các ông lớn công nghệ Mỹ. Nếu điều này được thực hiện, các công ty đó sẽ tránh được việc bị áp thuế theo từng nước. Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu của các hãng công nghệ này đều tăng. Cụ thể, Microsoft tăng 2,2%, Apple tăng 2%, Facebook tăng 0,1% và Intel tăng 1,3%. Chỉ số chứng khoán Nasdaq Composite cũng tăng 0,8%.
Thỏa thuận thuế tối thiểu rõ ràng không những tác động đến các hãng công nghệ lớn của Mỹ, mà còn với các công ty của Trung Quốc, Pháp, Đức, dù ban đầu sẽ chỉ áp dụng với các công ty có lợi nhuận lớn với doanh thu từ hơn 20 tỷ USD/năm trở lên. Đó thực sự là cuộc cách mạng về thuế khi nó khiến các “mô hình tránh thuế” được cung cấp tại các nước như Luxembourg, Ireland, Hà Lan, hay nhiều “thiên đường thuế” tại Caribe và quần đảo Anh trở nên kém hấp dẫn hơn.
Những ngoại lệ của thỏa thuận Bất kể được ca ngợi là một trong những thay đổi lịch sử về thuế trong 100 năm, thỏa thuận thuế tối thiểu vẫn có những ngoại lệ. Các ngân hàng lớn và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính lớn được miễn trừ. Ngành công nghiệp dầu mỏ cũng được miễn trừ. Đây được cho là kết quả vận động hành lang của các nước như Saudi Arabia, Nga và các tập đoàn dầu khí đa quốc gia như Exxon (Mỹ). Bên cạnh đó, cũng có những nguyên tắc cụ thể riêng cho các nước nhỏ hơn, những nước từng là “thiên đường thuế”. |
TRẦN ĐẮC LUÂN (theo AFR, Barrons, DW)