Nhiều nước muốn làm mưa nhân tạo

.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều nơi đối mặt với hạn hán kéo dài, làm đảo lộn nghiêm trọng thời vụ cũng như cuộc sống của người dân. Giờ đây, “thay trời làm mưa” không còn là chuyện chỉ có trong phim Tây Du Ký hay phim khoa học viễn tưởng nữa.

Ưu điểm của máy bay không người lái làm mưa nhân tạo Ganlin-1 là sức chứa lớn và khả năng vận hành trên 14 giờ với tầm bay rộng. Ảnh: Tân Hoa Xã/Sohu
Ưu điểm của máy bay không người lái làm mưa nhân tạo Ganlin-1 là sức chứa lớn và khả năng vận hành trên 14 giờ với tầm bay rộng. Ảnh: Tân Hoa Xã/Sohu

Mới đây nhất, ngày 19-7, giữa lúc nền nhiệt ngoài trời tăng vọt lên gần 50 độ C trong khu vực, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) công bố video ghi lại cảnh trận mưa lớn được tạo ra bằng công nghệ dùng máy bay không người lái (drone) làm mưa nhân tạo của nước này. Theo báo USA Today, UAE - nơi có lượng mưa trung bình hằng năm chỉ khoảng 4 inch (101,6mm) - là một trong những nước vùng Vịnh đầu tiên dùng công nghệ sử dụng drone phóng điện vào đám mây để giải nhiệt trong nắng nóng kéo dài. Báo The Independent (Anh) cho hay, năm 2017, UAE đã đầu tư 15 triệu USD cho 9 dự án làm mưa nhân tạo khác nhau trong nước. Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Khí tượng quốc gia UAE đã tiến hành 21 lần gây mưa nhân tạo.

Trung Quốc muốn dẫn đầu

UAE cùng nhiều nền kinh tế lớn và đang lên khác như Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan và đặc biệt là Trung Quốc, hiện chủ động tìm kiếm giải pháp “hô phong hoán vũ”, xoay chuyển thời tiết trong bối cảnh hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác đang ngày càng phổ biến hơn vì biến đổi khí hậu.

Tháng 1 năm nay, Trung Quốc cho vận hành lần đầu (và đã thành công) chiếc drone điều chỉnh thời tiết đầu tiên của nước này có tên Ganlin-1 (có nghĩa “Mưa ngọt”). Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, chiếc máy bay không người lái Ganlin-1 có thể hoạt động hiệu quả hơn cả những chiếc máy bay có người lái mà Trung Quốc từng sử dụng trước đây và cũng có giá rẻ hơn.

Ganlin-1 là một phần trong kế hoạch chỉnh sửa thời tiết nhiều tham vọng của Trung Quốc được công bố vào cuối năm ngoái. Khi ấy, theo tuần báo Nikkei Asia, Trung Quốc đặt mục tiêu có thể làm mưa trên diện tích 5,5 triệu km2 trong dự án phát triển công nghệ làm mưa nhân tạo đến năm 2025. Đây cũng là một trong những dự án lớn nhất dạng này trong lịch sử Trung Quốc. Chưa hết, quốc gia đông dân nhất thế giới cũng kỳ vọng tới năm 2035 sẽ trở thành nước dẫn đầu lĩnh vực “thay trời làm mưa”.

Nhiều nước chú trọng

Trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng phổ biến và gây tổn thất kinh tế nặng nề, không ngạc nhiên khi công nghệ làm mưa nhân tạo được nhiều nước quan tâm hơn.

Ở Thái Lan hiện có riêng một cơ quan lo phát triển công nghệ làm mưa nhân tạo có tên Sở Làm mưa Hoàng gia và Hàng không Nông nghiệp (Department of Royal Rainmaking and Agricultural Aviation). Thái Lan coi điều chỉnh thời tiết là một mục tiêu ưu tiên nên đã tăng đầu tư ngân sách cho lĩnh vực này thêm 30% trong 5 năm qua.

Không những thế, chính phủ Thái Lan có kế hoạch mở thêm 7 trung tâm làm mưa nhân tạo trong năm 2022, coi đây là một bước hướng tới mục tiêu xóa bỏ tình trạng thiếu nước ở 98% các khu vực của nước này thường bị ảnh hưởng hạn hán vào năm 2037. Hồi tháng 3-2021, Thái Lan cũng công bố bản hợp đồng 3 năm với Indonesia trong việc chia sẻ kinh nghiệm điều chỉnh thời tiết và thúc đẩy các nghiên cứu tiếp theo. Một năm trước, chính phủ Indonesia triển khai chương trình ứng dụng công nghệ điều chỉnh thời tiết (TMC) nhằm tạo mưa nhân tạo trong nỗ lực ngăn chặn cháy rừng tại tỉnh Riau lúc đó đang bước vào mùa khô.

Khoa học và công nghệ điều chỉnh thời tiết là lĩnh vực đã có tuổi đời vài thập niên, có thể tính từ sau Thế chiến thứ hai khi Mỹ phát triển công nghệ làm mưa nhân tạo. Theo Tổ chức Khí tượng học Thế giới, đến năm 2017, hơn 50 quốc gia đã có các chương trình kiểm soát thời tiết. Các thành tựu tiến bộ công nghệ mới như drone đã giúp tăng tốc lĩnh vực này nhiều hơn trong thời gian qua.

Nhu cầu làm mưa nhân tạo cũng đang cấp bách hơn khi giai đoạn từ những năm 1970-1980, số thiên tai xảy ra mỗi năm đã tăng gấp 3 lần. Thiệt hại kinh tế từ thiên tai trong 10 năm qua trung bình mỗi năm khoảng 170 tỷ USD tại các nước ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.

Hiện tại, công nghệ làm mưa nhân tạo nhìn chung vẫn chưa chịu sự kiểm soát, hạn chế nào của hệ thống luật lệ quốc tế. Dù vậy, cũng đã có một số quan điểm lo ngại về các tác dụng phụ của nó với thời tiết và nguy cơ gây tổn hại môi trường nếu bị lạm dụng.

TRẦN ĐẮC LUÂN
(Theo Nikkei Asia, The Independent, USA Today)

;
;
.
.
.
.
.