Những "chiến binh" thầm lặng...

.

Tất bật với công việc mua sắm cho cả tổ dân phố, ông Phạm Công Lương (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) chốc chốc nhắc tôi: “Để chú đi mua sữa đã nha. Có người nhắn tin rồi cháu!”. Cuộc chuyện trò giữa tôi và ông Lương lại ngắt quãng khi những người trong tổ dân phố 49 nhờ ông đi mua thực phẩm và thuốc men.

Ban điều hành tổ dân phố 17, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) phân chia thực phẩm cho các hộ dân. Ảnh: Đ.H.L
Ban điều hành tổ dân phố 17, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) phân chia thực phẩm cho các hộ dân. Ảnh: Đ.H.L

Theo Công văn số 5260/UBND-KGVX ngày 15-8-2021 của UBND thành phố triển khai Quyết định số 2788/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung các biện pháp cấp bách để phòng, chống Covid-19, việc mua sắm, phân phối thực phẩm cho người dân được thành phố giao cho Ban điều hành khu dân cư, tổ dân phố với lực lượng cốt cán và cấp ủy chi bộ khu dân cư, tổ trưởng tổ dân phố. Đây là trách nhiệm khá nặng nề bởi họ phải gánh vác khối lượng công việc không hề nhỏ khi đi chợ mua sắm thực phẩm hằng ngày cho hàng chục hộ dân, họ còn là những người gương mẫu, luôn hỗ trợ tích cực cho địa phương trong công tác phòng, chống Covid-19.

Làm tổ trưởng bất đắc dĩ

Chi bộ Bình Phước 1 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) có hai tổ dân phố 48 và 49. Kể từ khi tổ dân phố 49 trở thành vùng cách ly y tế, ông Phạm Công Lương, Bí thư Chi bộ Bình Phước 1 trở thành “tổ trưởng bất đắc dĩ”. Việc đi chợ cho hơn 60 hộ dân thực sự vất vả đối với một người đàn ông ở tuổi 66 như ông Lương. “Chưa đi chợ bao giờ, bỗng dưng tôi phải đi chợ cho 62 nóc nhà. Mình không quen như các bà, hàng hóa lại lúc có lúc không. Không chỉ mua thức ăn, mà còn mua thuốc kịp thời cho dân, từ các loại thuốc dành cho bệnh cảm cúm, đau bụng đến các loại thuốc cho bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp... Ai cũng cần có ngay cả”, ông Lương bộc bạch.

Không chỉ tổ trưởng mà tổ phó các tổ dân phố cũng chung tay gánh vác công việc mua sắm, chăm lo bữa ăn đầy đủ hằng ngày cho người dân tổ mình. Ông Trương Công Tín, Tổ phó tổ dân phố 17, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) cho biết, ngoài các hộ dân địa phương, tổ dân phố 17 còn có hơn 75 phòng trọ với gần 200 người dân thuê trọ, trong đó chủ yếu là công nhân nên việc đi chợ khá vất vả. “Ba ngày đi chợ một lần, cộng thêm việc đi nhận cứu trợ gạo, mì ăn liền, nhu yếu phẩm, rau củ quả. Chúng tôi giúp dân mua thực phẩm tại các siêu thị Vinmart, Hai Thuyên và gian hàng của Công an thành phố. Đỡ cái là không phải ai cũng đăng ký vào một lần, hơn nữa trước đó, họ cũng đã chuẩn bị sẵn một ít. Tổ còn được các mạnh thường quân hỗ trợ rau củ quả 6 lần nên người dân hạn chế mua thực phẩm trong mấy ngày đầu. Vợ tôi cũng được huy động tham gia giúp tổ nên tôi đỡ vất vả hơn chút”, ông Trương Công Tín giải thích.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân (trái), Tổ trưởng tổ dân phố 38 Nại Hưng 1A, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà chia và phân phát bánh mì cho các hộ dân trong tổ. Ảnh: HOÀNG YẾN
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân (trái), Tổ trưởng tổ dân phố 38 Nại Hưng 1A, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà chia và phân phát bánh mì cho các hộ dân trong tổ. Ảnh: HOÀNG YẾN

Zalo thành “sàn giao dịch thực phẩm”

Cũng như bao gia đình trong tổ dân phố 33, phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu), gia đình tôi được tổ trưởng tổ đưa vào nhóm Zalo của tổ từ ngày đại dịch Covid-19 xảy ra. Tất cả các công văn, chỉ thị mới của UBND thành phố; thông báo của quận, phường đều được tổ trưởng cập nhật liên tục đến toàn thể hộ dân. Đặc biệt, khi thành phố thực hiện “ai ở đâu thì ở đó” theo Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14-8-2021 của UBND thành phố thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng chống dịch, nhóm Zalo bắt đầu sôi động và Ban điều hành tổ dân phố hoạt động hết công suất để nhận đơn đặt hàng thực phẩm của người dân. Nhóm Zalo của tổ trở thành “sàn giao dịch thực phẩm” hiệu quả. Để thuận tiện cho việc mua sắm và điều hành công việc chung, Ban điều hành tổ dân phố 33 lập thêm một nhóm riêng chỉ để cung ứng thực phẩm.

Là một tình nguyện viên trong tổ phụ trách lương thực, thực phẩm của tổ dân phố 38 Nại Hưng 1A, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), chị Nguyễn Thị Yến hằng ngày chứng kiến công việc vất vả của tổ trưởng Nguyễn Thị Thanh Vân. Chị Yến cho biết: “Nói về tổ trưởng tổ dân phố, đúng là lúc này - khi mọi đầu mối lương thực thực phẩm cần sự hỗ trợ của tổ trưởng thì nhiều người mới biết tầm quan trọng của tổ dân phố.Tổ trưởng tổ dân phố hầu hết là những người vác tù và hàng tổng. Phụ cấp không bao nhiêu, họ làm chủ yếu vì trách nhiệm cộng đồng”.

Dù đã có tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Vân, luôn cập nhật công nghệ và huy động được sức trẻ cũng như các mối quan hệ của bà con trong tổ vào công việc chung. “Cô Vân chia tổ thành từng nhóm nhỏ riêng theo mỗi tầng khu chung cư. Khi cần đi chợ, người dân chỉ việc gửi đơn cho trưởng nhóm phụ trách tầng mình. Các trưởng nhóm phụ trách tổng hợp đơn rồi gửi cho Tổ hậu cần đi chợ. Nhờ vậy, cô có thời gian điều hành công việc trong tổ, tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân gửi lên cấp trên và tìm chỗ đặt hàng nếu thiếu”, chị Nguyễn Thị Yên chia sẻ.

Xông pha hết mình ở cơ sở

Không chỉ mua sắm thực phẩm hằng ngày cho người dân, các tổ trưởng còn tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phòng, chống Covid-19. Họ thường xuyên nhắc nhở các hộ đi xét nghiệm đúng giờ. Mỗi lần đến ngày lấy mẫu xét nghiệm của tổ, tổ trưởng luôn đi sớm để phối hợp với đội y tế nắm bắt sỉ số và hướng dẫn bà con tuân thủ quy định phòng, chống dịch và chỉ yên tâm ra về khi tất cả người dân trong tổ lấy mẫu xét nghiệm xong. Đặc biệt, vào những ngày tình hình dịch bệnh tăng cao, có hiện tượng lây nhiễm chéo trong cộng đồng tại các kiệt, hẻm, tổ trưởng lại tăng cường tuyên truyền, vận động bà con ở yên trong nhà, không được ra ngõ tập thể dục hay tụ tập chuyện trò.

Trước đây, tổ dân phố chỉ khoảng 30 hộ dân, nhưng sau khi sáp nhập theo Nghị quyết số 108/NQ-HĐND ngày 7-7-2017 của HĐND thành phố, số hộ dân trong tổ tăng gấp đôi. Điều này cũng đồng nghĩa tăng thêm gánh nặng công việc cho tổ trưởng. Hầu hết các tổ trưởng đều lớn tuổi, sức khỏe yếu, nhiều người có bệnh nền nên càng nguy hiểm hơn trong mùa dịch. Dù vậy, họ vẫn luôn xông pha hết mình cho công việc chung.

Các tổ trưởng tổ dân phố tuy không ở tuyến đầu chống dịch nhưng họ là hậu phương quan trọng bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đầy cam go, thử thách và quyết liệt, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Họ chính là những “chiến binh” thầm lặng đóng góp công sức rất lớn vào sự thành công chung của địa phương trong việc đẩy lùi Covid-19.

Không khoán trắng cho tổ dân phố
Để giảm áp lực cho tổ dân phố trong quá trình thực hiện Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14-8-2021, trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của thành phố ngày 15-8, Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu các địa phương “không được khoán trắng cho tổ dân phố”, mà phải tăng cường lực lượng cho tổ dân phố từ các tổ chức Đảng, hội đoàn thể, Công an, cán bộ, công chức, viên chức đương chức tại địa phương. Tất cả đều hướng đến mục tiêu bảo đảm tốt việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về phòng, chống dịch tại địa bàn khu dân cư.
Sau khi sáp nhập lại từ 5.870 tổ dân phố và thôn theo Nghị quyết số 108/NQ-HĐND ngày 7-7-2017 của HĐND thành phố, Đà Nẵng hiện có khoảng 2.760 tổ dân phố. Trong đó, mỗi tổ có từ 60-80 hộ dân, 1 tổ trưởng và 1 tổ phó với mức phụ cấp lần lượt là 0,5 và 0,3 lần mức lương tối thiểu theo quy định.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.