Trung Quốc tiên phong kiểm soát học thêm

.

Mới đây, chính phủ Trung Quốc chính thức có động thái mạnh mẽ nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát học thêm đã tồn tại quá lâu nhằm tạo ra một xã hội công bằng hơn, giảm bớt áp lực kinh tế trong việc nuôi dạy con cái của nhiều gia đình.

Các học sinh phổ thông trung học tại thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đang ôn thi tại một trung tâm để chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học. (Ảnh tư liệu của EPA-EFE (chụp tháng 5-2018)
Các học sinh phổ thông trung học tại thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đang ôn thi tại một trung tâm để chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học. Ảnh tư liệu của EPA-EFE (chụp tháng 5-2018)

Các phụ huynh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục luôn dẫn đầu xu thế sẵn sàng dồn hết tiền bạc cho việc học của con. Nhưng các chính sách kiểm soát dạy thêm, học thêm được công bố hồi tháng trước của Trung Quốc đang trở thành vấn đề được dư luận châu Á rất quan tâm, nhất là những nước có hoạt động dạy thêm, học thêm sôi nổi không kém. Hãng nghiên cứu thị trường Global Industry Analysts cho biết, năm 2020, thị trường học thêm toàn thế giới chạm mốc giá trị 196,3 tỷ USD, trong đó một tỷ lệ lớn tập trung tại châu Á.

Động thái của Trung Quốc

Tháng trước, chính phủ Trung Quốc tuyên bố mọi hoạt động dạy thêm có lợi nhuận các môn học chính (Toán, Văn, Ngoại ngữ…) sẽ bị cấm dạy trong các ngày cuối tuần và kỳ nghỉ tại nhiều khu vực của nước này. Bắc Kinh cũng cấm các thầy cô gia sư mở lớp học trực tuyến hay học trực tiếp tại các điểm chưa đăng ký như tại nhà hay những nơi công cộng. Chính quyền nêu rõ mọi cơ sở cung cấp dịch vụ dạy thêm sẽ phải đăng ký hoạt động là các tổ chức phi lợi nhuận.

Lệnh cấm này được nhận định sẽ có tác động rất lớn tới ngành công nghiệp dạy thêm, học thêm trị giá khoảng 38 tỷ USD của Trung Quốc. Song, nó cũng sẽ giúp giảm áp lực với phụ huynh và học sinh trong một nền giáo dục bị cho là quá nặng nề sức ép cạnh tranh. Ngoài mục tiêu tạo dựng xã hội công bằng, chính quyền Trung Quốc cũng hy vọng chính sách cấm học thêm sẽ giảm chi phí nuôi dạy, khuyến khích các gia đình có thêm con để cải thiện tỷ suất sinh đang ngày càng giảm của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trước động thái của Trung Quốc, giới quan sát băn khoăn không biết những quốc gia châu Á khác vốn có truyền thống hiếu học và có thị trường học thêm phát triển tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam... có bị tác động không.

Thực tế, dù phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia phân tích đều đồng ý sức ép học hành với người trẻ hiện nay đôi khi quá mức, nhưng các bậc cha mẹ luôn khao khát con mình lúc nào cũng phải vượt lên dẫn trước. Ông Kelvin

Seah - giảng viên cao cấp về kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore - cho rằng mặc dù việc dạy thêm vẫn là cách giúp các học sinh yếu kém củng cố, cải thiện kiến thức các môn học, nhưng nhiều học sinh giỏi cũng coi học thêm là phương thức giúp họ “duy trì lợi thế vượt trội hơn so với bạn cùng lứa”. “Nhiều phụ huynh của các học sinh giỏi coi những lớp học nâng cao là cách giúp con họ tiếp tục vượt trội hơn bạn bè. Căn cứ vào thực tế thu nhập của các hộ gia đình đang tăng dần theo thời gian, phụ huynh cũng ngày càng dồn nhiều tiền của hơn cho các lớp học nâng cao kiểu như vậy”, ông Seah nói.

Không dễ thay đổi

Nhiều năm qua, bất kể nỗ lực của chính phủ nhiều nước châu Á trong việc kiểm soát việc dạy thêm, học thêm, dường như tiến bộ đạt được không đáng kể. Trớ trêu ở chỗ, lực lượng phản kháng mạnh nhất với chính sách cấm dạy thêm, học thêm chính là các phụ huynh. Phản ứng mạnh nhất đến từ những bậc cha mẹ chọn có ít con hơn và đầu tư nhiều tiền của hơn cho con cái họ. Đã có những nước triển khai lệnh cấm dạy thêm, học thêm trước Trung Quốc, nhưng hiệu quả không như kỳ vọng, ví dụ điển hình nhất là Hàn Quốc.

Tại Hàn Quốc, năm 1980, chính phủ ban hành lệnh cấm quy mô lớn với hoạt động dạy thêm, học thêm. Các em bị cấm đăng ký học tại các lò luyện thi chật cứng người. Chính sách đó nhằm tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục và giảm tải gánh nặng tài chính cho các phụ huynh. Song, trước lệnh cấm của chính phủ, nhiều hoạt động dạy thêm, học thêm không biến mất mà đi vào “bí mật”. Không những thế, học phí khi đó cũng tăng thêm vì việc dạy thêm, học thêm sẽ rủi ro hơn nếu bị chính quyền phát hiện.

Năm 1998, với động cơ tương tự, Seoul cấm các trường mở lớp dạy sau giờ học chính khóa. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế gửi con ra nước ngoài, đặc biệt tới Mỹ, để tiếp tục sự nghiệp học hành theo nhu cầu riêng của gia đình.

Đến năm 2000, lệnh cấm các lò luyện thi từng được áp dụng năm 1998 tại Hàn Quốc đã bị Tòa án Hiến pháp - tòa cấp cao nhất của Hàn Quốc - bãi bỏ với lý do “vi phạm các quyền cơ bản của con người được cho con cái họ”. Đó cũng là lý do vì sao bà Daniella Jeong, người điều hành cơ sở giáo dục tư nhân lớn tại ngoại ô thủ đô Seoul cho rằng, bà nghi ngờ các quy định cấm dạy thêm, học thêm của Trung Quốc công bố tháng trước sẽ phát huy hiệu quả trên thực tế.

DƯƠNG KIM THOA (theo SCMP)

;
;
.
.
.
.
.