Từ nay sẽ vui

.

Xóm gì vắng tanh và buồn rũ. Hai con chó Nhàn nuôi nằm gối đầu lên chân ngủ vùi. Chúng ngủ từ ngày qua đêm rồi từ đêm vắt qua ngày, chỉ khi có con chuột nào sục sạo trong vườn, chúng mới chồm dậy.

Xóm quen đến nỗi ​​không có mùi lạ cho chúng bật lên tiếng sủa.

Nhàn làm thợ may, công việc buồn tẻ và nhàm chán, mấy đứa con gái trong xóm hồi đó học cùng, đứa bỏ nghề, đứa lên thành phố làm công nhân may, chỉ có Nhàn ở lại. Nhàn cũng muốn đi nhưng mẹ nằm đó ai lo. Không nghe tiếng Nhàn, mẹ sẽ vật vã. Mẹ lúc nhớ, lúc quên, nhưng trong tim mẹ luôn có Nhàn, tim mẹ luôn nhớ Nhàn là máu mủ từ mẹ tách ra. Nhàn nghe ai đó nói, trái tim luôn có những lý lẽ rất riêng.

Đầu năm, nhỏ Linh cưới chồng. Lúc nó cưới, mấy dì, mấy thím cứ hỏi khi nào tới lượt con, Nhàn cúi giả bộ cắn hạt dưa. Hồi đó, chỉ Tết mới có hạt dưa cắn cho vui, nay mùa nào cũng có. Xóm vắng, những con chó cả ngày không sủa, bao giờ Nhàn mới có chồng?

Mỗi ngày Nhàn nhìn những cái áo, cái váy thành hình, treo tòng teng trên sào ngoài hiên, vẫy vùng trong gió một cách vui thích, tưởng tượng một ngày nào đó cái áo bà ba kia mẹ sẽ mặc, cái áo nam to rộng dành cho thân hình cao lớn trong nhà, và những cái áo kết đầy nơ và hoa kia sẽ là của con bé đang ngồi bệt dưới chân Nhàn, say sưa chơi với con búp bê Nhàn mới hoàn thành. Nhàn thích may đồ con nít, kết vô đó những hạt, những nơ, những hoa tùy thích. Đồ con nít, đôi khi không cần phải theo công thức như một với một bằng hai, chỉ cần một đoạn ruy băng nhỏ Nhàn đã kết thành cái nơ gắn trên cổ, trên ngực, tay áo, hoặc làm thành băng đô cài đầu cũng làm bọn trẻ vui suốt những ngày sau đó.

Chiều qua, Nhàn nhận mảnh vải hoa màu vàng, chị Bé nói may cho con gái. Tấm vải không mắc nhưng hoa rất đẹp, màu cứ ngời lên. Nhàn vuốt lên tấm vải mà cũng nghe râm ran, cảm giác sắp được khoác lên người cái áo mới rực rỡ tự dưng ùa đến. Ngày bé, khi được mẹ đưa cho cái áo mới, Nhàn phải ôm ngắm mấy ngày mới thẹn thùng xỏ tay. Nhàn chợt nhíu mày, lại cảm thấy có gì đó như phí hoài khi nhìn mảnh vải chợt kệch cỡm giữa những màu trắng nâu cùng đen.

Xứ này, ít ai may áo hoa hoét màu sắc cho con nít, có may thì may áo trắng, mặc ngày tết rồi sau đó thành áo đi học, tiện trăm bề. Áo hoa rực rỡ này mặc có ra tết thật nhưng ba trăm sáu mươi mấy ngày sau đó mặc vào dịp nào. Không lẽ đợi đám cưới ai đó, con nít lớn mỗi ngày, không mặc nhanh là chật.

Xứ nghèo đâu có đồ để dành cho chật?

Đám cưới, Nhàn ngẩn người ngó ra con đường nhỏ trước nhà, bao lâu rồi xóm chưa có đám cưới, có lẽ sau đám cưới Hinh. Nhàn còn nhớ như in đám cưới đó, nhớ ngày Hinh đột ngột về nhà mà không báo trước, lại về rất vội lúc nhá nhem. Hinh sắp làm cha. Nhàn thậm chí còn chưa kịp nhoẻn cười khi hay Hinh về thì đã chết điếng khi nghe tin đi kèm. Rổn rảng mấy ngày rồi vợ chồng Hinh đi. Nhàn thấy Hinh không dừng lại giây nào nhìn qua bên này. May Nhàn không cười, lúc đó nụ cười đông cứng trên môi e gượng gạo lắm.

Lan vác bụng đến, hơi thất vọng khi thấy Nhàn chỉ ừ rồi cắm cúi xuống cái áo con nít dang dở. Nhàn biết, Lan cố tình đến đây kể chuyện Hinh, để thấy Nhàn gục ngã, để tìm một chút hả hê cho mình, để tự an ủi rằng mình cũng từng đau khổ vậy. Nhàn nhớ Lan cũng thích Hinh. Hinh đẹp trai, cười hiền, ai không thích. Hồi đó, Hinh còn ghé tai Nhàn thì thào:

- Nhà tụi mình gần nhau, rước dâu lẹ ha!
Nhàn bật cười:

- Hóa ra anh thương tui vì nhà tui gần hả. Khi vợ chồng cơm canh lạnh nhạt, anh ném tui qua đường về nhà mẹ phải không?

Hinh nắm tay Nhàn cười.

- Bậy đi, anh yêu em không hết, lòng nào mang ném?

Rồi Hinh nói anh phải làm gì đó có tiền, có tiền rồi anh mới lo được cho má, cho Nhàn. Nhàn nghĩ Hinh chỉ quanh quẩn quê mình, đâu nghĩ Hinh lên tận thành phố.

- Anh lên làm với chú, nếu em thu xếp được thì lên, lâu lâu anh về thăm.
Nhàn cúi đầu tránh hơi thở Hinh vờn trên má, lâu lâu là bao lâu, không có hạn định gì hết. Nhưng Nhàn đâu cản, vườn tược khô cằn, ở nhà biết làm gì. Hinh là đàn ông, phải có sự nghiệp, Nhàn hiểu anh nói “thu xếp” là sao, tự dưng nghe trong lời Hinh có gì ác ác. Thu xếp sao, mẹ Nhàn nằm đó, nhớ nhớ quên quên như một đứa trẻ, mới ăn cơm đó đã nói chưa ăn. Chỉ thích có người nói chuyện để gây sự, mẹ nói từ khi mở mắt thức giấc đến khi ngủ, ngủ rồi nhiều khi cũng vanh vách nói. Hẳn ban ngày nói chưa đã, mẹ nói những gì mẹ thích, những chuyện mẹ nhớ, không cần đầu đuôi, Nhàn cứ phải nhét bông vào tai cho đỡ ồn ào.

Sau này nghĩ lại, ngay từ lúc Hinh và Nhàn ngọt ngào đó đã có hạt giống tan vỡ rớt xuống và âm thầm nứt vỏ cựa mình.

Sau đám cưới Hinh chừng ba tháng, thím Sáu cũng đóng cửa mang gửi chìa khóa cho Nhàn nói lên chăm con dâu bầu bì. Có lẽ thím sẽ ở luôn trên đó chăm cháu. Nghe nói nhà dâu thím khá lắm, nhưng Hinh không chịu nhờ, quyết kêu thím lên, nói sẽ tự chăm vợ con để bên kia đừng tham gia. Nhàn cười, nói thím cho con gửi lời hỏi thăm vợ chồng Hinh nha. Chợt quay người nhìn người phụ nữ nhỏ thó nằm trên giường đang cãi nhau với mình, đến giờ Nhàn còn không biết thu xếp, làm sao có đám cưới mà mong?

Trời gần trưa, có bóng người đứng trước cổng nhà Hinh, Nhàn giật thót tưởng Hinh về, chừng một giây sau đã nhận ra không phải. Người đó cao hơn Hinh, đen nhẻm rắn rỏi, anh đứng trước cổng nhà Hinh một lát, rồi tần ngần quay người tiến đến nhà Nhàn.

Ngôi nhà Hinh bên đó bỏ không, ban đầu Nhàn còn tưới tắm dọn vườn, sau bận quá Nhàn đành chịu.

Bữa thím Sáu điện về, nói bỏ đi con, nghe trong lời có gì chán nản. Thím nói, chắc thím còn ở trên này lâu. Rồi một bữa thím gọi về nói mai mốt có người đến ở nhờ nhà thím, Nhàn đưa chìa khóa giùm.

Người ấy là Duy.

Những ngày đầu, Duy đóng cửa ở trong nhà suốt, nhà cũng không dọn. Nhàn nhìn sang thấy anh chỉ quét sơ chỗ bộ ván và nằm đó, trong bịch màu đen là những vỏ mì gói, trong nhà cả tầng bụi và lá cây.
Nhàn liếc quanh nhà, đứng dậy lấy con dao nhét dưới gầm bàn, thêm con nữa bỏ lẫn đám vải, ngồi đây Nhàn có thể thò tay lấy ngay được. Tối dời con dao vào phía trong vách phòng khi đêm hôm, chợt thấy cái then cửa nhà mình sao yếu ớt.

Rồi Nhàn tự giận mình, sao lại kêu người ta qua nhà ăn cơm, còn nói “tui có tính tiền mà”. Giận nữa là Duy lại đồng ý. Duy đã biết Nhàn là người thế nào mà đồng ý luôn. Bữa cơm đầu tiên đầy ngượng ngập do Nhàn dọn sẵn cho mình Duy. Nhàn còn cho mẹ ăn, xong xuôi mới đến lượt mình. Duy nói tui đợi, Nhàn gạt đi, cơm canh để nguội mất ngon, mẹ tui ăn lâu lắm. Duy hẳn đói, không làm khách nữa, chăm chú ăn cơm sau khi đứng dậy lấy thêm cái dĩa, sớt từng món riêng ra phần Nhàn. Từ đó bữa cơm nào cũng chia ba cữ.

Dì Sáu nói Duy là cháu họ của bạn dì, vì hoàn cảnh gia đình nên mới trôi tuốt xuống xứ mình. “Chắc ít bữa lại đi, có gì con giúp nó giùm nha!”, khi đó Nhàn mới thở phào.

Những ngày sau Duy ra khỏi nhà, bắt đầu mở toang những cánh cửa và sang Nhàn hỏi đường đi chợ mua chổi, Nhàn lấy chổi trong nhà đưa ra:

- Chợ xa, mai mốt đi tui mua cho, lấy về xài đỡ.

Gần một tuần, căn nhà mới sạch sẽ, thêm hai tuần nữa cho khu vườn, ngày ba bữa Duy sang Nhàn ăn cơm, Duy nói nhờ Nhàn những ngày này, mai mốt ổn tính tiếp. Duy dễ ăn, gì cũng ăn hết còn giành rửa chén. Chiều chiều tha thẩn gánh mấy gánh nước đổ tràn cái ảng, góc bếp ứ hự củi, đám cỏ dại mọc tràn ra sân cũng được Duy xử lý. Nhàn nhìn tấm lưng to của Duy, nghĩ chỉ cần vầy ​thôi cũng thành gia đình.

Lúc Nhàn hí húi trong bếp, Duy ngồi cạnh mẹ nói chuyện, thật ra chỉ ừ à nghe bà nói. Mỗi ngày Nhàn phải ở cạnh mẹ, bà không nhìn thấy rõ nhưng chỉ cần có người ở cạnh mới yên tâm. Mấy lần Nhàn bận tay chưa lên được, bà hờn dỗi khóc. Duy sang đúng lúc đó, không chút nề hà ngồi cạnh giường nắn tay bóp chân cho mẹ, nói chẳng qua mẹ nằm mỏi người quá, thấy tù túng quá, muốn có người nói chuyện thôi.

Duy nói:

- Hay cô Hai mua cho bà cái radio, bỏ vào trong con gấu bông to cho bà có nghe tiếng người.

Nhàn ngẩn người, ờ có vậy không nghĩ ra. Duy vẫn đều tay bóp chân cho mẹ Nhàn:

- Để chiều tui đi mấy tiệm sửa đồ điện tử tui mua một cái cũ, đừng mua cái mới uổng tiền.

Bốn mươi lăm nghìn cho cái radio cũ, Nhàn đưa năm chục, Duy còn moi mớ tiền lẻ trong túi ra thối cho Nhàn năm nghìn mặc Nhàn gạt đi coi như tui mời anh ly nước mía. Duy cười, mời thì hôm khác, nay là tui mua giùm, cô làm tui cảm giác mình đi buôn, có lời.

Nhàn bật cười thôi không nói nữa, đợi Duy kiếm tờ năm nghìn mới nhất trong đám tiền lẻ, vuốt cho thẳng và gấp đôi lại rồi mới đưa. Duy chỉ Nhàn cách dùng, đưa Nhàn mấy cục pin nói hết thì thay. Duy còn nói

Nhàn lấy áo mình mặc cho con gấu, để mẹ thêm yên tâm.

Từ ngày có cái radio, mẹ vui vẻ hơn, Nhàn có chút áy náy, hẳn mẹ đang tưởng mình nói chuyện với con gái. Thấy mẹ chịu ăn, còn ngủ ngon hơn, Nhàn yên tâm. Thi thoảng nghe được câu cải lương, Nhàn lại ngẩng đầu nhìn sang căn nhà bên kia đường.

Thím Sáu về, mang theo cháu nội, nói mai mốt chắc Hinh cũng về, và thở dài, cơm xứ người khó ăn lắm.

Con nhỏ mắt đen tròn​ giống mẹ, choài người đòi Nhàn ẵm, thím nói tội lắm, thấy đàn bà con gái là nó đòi, tưởng mẹ. Nhàn vô thức né cái miệng đầy nước miếng của con nhỏ, xót xa nhìn thím Sáu gầy rộc, người khô như cây bị nhổ gốc bỏ mặc từ sáng tới trưa.

Thím Sáu về, Duy không sang nữa, Nhàn nhìn cái nồi đất còn hai khúc cá. Nhàn không thích cá vì hồi nhỏ hóc xương. Giờ gỡ cá cho mẹ, Nhàn phải bóp vụn mới dám đút cho mẹ. Lúc ngồi gỡ cá, Nhàn nghĩ giờ cần người gỡ xương cá cho mình có xa vời quá không.

Ngôi nhà bên kia đường như trổ mã, ngoài vườn đã có màu xanh, thi thoảng lại nghe tiếng con nít cười khanh khách, là Duy ẵm con bé, làm máy bay chạy tới chạy lui trước hiên. Nhàn thu mắt về, nhìn những cái áo váy Nhàn may treo trên sào bay phấp phới trong gió. Bữa Duy nói tìm mua cái xe lăn, chứ để mẹ nằm hoài cũng tội. Nhàn nói không cần, tui nâng giấc mẹ thường xuyên. Nhàn nói mà không nhìn Duy.

Cái chính là Nhàn sợ mắc nợ anh. Mai mốt Duy không còn ở đây nữa, quanh nhà nhìn đâu cũng thấy bóng Duy, cảm giác ấy thật đáng sợ.

Dì Sáu thở dài:

- Nó còn nơi nào để về. Ba má nó ở căn nhà của ông bà nội, hai người vừa mất, mấy ông chú bà thím nói mảnh đất là của chung nên đòi lại, bất kể thằng nhỏ là đích tôn. Thằng nhỏ ôm hình ba má bỏ lại tất cả.

Nhàn nghe, không dưng thở dài, lại một người có quê mà không có đường về. Phía sau nhà, Duy đang giơ cao cuốc, chắc chắn bổ từng nhát, từng tảng đất bật lên, vỡ vụn.

- Anh cuốc làm gì, tui cũng đâu có thời gian trồng cấy, nay mai cỏ lại mọc giờ.

- Tui trồng cho, Nhàn chờ mà coi, chừng một tháng nữa là mình khỏi mua rau ăn, có khi còn mang bán.

Nhàn bật cười trước tương lai Duy vẽ ra, chợt đỏ bừng mặt vì từ “mình”. Mình là những ai?

Duy giơ tay quệt mồ hôi, đón ly nước tắc Nhàn đưa:

- Nhàn để đó tui, vào nhà với mẹ đi.

Nhàn ngượng nghịu quay vào, mấy nay cái radio không “lừa” được mẹ nữa, cũng tại Duy hay bóp tay chân cho bà. Nhiều khi Nhàn bóp mẹ còn vùng vằng, chỉ đến khi Nhàn nằm cạnh, vỗ nhè nhẹ mẹ mới yên tâm thiếp đi.

Lúc ngồi vào bàn may, Nhàn nhìn sợi khói bên nhà thím Sáu ngoằn ngoèo bay lên, hẳn thím nổi lửa sớm nấu cháo cho cháu nội. Con bé có tật lười ăn, chiều nào Nhàn cũng phải phụ thím Sáu đút cháo cho nó. Con bé hiếu động giãy nảy, thím Sáu ẵm một chút mỏi rã tay phải chuyền cho Duy. Con bé ưng được Duy cho ngồi lên vai, mỗi lần Nhàn đút cháo, Duy lại khom người xuống. Khi ấy, mặt Duy ngang mặt Nhàn. Nhàn nhìn rõ từng sợi lông mày cứng cáp, từng sợi lông mi mềm mềm và đôi mắt rất trong. Những khi ấy, Nhàn vội ngoảnh đi, lại nghĩ một ngày nào đó có con bé xinh xẻo bé xíu ngồi dưới chân Nhàn, cười nhe hàm răng trắng và cái đầu cột sừng trâu.

Nhàn sè sẹ rút ra mảnh vải kẻ caro màu xanh nhạt dùng để may áo đàn ông, len lén ngoái nhìn qua khe cửa, giơ tay đo gang tấm lưng đang ướt đầm mồ hôi.

Mảnh vải này, bữa đi chợ, phải suy nghĩ lâu lắm Nhàn mới mua nó.

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

;
;
.
.
.
.
.