Gian nan đường về nhà

.

Hàng nghìn chiếc xe máy vẫn lầm lũi chạy trong đêm, trong mưa gió rét mướt vượt hàng nghìn cây số đường đèo núi, để trở về quê nhà - nơi những đứa con tha hương tìm về sau tháng ngày sống khó khăn cùng nỗi sợ hãi vì dịch Covid-19.

Cuộc sống xa quê trong điều kiện dịch giã quá khó khăn, quê nhà đã kéo họ trở về. “Về nhà thôi, về nhà có rau ăn rau, có khoai ăn khoai”, một người mẹ trẻ với đứa con chừng 5 tháng tuổi đang bế trên tay đứng nghỉ mệt chờ vượt đèo Hải Vân vừa nói, vừa quệt nước mắt nhìn chiếc xe máy cũ của hai vợ chồng chất lỉnh kỉnh những nồi niêu, rổ rá, cả cái bếp ga mini cũ mèm để nấu cháo cho con trên đường - gia tài mà vợ chồng chị tích cóp bao nhiêu năm làm lụng xa quê giờ chỉ vỏn vẹn chừng đó thứ.
Quê của hai vợ chồng trẻ là một huyện miền núi Hà Tĩnh. Cưới nhau xong, hai vợ chồng dắt díu vào

Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân với mơ ước sẽ có một đời sống dễ thở hơn, rồi dành dụm gửi tiền về quê phụ xây căn nhà nhỏ cho bố mẹ hai bên dưỡng già. Mới chưa đầy một năm, vợ chồng chưa kịp làm được gì thì dịch bệnh bủa vây, lại sinh con nhỏ, nhà máy đóng cửa nghỉ dịch vì công nhân bị nhiễm Covid-19. “Hơn 4 tháng nay, vợ chồng em thiếu tiền trả tiền trọ, con thiếu sữa, mẹ ốm yếu vì thiếu ăn. Suốt mấy tháng, vợ chồng em sống nhờ vào sự giúp đỡ nay thì túi gạo, mai thì mớ rau, củ của những tấm lòng. Nhưng không thể chờ sự giúp đỡ mãi được, nên vợ chồng em nhất quyết phải về quê.Về làm gì cũng được, miễn là về nhà”.

Rồi hình ảnh cặp vợ chồng thợ hồ quê ở Nghệ An với cháu bé mới sinh được 15 ngày tuổi đã phải theo bố mẹ rong ruổi suốt 5 ngày trên chiếc xe máy cà tàng trở về lại quê nhà đã làm xót lòng những ai gặp họ. Hai vợ chồng kẻ làm thợ hồ, người phụ hồ nhưng đã thất nghiệp hơn 4 tháng nay. Không tiền, không nhà, họ đành ôm con trở về. Đó là tình cảnh của một vài gia đình nhỏ trong số hàng nghìn gia đình đang dắt díu, bồng bế nhau trở về quê nhà với mớ hành trang ít ỏi.

Những đứa trẻ ấy chắc không hề biết rằng, đường về nhà của bố mẹ chúng gian nan hơn những gì chúng thấy, bởi cuộc hồi hương này khác với những lần trở về nhà trước đây. Với nhiều gia đình, có con cái vào Nam làm ăn khi trở về nhà vào những dịp lễ, Tết, là tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc. Còn lần này, cuộc trở về đong đầy gian khổ.

Mưa vẫn cứ rơi, đoàn người vẫn đi, vượt qua bao dốc núi, bao con đèo mịt mùng mưa, bạt ngàn gió không ai nhớ. Và đã có trường hợp thương tâm xảy ra. Vụ tai nạn trên đèo Lò Xo, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) làm chết hai mẹ con quê ở Thanh Hóa đang trên đường về nhà. Rồi có em bé bị ngạt trên đèo Hải Vân may mà được lực lượng cứu hộ cấp cứu kịp thời. Với những cặp vợ chồng quê tít tận Hà Tây, Lào Cai, Hà Giang… thì đường về nhà còn xa lắm.

Nhìn cảnh những đoàn xe máy dài dằng dặc chạy trên đường thiên lý Bắc Nam đưa người hồi hương về quê nhà mà không khỏi chạnh lòng. Cũng trên những nẻo đường ấy, có những tấm lòng, những bàn tay chìa ra giúp đỡ dòng người hồi hương. Những gói cơm, ổ bánh mì, chai nước suối, hộp sữa cho bé thơ… và những chuyến xe đưa người qua đèo, qua những đoạn gập ghềnh đồi núi cũng làm ấm lòng những đứa con tha hương trên đường trở về. Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người về quê từ các tỉnh phía Nam qua địa phận thành phố.

Trong đó, bố trí 2 tổ y tế thường trực tại 2 địa điểm cửa ngõ ra, vào để xử lý, cấp cứu, hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho người dân; hướng dẫn giao thông, liên hệ với các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho người dân qua hầm Hải Vân bằng xe máy... Ngày 6-10, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, Văn phòng UBND thành phố phối hợp các đơn vị liên quan và Hội đồng hương Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương lên kế hoạch đón người dân trở về.

Cầu mong cho họ trở về nhà bình an.

KIM EM

;
;
.
.
.
.
.