Nỗ lực sản xuất của nông dân đô thị

.

Giữa trưa, trời nắng như đổ lửa, đứng trong vườn thủy canh rộng chừng 1.200m2 của gia đình, anh Hồ Như Liệu (nông dân tổ 34, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) quả quyết, sau đợt dịch này, vợ chồng anh tập trung mở rộng thêm 800m2 trồng cải ngọt, bó xôi, cải cúc, rau muống và một số giống rau thơm.

Ông Lê Văn Giới (tổ 1, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) đang  thu hoạch nấm từ trang trại rộng 1.200m2 trên đất dự án treo.  Ảnh: Đ.B
Ông Lê Văn Giới (tổ 1, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) đang thu hoạch nấm từ trang trại rộng 1.200m2 trên đất dự án treo. Ảnh: Đ.B

Anh Liệu tính, cùng với xà lách, diện tích rau thơm trồng mới sẽ giúp anh hoàn thiện chuỗi rau ăn sống để cung cấp cho hệ thống siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng. Dù sản lượng hiện nay chưa nhiều, tầm 50-70 kg rau sạch mỗi ngày, nhưng giấc mơ phát triển nông nghiệp sạch giữa trung tâm thành phố cứ âm ỉ cháy trong lòng người nông dân trẻ.

Giấc mơ trồng rau sạch

Anh Hồ Như Liệu năm nay 37 tuổi, cùng vợ quyết tâm mở rộng vườn rau sạch sau 3 năm trồng, chăm sóc theo phương pháp thủy canh, cho nguồn thu nhập ổn định. Theo anh Liệu, so với trồng thổ canh truyền thống, trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm vượt trội, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cách trồng này ít tốn công chăm sóc, cách ly sản phẩm khỏi mặt đất, giúp cây tránh các loài gây hại như sâu, nấm.

Đây cũng là kinh nghiệm được anh đúc rút sau 6 năm xuất khẩu lao động, làm việc trong một trang trại trồng rau thủy canh ở Malaysia. Anh Liệu kể, ngày ấy, đứng giữa vườn rau thủy canh tươi tốt, rộng hàng hecta của ông chủ người nước ngoài, anh khao khát giấc mơ phát triển nông nghiệp sạch ngay tại quê nhà. Do đó, vừa làm việc, anh vừa tỉ mẩn ghi chép lại công thức, phương pháp trồng rau. Có chút vốn trong tay, năm 2019, anh trở về Đà Nẵng gầy dựng sự nghiệp cho riêng mình. Vợ anh, chị Mai Thị Mỹ Hạnh, khi ấy cũng vừa tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, quyết tâm cùng chồng xây dựng hệ thống dây chuyền, ống dẫn, màng lưới trồng rau thủy canh.

"Khi đầu ra có rồi, sao mình không mạnh dạn mở rộng sản xuất, tăng khả năng cung ứng của vườn rau?”
Anh Hồ Như Liệu, nông dân tổ 34, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lê

Sẵn ý tưởng và kinh nghiệm trồng rau, vợ chồng anh Liệu ngược xuôi tìm đất dự án thành phố chưa sử dụng với ý định mượn đặt nhà giàn, tiết kiệm chi phí đầu tư. “May mắn cho chúng tôi khi chính quyền và Hội Nông dân phường Hòa Phát tạo điều kiện khai thác 1.200m2 đất dự án, đây là bước đệm rất quan trọng, giúp việc sản xuất nhanh chóng được triển khai”, anh Liệu nói.

Mô hình trồng rau thủy canh của vợ chồng anh Liệu thành công ngay mùa vụ đầu tiên khi cây sinh trưởng, phát triển tốt, đạt trọng lượng trung bình mỗi cây từ 200-250 gr. Theo anh Liệu, trong quá trình trồng rau thủy canh, khâu pha chất dinh dưỡng rất quan trọng, nhiều quá rau dễ úng, ít quá cây lại không phát triển, kinh nghiệm này anh học được trong thời gian xuất khẩu lao động tại Malaysia. Bên cạnh đó, thiết kế nhà giàn cần chọn hướng phù hợp để tránh gió mùa đông bắc. Anh Liệu chia sẻ, hiện vườn rau của anh chủ yếu trồng xà lách, rau cải xuất xứ Hà Lan, có tỷ lệ nảy mầm cao trên 95%, cho thu hoạch sau 28 ngày chăm sóc. “Với diện tích hiện tại, mỗi ngày vườn rau cung cấp khoảng 50-70kg rau sạch cho hệ thống Siêu thị Co.opmart với giá 40.000 đồng/kg, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí, nhân công, chúng tôi thu lãi khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng”, anh Liệu hồ hởi nói.

Chia sẻ về giấc mơ rau sạch, anh Liệu kể mình vừa mạnh dạn vay thêm 200 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư cơ sở hạ tầng cho vườn rau gia vị, ngay khi siêu thị Co.opmart đồng ý bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ vườn rau. Anh nói vui rằng, chỉ sợ đến lúc đất lấy lại để làm dự án, chứ không thì mọi thứ vẫn trơn tru vì có sẵn công thức, kỹ thuật chăm trồng. Anh tự đặt câu hỏi: Khi đầu ra có rồi, sao mình không mạnh dạn mở rộng sản xuất, tăng khả năng cung ứng của vườn rau?

Giữa thời điểm diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, mô hình trồng rau thủy canh của anh Liệu trở thành niềm hy vọng của người nông dân đô thị. Nhiều người tìm đến nhờ anh chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm trồng.

Ông Nguyễn Viết Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Phát nói rằng, ông rất cảm kích trước sự nhiệt tình của anh Liệu khi hướng dẫn bà con nông dân trồng rau theo phương pháp thủy canh. Theo ông Tuấn, mô hình trồng rau thủy canh khá phù hợp với nông dân đô thị, có thể thiết kế theo tầng để tiết kiệm diện tích, khi cần dễ dàng tháo dỡ, di dời. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với anh Liệu tổ chức buổi giới thiệu công nghệ, kỹ thuật trồng rau thủy canh, hướng tới mục tiêu giải quyết nguồn lao động tại chỗ, lớn tuổi, khó chuyển đổi ngành nghề, cũng như tăng thu nhập cho người nông dân”, ông Tuấn cho hay.

Nông dân quận Cẩm Lệ được hỗ trợ cây giống trồng vụ hoa Tết năm nay. Ảnh: Đ.B
Nông dân quận Cẩm Lệ được hỗ trợ cây giống trồng vụ hoa Tết năm nay. Ảnh: Đ.B

Cùng nhau vượt khó

Hơn 5 năm trước, ông Lê Văn Giới (tổ 1, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) cũng vì nhớ nghề nông, đã đăng ký tham gia khóa học trồng nấm do Hội Nông dân phường Hòa Xuân tổ chức. Sau 3 tháng tìm hiểu phương pháp, kỹ thuật trồng nấm bào ngư, ông Giới ấp ủ dự định tạo dựng trang trại nấm, tạo nguồn thu nhập cho gia đình. Ông kể, hôm tổng kết khóa học có lãnh đạo Hội Nông dân quận, phường tham dự, ông mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, đề nghị Hội giúp đỡ vị trí cũng như tạo điều kiện vay vốn làm ăn.

Nhận thấy nhu cầu chính đáng của học viên Lê Văn Giới, Hội Nông dân thành phố nhanh chóng xét duyệt hồ sơ, cho ông vay 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân; đồng thời đề xuất địa phương cho mượn đất dự án tạo dựng trại nấm. Có vốn, có đất, ông Giới dọn dẹp mặt bằng, đầu tư máy xay bột cưa từ nguồn gỗ cao su để làm phôi nấm, cấy meo, tiết kiệm chi phí sản xuất. Tất bật giữa trại nấm rộng hơn 1.200m2 với 15.000 phôi nấm bào ngư trắng, tím đang chờ thu hoạch, ông Lê Văn Giới nói nghề trồng nấm nhìn tưởng dễ, nhưng chỉ cần sai hoặc chậm một công đoạn, sẽ ảnh hưởng hiệu quả kinh tế, thậm chí mất trắng. Ông cười: “Nói vậy với người mới vào nghề, chứ riêng tôi, bao năm trồng nấm, lận lưng không ít kinh nghiệm xương máu nên chỉ cần nhìn qua là biết cây phát triển ra sao. Ngoài làm nấm thương phẩm bán cho thương lái với giá khoảng 40.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình sản xuất thêm 45.000 bịch phôi cung cấp cho người dân có nhu cầu trồng nấm tại nhà, giá 10.000 đồng/bịch”, ông Giới chia sẻ.

Mô hình sản xuất nông nghiệp của nông dân đô thị bước đầu phát huy hiệu quả, nhưng còn đó không ít băn khoăn, như nguồn đất dự án không ổn định, khó đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ tưới tiêu hiện đại. Như vợ chồng ông Giới, trong suốt thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, lấy trại nấm làm nhà, quần quật từ sáng sớm đến tối mịt vẫn không hết việc, khi xay bột cưa, lúc vào bịch nấm, rồi tưới nước, xẻ bao, để ý coi ngó từng chút, mong đến này thu hoạch.

Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân thành phố giải ngân gần 7 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, thực hiện 24 dự án thuộc các lĩnh vực chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, trồng hoa, cây cảnh và trồng nấm cho 220 hộ dân. Chưa kể, để thúc đẩy nông dân trồng hoa vụ Tết, Hội Nông dân quận Cẩm Lệ vừa hỗ trợ 6.500 cây giống hoa các loại, như đồng tiền kép, thạch thảo, cúc và các giống hoa treo, phân bón trị giá 42 triệu đồng. Tương tự, 40 hộ nông dân thuộc 9 Chi hội Nông dân phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) vừa nhận 1,3 tạ hạt giống rau ăn lá, do Phòng Kinh tế quận trao tặng, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn vốn sản xuất của bà con nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ An Trần Văn Biên cho biết, toàn phường có 40 hộ dân đang tận dụng khoảng 6 ha đất dự án chưa xây dựng để trồng rau. Dù gặp không ít khó khăn, nhưng họ vẫn âm thầm gieo tưới, cày cuốc để mang lại nguồn thu cho gia đình. Theo ông Biên, việc hỗ trợ nông dân ở thời điểm này là cần thiết bởi với họ, nghề nông vẫn là kế sinh nhai.

Có thể nói, trong nỗ lực bám trụ sản xuất trên nền đất dự án, không ít nông dân đô thị đã kiên trì vượt qua khó khăn để viết tiếp giấc mơ về nông nghiệp sạch. Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết khẳng định, trong khả năng của mình, tổ chức Hội sẽ chủ động tìm kiếm các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân duy trì, phát triển sản xuất. Trong đó, tập trung hỗ trợ vay vốn, liên kết đầu ra, cũng như nâng cấp các mô hình sản xuất nông nghiệp ít phụ thuộc vào diện tích đất như trồng rau thủy canh, hoa, cây cảnh và nấm các loại.

"Trong khả năng của mình, tổ chức Hội Nông dân sẽ chủ động tìm kiếm các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân duy trì, phát triển sản xuất. Trong đó, tập trung hỗ trợ vay vốn, liên kết đầu ra, cũng như nâng cấp các mô hình sản xuất nông nghiệp ít phụ thuộc vào diện tích đất như trồng rau thủy canh, hoa, cây cảnh và nấm các loại…”
Ông Nguyễn Hữu Thiết,Chủ tịch Hội Nông dân thành phố

TIỂU YẾN - ĐĂNG BÌNH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích