Sống chung an toàn với Covid-19

.

Biến chủng Delta đặt ra nhiều thách thức với chiến lược chống Covid-19 của thế giới. Với khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với các biến thể cũ, Delta đã gây nên làn sóng ca nhiễm mới tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra: Kiên trì với chiến lược “Zero Covid” (loại trừ hoàn toàn các ca nhiễm mới), hay chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19?

Lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường chính dần đông khi Đà Nẵng thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. (Ảnh chụp trên đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn) Ảnh: PHÚC AN
Lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường chính dần đông khi Đà Nẵng thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. (Ảnh chụp trên đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn) Ảnh: PHÚC AN

Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19” với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể. Theo đó, có 3 tiêu chí bắt buộc để đánh giá cấp độ dịch, bao gồm: số ca nhiễm mới tại cộng đồng, độ bao phủ tiêm vắc-xin và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến. Việc xác định cấp độ dịch sẽ ở phạm vi nhỏ nhất, dưới cấp xã.

Sự thay đổi chiến lược chống dịch của Chính phủ phù hợp với xu thế của các nước. Trên thế giới, nhiều nước đã chuyển đổi chiến lược từ “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn”, xác định quan điểm sống chung, thích ứng với dịch bệnh.

New Zealand dần từ bỏ chiến lược “Zero Covid”

Tháng 3-2020, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, chính phủ New Zealand công bố hệ thống cảnh báo Covid-19 với 4 cấp độ. Cấp độ 1 là chuẩn bị, cấp 2 là giảm thiểu nguy cơ, cấp 3 là cấp hạn chế. Cấp độ 4 là cấp cao nhất tương đương với việc phong tỏa khu vực hoặc toàn bộ quốc gia và đây cũng là cấp độ từng được áp dụng vài tháng trước ở New Zealand. Ở cấp độ 4, chỉ những hoạt động và dịch vụ thiết yếu được mở cửa, chỉ những người làm việc trong các ngành đó mới được đến chỗ làm. Người dân được yêu cầu ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài cho các nhu cầu thiết yếu. 

New Zealand là một trong số ít các nước giảm được số ca nhiễm Covid-19 xuống còn 0 ca vào năm 2020 và hầu như không có thêm ca mắc mới cho đến khi biến thể Delta xuất hiện vào giữa tháng 8 năm nay.

Đầu tháng 10-2021, New Zealand bắt đầu từ bỏ chiến lược “Zero Covid”, công bố lộ trình 3 giai đoạn để mở cửa thành phố tâm dịch Auckland. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói rằng, việc phong tỏa nghiêm ngặt sẽ kết thúc sau khi 90% dân số đủ điều kiện được tiêm chủng.

Phong tỏa kiểu Úc

Cũng thực hiện chiến lược “Zero Covid” như New Zealand từng làm, nhưng với dân số gấp 5 lần (25 triệu dân Úc so với 5 triệu dân New Zealand) và diện tích hơn gần 30 lần, Úc gặp khó khăn hơn nhiều trong việc thực thi chính sách phong tỏa. Thể chế liên bang của Úc trao quyền và trách nhiệm cho chính quyền các bang trong việc áp lệnh phong tỏa. Mỗi bang có những quy định riêng, nhưng nhìn chung không quá khác biệt.

Cách phong tỏa của Úc có khá nhiều điểm tương đồng so với New Zealand. Người dân cũng được yêu cầu ở yên trong nhà, nhưng được phép ra ngoài thực hiện các hoạt động ngoài trời trong phạm vi bán kính 5 km. Khi tham gia các hoạt động ngoài trời hay đi siêu thị, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Song, Úc cũng đang điều chỉnh chiến lược “Zero Covid”. Từ ngày 11-10, chính quyền bang New South Wales áp dụng quy định giảm thời gian tự cách ly đối với những người tiếp xúc gần các ca được xác định mắc Covid-19. Người có tiếp xúc gần, nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin thì được yêu cầu xét nghiệm và tự cách ly trong 7 ngày, thay vì 14 ngày.

Đan Mạch dỡ bỏ phong tỏa

Chính phủ Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế để chống dịch còn lại ở nước này vào ngày 10-9, đồng thời chính thức tuyên bố SARS-CoV-2 không còn là mối đe dọa. Người Đan Mạch giờ đây có thể đến các câu lạc bộ đêm và nhà hàng mà không cần xuất trình “hộ chiếu Covid”, sử dụng phương tiện giao thông công cộng mà không cần khẩu trang và gặp gỡ với số lượng lớn mà không bị hạn chế, nghĩa là người dân Đan Mạch quay trở lại cuộc sống trước đại dịch.

Chìa khóa thành công của Đan Mạch một phần nằm ở việc triển khai tiêm chủng: Tính đến ngày 13-9, hơn 74% dân số Đan Mạch đã được tiêm phòng đầy đủ Covid-19 (theo tổ chức Our World in Data).
Bộ Y tế Đan Mạch thông báo, tốc độ lây lan dịch bệnh đang có xu hướng giảm. Tuy vậy, Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke khẳng định nước này sẵn sàng tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu dịch bùng phát trở lại.

Singapore, Thái Lan mở cửa cho du khách

Tháng 6 năm nay, Singapore thông báo họ có kế hoạch hướng tới chiến lược “Sống chung với Covid-19” - cố gắng kiểm soát dịch bệnh bùng phát bằng vắc-xin và kiểm soát việc nhập viện, thay vì hạn chế cuộc sống của công dân bằng nhiều lệnh cấm khác nhau. Từ tháng 8, người dân của quốc đảo sư tử có thể tụ tập thành nhóm 5 người để dùng bữa tại nhà hàng.

“Tin xấu là Covid-19 có thể sẽ không biến mất. Tin tốt là chúng tôi có thể sống một cuộc sống bình thường với nó”, các quan chức cấp cao của Singapore đã nói như vậy. Điểm tựa khiến các nhà chức trách chuyển chiến lược chính là tỷ lệ tiêm vắc-xin rất cao của người dân Singapore: đạt 81% (một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới).

Giờ đây, Singapore tuyên bố sẽ mở rộng Chương trình Hành lang du lịch cho khách tiêm đủ liều vắc-xin; mở cửa đường biên giới, không yêu cầu cách ly với những người đã tiêm đủ vắc-xin từ 9 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Ý, Đan Mạch, Hà Lan và Tây Ban Nha
từ ngày 19-10. Singapore cũng sẽ giảm các yêu cầu xét nghiệm PCR đối với người nhập cảnh.

Không có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao như Singapore (chỉ đạt khoảng 18% dân chúng được tiêm đầy đủ 2 mũi), nhưng từ ngày 1-11, Thái Lan sẽ mở cửa hoàn toàn cho du khách đã tiêm đầy đủ vắc-xin phòng Covid-19 đến bằng đường hàng không từ 10 quốc gia được coi là có nguy cơ bùng phát dịch bệnh thấp, trong đó có Anh, Mỹ, Trung Quốc, Đức và Singapore. Khi nhập cảnh Thái Lan, du khách từ các nước này phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và tiến hành xét nghiệm thêm một lần nữa tại điểm đến. Ngày 1-12, Thái Lan sẽ mở rộng danh sách và dự kiến đến tháng 1-2022 bổ sung thêm nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ.

Có thể nói, Covid-19 đang đưa đến cho nhân loại nhiều thử thách bất ngờ hơn là con người có thể tưởng tượng. Khi không thể dồn lực làm cho nó biến mất hoàn toàn trong khoảng thời gian ngắn, các quốc gia sẽ phải chuẩn bị kỹ cho kịch bản sống chung với virus. Chìa khóa của giai đoạn chống dịch hiện nay nằm ở chiến lược phủ rộng vắc-xin, phân tầng điều trị bệnh nhân nặng và công tác phục hồi sức khỏe tinh thần của xã hội. Đất nước nào bình tĩnh hơn, tỉnh táo hơn, có chiến lược đường dài khoa học hơn, đất nước đó sẽ đi qua được đại dịch với ít mất mát nhất.

TRẦN DUY

;
;
.
.
.
.
.