ỨNG XỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Tương tác chuẩn mực khi dạy - học trực tuyến

.

Ngoài chất lượng bài giảng, việc trang bị kiến thức bảo vệ bản thân, xây dựng văn hóa ứng xử và những kỹ năng cần thiết khi dạy và học trực tuyến là rất quan trọng đối với giáo viên và học sinh nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy - học.

Em Kiều Ngân (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) tham gia phát biểu xây dựng bài tích cực khi học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Đ.H.L
Em Kiều Ngân (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) tham gia phát biểu xây dựng bài tích cực khi học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Đ.H.L

Tương tác còn hạn chế giữa thầy và trò

Chồng đi công tác thường xuyên, chị Hà Xuân Trang (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) lại bận rộn với công việc ở công ty, mọi việc học trực tuyến ở nhà đều do con chị tự lo liệu. Dù con học lớp 8 và đã biết sử dụng thành thạo laptop nhưng chị vẫn cảm thấy không an tâm khi để con ở nhà học một mình. Chị Trang chia sẻ: Học trực tuyến đôi khi mạng chập chờn, không ổn định, làm ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài giảng. Trong khi học trực tiếp 1 tiết có 45 phút thì học trực tuyến chỉ kéo dài 35 phút nên không đủ thời gian cho cô truyền đạt hết kiến thức, học trò cũng không chép bài kịp. “Cô không có thời gian để luyện tập kỹ cho học sinh. Một số bạn không chép bài, cô hỏi thì không trả lời nhưng đến khi điểm danh thì vẫn có mặt. Tối nào đi làm về, tôi cũng dành thời gian kiểm tra lại bài vở xem con có hiểu không.”, chị Trang bộc bạch.

Trong khi đó, anh Bùi Xuân Tiến (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) có hai con học lớp 7 và lớp 5 nên vợ chồng anh phải thường xuyên thay phiên theo dõi các con học. Anh Tiến cho biết, qua quan sát, anh thấy chương trình lớp 7 học bài bản. Bài giảng nhiều hình ảnh, video, clip màu sắc bắt mắt giúp các con dễ tiếp thu. Tuy nhiên, do sử dụng nhiều camera nên đường truyền thường bị chậm. Lớp học vẫn có bạn vừa học, vừa chơi game hoặc chat với nhau. “Học trực tuyến thì khoản giao tiếp với bạn bè, vận động thân thể ở trường lớp hầu như không có. Sự tương tác giữa cô và trò, giữa các học sinh bị hạn chế, chỉ tương tác được qua micro, camera nên có nhiều lúc cô nói trò không nghe rõ và ngược lại. Có trường hợp cô gọi phát biểu mà trò nói cô không nghe được. Những lúc đường truyền chậm, cô yêu cầu học sinh tắt camera, chỉ để tiếng thì sự tương tác lại càng giảm”, anh Tiến giải thích.

Chia sẻ về khó khăn của việc dạy học trực tuyến, cô Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hải Châu) cũng khẳng định: Việc học trực tuyến chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố đường truyền, chất lượng hình ảnh, âm thanh, đồng thời hạn chế sự tương tác và kỹ năng giao tiếp của học sinh nên cô giáo khó nắm bắt cảm xúc, thái độ của học trò để có những điều chỉnh kịp thời. Trong khi đó, ở độ tuổi tiểu học, học sinh chưa có ý thức tự giác và chưa thành thạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin nên các em dễ mất tập trung. Nhiều học sinh phải học tập trong không gian sinh hoạt chung của gia đình, các em lại chưa thành thạo trong việc điều chỉnh màn hình và micro khi cần thiết nên nhiều lúc lọt vào lớp học những hình ảnh phản cảm, những âm thanh khó nghe, có cả những lời nói thiếu tế nhị từ người nhà. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến giờ học. Đó là chưa kể, phụ huynh tham gia, can thiệp quá mức vào giờ học của con, tạo áp lực tâm lý cho giáo viên.

Điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp

Hiện nay, nhiều trường kết hợp dạy học trực tuyến qua ứng dụng phần mềm MS Teams, một số phần mềm hỗ trợ khác như Zoom, Google Meet và hướng dẫn học sinh học qua các bài giảng trên truyền hình. Giáo viên lựa chọn bài giảng theo chương trình học, gửi link video bài giảng cho phụ huynh và học sinh theo dõi. Cụ thể, giáo viên Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) triển khai dạy học qua phần mềm Zoom và sử dụng phần mềm Azota, Google Form, Zalo để giao, nhận bài tập, chấm bài, nhận xét cụ thể cho học sinh và gửi giáo án PowerPoint cho học sinh xem bài trước; đối với lớp 1 và lớp 2 thì xem chương trình dạy học trên truyền hình với 3 môn: Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh. Nhằm giảm áp lực cho học sinh học trực tuyến, Trường Tiểu học Nguyễn Du triển khai cho các tổ chuyên môn nghiên cứu, rà soát nội dung chương trình, sách giáo khoa và mức độ cần đạt của từng khối lớp để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể. Bên cạnh đó, tinh giản nội dung để giúp học sinh nắm bắt các nội dung cốt lõi; đồng thời, tích hợp một số nội dung trong môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn bảo đảm quy định của chương trình.

Trong khi đó, Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu) chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh theo các phương thức: 2 tuần đầu, xây dựng hệ thống bài giảng giúp học sinh ôn tập, củng cố kiến thức và kỹ năng cũ theo từng chủ đề. Sau 2 tuần ôn tập, tất cả các tổ chuyên môn tiến hành đánh giá lại mức độ lĩnh hội của học sinh trong từng khối lớp để có biện pháp tổ chức dạy bài mới phù hợp với từng đối tượng học sinh mỗi lớp học. Từ ngày 20-9 đến nay, nhà trường bắt đầu tổ chức dạy học nội dung bài mới. Cô Nguyễn Quỳnh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu cho biết, hệ thống bài giảng được xây dựng dưới dạng các video, đăng tải lên trang web của nhà trường và chia sẻ link đến các nhóm lớp, nhóm Zalo. Hình thức này giúp học sinh học mọi lúc, mọi nơi và có thể học trên mọi thiết bị. Song song với hệ thống bài giảng video, nhà trường sắp xếp lịch để giáo viên lên lớp trực tuyến trên hai nền tảng Google Meet và Zoom nhằm giải đáp thắc mắc, kiểm tra, khắc sâu, mở rộng và tổng kết lại kiến thức cho học sinh.

Bảo đảm ngôn ngữ trong sáng, tác phong mô phạm

Cùng với nâng cao chất lượng nội dung bài giảng, văn hóa ứng xử của các thầy cô và trò trong hoạt động dạy học trực tuyến cũng rất quan trọng nhằm bảo đảm chuẩn mực đạo đức của thầy và trò. Một số trường đã quán triệt đầy đủ quy định về việc thực hiện giảng dạy dù là trực tuyến hay trực tiếp để bảo đảm ngôn ngữ trong sáng, chuẩn mực; tác phong mô phạm, đồng thời chú trọng công tác kiểm duyệt nội dung kỹ lưỡng trước khi đăng tải bài học.

Trao đổi về vấn đề này, thầy Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) cho rằng, xác định văn hóa ứng xử không gian mạng (cụ thể ở trường là tổ chức dạy học trực tuyến) hết sức phức tạp, gặp nhiều khó khăn, có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Để bảo đảm dạy học trực tuyến, giáo viên và học sinh cần có những kỹ năng, thái độ, kiến thức tham gia dạy học trực tuyến một cách hiệu quả, có văn hóa khi sử dụng mạng để dạy - học. Nhà trường đã triển khai xây dựng thời gian biểu học trực tuyến bảo đảm cho học sinh nghỉ ngơi hợp lý; đưa ra các quy định, trách nhiệm về quá trình tham gia học trực tuyến của học sinh. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh thực hiện các thao tác, kỹ năng sử dụng các phương tiện, công cụ học trực tuyến. “Học sinh phải xây dựng được tinh thần tự giác, tích cực học tập, rèn luyện; có thái độ, hành vi và phát ngôn tích cực, đúng mực và có văn hóa khi trao đổi với thầy cô, bạn bè về nội dung bài học; không chia sẻ các thông tin và bình luận thiếu văn hóa, vi phạm nội quy học đường. Giáo viên chủ nhiệm lớp hằng tuần tổ chức tiết sinh hoạt trực tuyến để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh để kịp thời định hướng, không để xảy ra những ứng xử tiêu cực, thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Giáo viên cần bình tĩnh trước những tình huống sư phạm để có biện pháp và sự hỗ trợ tích cực cho học sinh; không để xảy ra việc phát ngôn, hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức nhà giáo”, thầy Hưng nhấn mạnh.

Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) cho biết, nhà trường đã xây dựng quy chế giảng dạy trực tuyến đối với giáo viên; quy chế học trực tuyến đối với học sinh; quy định hướng dẫn ghi và chấm sổ đầu bài. Các quy chế, quy định này là công cụ để kiểm tra, định hướng và xếp loại hạnh kiểm học sinh trong quá trình học trực tuyến.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, để bảo đảm chất lượng dạy học trực tuyến, trong hai ngày 7-10 và 9-10, Sở triển khai tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên đối với các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, tiếng Anh. Theo đó, mỗi đơn vị, trường học cử 2 giáo viên/môn học tham gia với hình thức tập huấn trực tuyến qua phần mềm Microsoft Teams. Qua tập huấn, giáo viên sẽ nắm vững cách tổ chức dạy học trực tuyến bảo đảm hiệu quả và chất lượng, cụ thể là cách thiết kế hoạt động giao nhiệm vụ cho học sinh trước khi dạy học trực tuyến, cách tổ chức hoạt động học khi dạy học trực tuyến...

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.