Đà Nẵng cuối tuần
Bén duyên với ẩm thực Bình Định
Yêu thích ẩm thực Bình Định, vợ chồng chị Ngô Thị Trân Châu (SN 1988), anh Phan Văn Thường (SN 1990) đã khởi nghiệp với quán ăn Tiệm Nhà Cám (8/16 Phan Bội Châu, quận Hải Châu) và ấp ủ ước mơ phát triển thành một chuỗi quán ẩm thực.
Vợ chồng chị Ngô Thị Trân Châu (SN 1988), anh Phan Văn Thường (SN 1990) mở Tiệm Nhà Cám với mong muốn giới thiệu ẩm thực xứ Nẫu – Bình Định. Ảnh: M.H |
Chị Châu là người Đà Nẵng, còn anh Thường quê ở phường Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Trong những lần về quê chồng chị Châu luôn cảm nhận hương vị độc đáo của từng món ăn nơi đây như, bánh hỏi, bánh xèo vỏ, bánh dây, các loại nem, chả, ram tôm đất... Rồi chị Châu bàn với anh Thường đem các món ăn này ra Đà Nẵng để giới thiệu đến nhiều người hơn.
Tay ngang khởi nghiệp
Tháng 12-2020, Tiệm Nhà Cám ra đời trên nền tảng facebook, bán trực tuyến các loại nem, chả, ram tôm đất của Bình Định để khảo sát trước khẩu vị của người Đà Nẵng có hợp với các món ăn ở Bình Đình hay không.
Trước sự đón nhận nồng nhiệt của khách hàng, vợ chồng chị Châu bắt đầu lên ý tưởng về việc mở quán đón khách vào cuối tháng 4-2021 với mong muốn giới thiệu thêm các món bánh như: bánh dây, bánh xèo vỏ, bánh hỏi. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến tháng 11-2021, quán ăn Tiệm Nhà Cám mới chính thức đi vào hoạt động. Tiệm Nhà Cám nằm trong kiệt nhỏ với diện tích tầm 50m2, chia 2 không gian, trong nhà và sân vườn.
Quán được thiết kế theo phong cách tối giản với tông màu trắng chủ đạo cùng những khung cửa được làm từ chất liệu gỗ phối kính trong suốt, kết hợp nhiều cây xanh, mang không khí của Đà Lạt mộng mơ. Quán được cải tạo lại từ một quán cà phê trước đó với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng. Phần lớn các công đoạn cải tạo, thi công, trang trí quán đều do vợ chồng chị Châu tự tay làm.
Khi quyết định tay ngang khởi nghiệp trong ngành F&B (Food and Beverage Service - dịch vụ nhà hàng và ăn uống), chị Châu cùng anh Thường đã tìm hiểu rất nhiều về ngành này và chuẩn bị kỹ cho sự ra đời của Tiệm Nhà Cám.
Nâng tầm ẩm thực truyền thống
Hiện Tiệm Nhà Cám phục vụ các món: bánh dây, bánh xèo vỏ, bánh hỏi, cháo lòng, chả cá quê cùng các loại nem, chả, ram tôm đất Bình Định. Trong đó, món ăn chủ đạo là bánh dây và bánh xèo vỏ.
Các loại bánh cùng nước mắm dùng để pha nước chấm, lá hẹ dùng để làm dầu hẹ trộn vào bánh đều được chuyển từ Bình Định đến Đà Nẵng bằng xe khách vào mỗi sáng sớm để bảo đảm đúng hương vị truyền thống của món ăn. Các loại bánh này đều được làm thủ công. Ngoài ra, vợ chồng chị Châu còn biến tấu một chút ở món ăn kèm cùng các món bánh với mong muốn nâng tầm món ăn. Chị Châu chia sẻ: “Để cho ra những sự kết hợp mới nhưng vẫn giữ được đúng hương vị truyền thống, vợ chồng tôi đã phải nấu thử rất nhiều lần, nhất là các loại nước chấm”.
Giới thiệu với chúng tôi về món bánh dây, anh Thường cho biết, thoạt nhìn qua bánh dây sẽ thấy giống bún, mì hay phở xào do đặc điểm của bánh là những sợi dài. Tuy nhiên, khi thưởng thức sẽ cảm nhận được sự đặc trưng của món bánh này. Vị bánh mang dáng vẻ của hương đồng gió nội khi kết hợp hài hòa giữa vị thơm giản dị của gạo cùng chút nồng của lá hẹ, chút béo của đậu phộng quê.
Với người dân Bồng Sơn - cái nôi của món bánh dây thì bánh dây chỉ ăn kèm rau sống các loại cùng nước mắm chua ngọt. Còn ở Tiệm Nhà Cám, món ăn này được kết hợp thêm thịt nướng than để tăng hương vị cho món ăn. Hay với món bánh xèo vỏ, thay vì chỉ ăn bánh xèo cùng mắm nêm hay có thêm thịt heo luộc như người dân địa phương thì Tiệm Nhà Cám có chút biến tấu khi thay thịt heo luộc thành lòng luộc.
Trung bình mỗi ngày, Tiệm Nhà Cám phục vụ khoảng 25-30 đơn hàng (tính cả phục vụ tại quán và mua mang đi). Khách hàng chính ghé đến quán là dân văn phòng, các bạn trẻ. “Vợ chồng tôi dự kiến phát triển Tiệm Nhà Cám thành chuỗi. Tất cả các quán đều sẽ chung một phong cách từ thiết kế đến món ăn, cách phục vụ… để từng bước định hình thương hiệu”, chị Châu cho hay.
MAI HIỀN