Đà Nẵng cuối tuần
Góp phần lan tỏa kết quả hội nghị Văn hóa toàn quốc
Việc đầu tư cho văn hóa, văn học nghệ thuật thời gian qua là một trong những vấn đề được đề cập tại hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba ngày 24-11-2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại điểm cầu chính ở Hội trường Diên Hồng Hà Nội.
Việc xây dựng và phát triển các thế hệ khán giả cho sân khấu truyền thống là vấn đề được đặt ra trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Trong ảnh: Chương trình “Hồn Việt” của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: XUÂN SƠN |
Trong báo cáo tóm tắt về kết quả xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước do Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày tại hội nghị, có một số hạn chế về đầu tư cho văn hóa, văn học nghệ thuật được nhấn mạnh, chẳng hạn “đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ còn thấp, chưa tương xứng với đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội”; hay như “kinh phí của Nhà nước hạn hẹp, nguồn vốn xã hội còn thấp, cách thức hoạt động còn lúng túng là những nguyên nhân làm cho ngành công nghiệp văn hóa chậm phát triển, quy mô nhỏ, hoạt động yếu ớt”; hoặc như “mức đầu tư cho văn hóa đối ngoại còn thấp”…
Vì vậy, để góp phần lan tỏa kết quả của hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Đà Nẵng cần quan tâm đầu tư đúng mức, đúng tầm hơn đối với văn hóa, văn học nghệ thuật trên địa bàn thành phố.
Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần
Có thể nói, trong bối cảnh nền kinh tế Đà Nẵng chưa thật sự phục hồi sau các đợt giãn cách xã hội cấp độ cao để phòng, chống đại dịch Covid-19, chính quyền thành phố vẫn quán triệt quan điểm phát triển nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”, từ đó đã tăng cường đầu tư cho nhiều công trình văn hóa - lịch sử trên địa bàn ngay trước thềm hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Chẳng hạn, từ đầu tháng 11, chính quyền thành phố đã chủ trương dừng các thủ tục triển khai việc đấu giá khu đất A2 mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh và thay vào đó là tiến hành đầu tư xây dựng khu cây xanh vườn dạo kết hợp bãi đỗ xe công cộng theo hình thức đầu tư từ nguồn ngân sách nhằm mở rộng khuôn viên Nhà bia của Khu di tích lịch sử quốc gia Nghĩa trủng Phước Ninh, đồng thời tạo thêm một không gian công cộng…
Để góp phần lan tỏa kết quả của hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba, trong kỳ họp cuối năm 2021 sắp đến, theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao, HĐND thành phố cũng sẽ xem xét thông qua nghị quyết về chế độ khen thưởng đối với tập thể, cá nhân văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố đạt thành tích cao trong các cuộc thi, liên hoan quốc gia, quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật - trong đó có việc thưởng thêm từ ngân sách thành phố 100% mức tiền thưởng văn nghệ sĩ đã nhận khi được trao giải.
Nghị quyết này nếu được HĐND thành phố thông qua sẽ góp phần đưa Đà Nẵng trở thành địa phương đi đầu trong việc triển khai thực hiện một giải pháp nêu trong báo cáo do Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày tại hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba: “Hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân như chế độ lương, nhuận bút, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, các chế độ đãi ngộ khác”.
Sở Văn hóa và Thể thao đang phối hợp Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố đánh giá thực tế tình hình thực hiện Quyết định số 5772/QĐ-UBND ngày 11-8-2015 của UBND thành phố về việc thực hiện đặt hàng sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật; đặt hàng các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn như sân khấu, múa… để phục vụ du lịch, trên cơ sở đó đề xuất đổi mới chính sách này, tạo điều kiện để thúc đẩy văn nghệ sĩ góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố chủ yếu với tư cách những người lao động sáng tạo nghệ thuật, qua các thông điệp nghệ thuật từ tác phẩm của mình. Đương nhiên việc đổi mới chính sách dẫu mạnh mẽ đến mấy cũng chỉ là ngoại lực.
Văn nghệ sĩ nói riêng, những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nói chung ở Đà Nẵng, rất cảm kích về những ngoại lực mạnh mẽ ấy, nhưng vẫn luôn ý thức rằng những ngoại lực như vậy không thể thay thế được nguồn nội lực của văn nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. Nội lực yếu, thậm chí không có động lực bên trong thôi thúc, thì tác động của ngoại lực mạnh mẽ đến đâu cũng không thể đủ sức chắp cánh cho văn nghệ sĩ sáng tạo!
Tạo nguồn nhân lực
Ngoài ra, Đà Nẵng còn phải hết sức quan tâm đến việc tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. So với quan điểm nêu trong báo cáo tóm tắt về kết quả xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước do Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày: “Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù”, thì các giải pháp nêu trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 sẽ là đòn bẩy thúc đẩy việc tạo nguồn nhân lực văn nghệ sĩ của Đà Nẵng trong thời gian tới, cũng là cơ sở để đầu tư nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật thành phố đáp ứng yêu cầu tạo nguồn nhân lực văn nghệ sĩ trong giai đoạn mới.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 vừa được ban hành theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ là một thuận lợi lớn cho các tỉnh, thành phố. Đồ họa: MAI ANH |
Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi có đề cập về nhu cầu đưa ra nước ngoài đào tạo nghệ sĩ biểu diễn nhằm nâng cao chất lượng, Đà Nẵng có thể nghiên cứu tích hợp vào đề án “Một số cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và thu hút, trọng dụng người có tài năng công tác trong khu vực công của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030” vừa được thông qua.
Riêng “nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý”, chính quyền thành phố cần căn cứ vào giải pháp “xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành văn hóa” nhằm đầu tư quy hoạch, đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cấp đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý về văn hóa, văn học nghệ thuật, góp phần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba: “Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hóa từ trung ương đến cơ sở (…) xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương (…).
Công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa. Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật. Đội ngũ này có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và trong sự nghiệp cách mạng nói chung”.
BÙI VĂN TIẾNG
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật
thành phố Đà Nẵng