Chiều quê

.

Cơn mưa rả rích kéo dài mấy tuần dễ làm cớ để biếng lười. Mưa dầm trở thành đặc sản mùa đông của miền Trung. Nắng nóng như đổ lửa, mà mưa dai dẳng cũng chẳng thua kém nơi nào. Mưa triền miên, cùng với độ ẩm cao, làm không gian lúc nào cũng đặc màu hiu quạnh. Vậy mà một chiều, trời bỗng sáng bừng lên. Những tia nắng hiếm hoi cuối ngày rong chơi tận nơi đâu xa lắc lại về rắc vàng trên những ngọn đồi, trên những cánh đồng. Cảnh vật đẹp như một bức tranh khiến ai cũng phải ngẩn người.

Làng quê đã qua bao mùa mưa nắng. Ảnh: PHÚC AN
Làng quê đã qua bao mùa mưa nắng. Ảnh: PHÚC AN

Chiều quê, cánh đồng im vắng. Những đám ruộng đã được cày bừa rất thục, đã làm bờ sạch sẽ để chào đón những hạt mầm của mùa vụ mới. Mặt ruộng phẳng lặng trong veo in bóng sắc mây trời, in hình bờ tre xanh ngắt. Mấy con cò rảo bước thật thong dong. Ngày xưa, mùa cấy rất rộn ràng. Người nông dân phải ngâm giống, gieo mạ, nhổ mạ rồi lấy công nhau cùng cấy. Những cây mạ xanh non được bó rất khéo bằng lạt tre rải lưa thưa ra khắp ruộng, qua bàn tay đều thoăn thoắt của các bà, các mẹ bỗng chốc thành hàng hàng lúa mới. Bây giờ, sau khi cày bừa nhuyễn đều, người nông dân chỉ cần tháo cạn nước, vét ruộng thành nhiều luống và sạ hạt giống đã nứt mầm xuống đấy. Khỏe hơn, nhanh hơn cấy nhưng cũng có khi không trở tay kịp với trời, vì rễ mầm chưa kịp bám ruộng, đã gặp vài trận mưa to cuốn đi, phải sạ lại. Và đồng quê thiếu vắng hình ảnh các bác nông dân đội nón mang tơi, lom khom cấy những hàng lúa non thẳng băng trong tiếng nói cười xôn xao.

Nắng chiều tô màu xanh nhạt cho bờ cỏ, xanh đậm cho vườn cây. Nắng rải trên đồi làm nổi bật nhiều mảng màu khác nhau. Xanh sáng, xanh trong, xanh vàng của bờ cỏ, của rặng tre, của vườn cây lấy gỗ. Điểm trên nền xanh ấy là những cây sưa cổ thụ đã lặng lẽ trút hết lá cho cội nguồn, chỉ còn trơ cành trắng bạc, xòe rộng. Hiếm có loài thân mộc nào ở vùng này chịu rụng lá sạch sẽ như sưa. Nên nhiều khi, nhìn sưa, người ta cứ tưởng loài cây nào miền ôn đới đã qua mùa quan san, lạc về chốn này.

Chiều quê. Cây rơm lặng lẽ nơi góc vườn. Cuối đông, vòng rơm dưới gốc đã được rút cho trâu bò những ngày mưa hoặc quá lạnh, để lộ ra phần “xương” của cây: những cây tre đài chụm lại và được cột bằng lạt tre rất chắc. Bọn trẻ thường trú mưa dưới đó. Mưa dầm dề chỉ làm phần mặt ngoài cây rơm bị xám đi, còn lớp trong vẫn vàng óng và thơm ngát. Rơm mới gặt thơm nhè nhẹ thoang thoảng, rơm để qua mấy tháng, thơm đượm mùi nắng, quyện thêm mùi đồng nội. Cây rơm cũng là một phần gia sản của người nông dân với biết bao công dụng: thức ăn cho gia súc, chất đốt, giữ ấm, đặc biệt, rơm còn là nguyên liệu để… làm nhà. Ôi những ngôi nhà tranh vách đất. Những bức tường đất ấy chính là hỗn hợp rơm trộn đất sét sền sệt. Và bây giờ, ảnh hình ấy chỉ còn là hoài niệm không nguôi…

Làng quê nghèo ngày xưa đã qua bao mùa mưa nắng. Nhưng hồn cốt của nó, với vẻ đẹp hiền lành, dung dị và trong trẻo vẫn dư sức quyến rũ, dư sức níu kéo những bước chân đi xa. Rủ rê ta về. Một chiều nào thiết tha…

NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN

;
;
.
.
.
.
.