Âm nhạc truyền thống, cũng như mọi giá trị đặc trưng khác của dân tộc, chính là vốn liếng lớn nhất để tâm hồn và nhân cách mỗi người được bồi đắp. Lúc sinh thời, GS.TS Trần Văn Khê đã dành cả cuộc đời mình cho âm nhạc dân tộc với mong muốn bảo vệ, gìn giữ âm nhạc cổ truyền của dân tộc và đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới.
Các nghệ sĩ Đoàn ca múa nhạc Nhà hát Trưng Vương biểu diễn ca khúc "Bống bống bang bang" mang âm hưởng dân gian. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG |
Cố GS.TS Trần Văn Khê là một “cây đại thụ” trong làng âm nhạc dân tộc Việt Nam, một “pho sử”, một “từ điển sống” về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Ông đã sở hữu một kho tri thức về chèo, tuồng, ả đào, hát xẩm, hát ví, hát bài chòi, điệu hò, điệu lý, nhạc tài tử…
“Điểm lại quãng đời đã qua, hạnh phúc nhứt là tôi làm được những điều mình thiết tha mong muốn: có cơ hội sưu tầm vốn cổ trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, chắt lọc những cái hay để lưu truyền lại cho thế hệ mai sau…”, GS.TS Trần Văn Khê đã viết trong hồi ký của mình.
Muốn hiện đại phải bảo đảm tính dân tộc
Cũng như cố GS.TS Trần Văn Khê, những nhà nghiên cứu, nghệ sĩ khác như GS.TS Trần Quang Hải, ca sĩ Hương Thanh, GS. Phương Oanh… đều hiểu và trân quý vô cùng kho tàng âm nhạc mà ông cha đã để lại. Sau nhiều năm tháng học hỏi, tiếp cận kiến thức âm nhạc rộng lớn của bên ngoài, họ đã nhận ra nền âm nhạc dân tộc có những vẻ đẹp và giá trị vô cùng đặc sắc.
Một trong những bài nói chuyện mà chúng tôi còn ấn tượng mãi của GS.TS Trần Văn Khê khi ông còn sống là ông chỉ ra những đặc điểm âm nhạc rất mới, rất hiện đại trong các làn điệu ru con của Việt Nam. Ông so sánh với những làn điệu âm nhạc dân gian của các nước để chỉ ra những đặc sắc tuyệt vời của âm nhạc dân tộc Việt.
Không phải ngẫu nhiên mà ca sĩ Hương Thanh suốt mấy chục năm qua chỉ đắm đuối một việc duy nhất: biểu diễn các làn điệu dân ca 3 miền của Việt Nam tại Pháp và nhiều quốc gia khác, những nơi có cộng đồng Việt kiều sinh sống. Chị còn làm riêng một CD âm nhạc dành cho trẻ em với tiêu đề Chansons de mon enfance (tạm dịch: Những bài hát của tuổi thơ tôi) với 12 ca khúc dành cho trẻ em được nhiều thế hệ người Việt hát.
Trong CD Chansons de mon enfance, ca sĩ Hương Thanh hát các bài như: Em bé quê, Rước đèn tháng tám, Thằng Cuội, Năm ngón tay ngoan, Tía má em, Bắc Kim Thang, Thằng Bờm, Con bướm vàng, Con chim non, Chim chích chòe, Ru con miền Bắc, Ru con miền Nam... với phong cách trong trẻo, nhả chữ rõ ràng, nhấn nhá âm điệu chậm rãi, “chuẩn chỉ” tiếng Việt để các bé kịp nghe và hiểu ngay cả khi chưa thật thành thạo tiếng Việt.
Đầu tư bắt đầu từ đâu?
Những năm gần đây, việc tìm về âm nhạc truyền thống trong sáng tác âm nhạc trở thành xu hướng được nhiều người trẻ áp dụng, thổi luồng gió mới cho đời sống âm nhạc đương đại. Trong đó, phải kể tới MV Xẩm Hà Nội thể hiện tình yêu Hà Nội được nữ ca sĩ trẻ Nguyễn Thị Ngọc Hà (nghệ danh Hà Myo) ra mắt hồi đầu năm nay và MV Son ra mắt hồi tháng 7.
Đây là lần đầu tiên nghệ thuật hát xẩm truyền thống được kết hợp với ráp và nhạc điện tử cùng vũ đạo hiện đại, trong khi phần âm nhạc của MV Son là sự kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc Việt Nam là đàn tranh và đàn môi với trap - loại hình âm nhạc điện tử. Hay một sự kiện đáng chú ý mới đây, trong đêm nhạc Jalsat số đầu tiên diễn ra tối 12-10 tại sân khấu ngoài trời lớn nhất trong khu tổ hợp EXPO 2020 Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE), đàn bầu Việt Nam được biểu diễn hòa tấu cùng ban nhạc truyền thống Trung Đông...
Thực tế, nhà nước ta đã có nhiều chính sách tôn vinh các nghệ nhân dân gian, nhưng dường như chừng đó vẫn chưa đủ. Việc chăm lo hỗ trợ tài chính cho các nghệ nhân, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc hẳn nhiên rất quan trọng và phải là một phần rất được chú trọng, nhưng còn cần nhiều hơn nữa các biện pháp “phi tài chính” để cổ súy tinh thần hướng về các giá trị cội nguồn theo cách tự nhiên nhưng mạnh mẽ hơn.
Chẳng hạn, vì âm nhạc là một loại hình nghệ thuật biểu diễn nên cần phải được tạo không gian và điều kiện biểu diễn để khơi gợi sự hứng thú, quan tâm của mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Do đó, các đài truyền hình, đài phát thanh, các nền tảng mạng xã hội nên có một chiến lược cụ thể hơn, chăm chút hơn cho các loại hình nghệ thuật dân tộc, trong đó có âm nhạc truyền thống.
Đưa âm nhạc truyền thống vào trường học một cách thực chất, cụ thể sẽ là giải pháp đầu tư mang tính toàn diện và lâu dài hơn cả. Đây sẽ là sự bổ trợ cần thiết và quan trọng bên cạnh các mô hình câu lạc bộ, lớp học âm nhạc truyền thống được tổ chức tại nhiều nhà văn hóa.
Nhiều năm nay, CLB Tiếng hát quê hương của nghệ sĩ đàn tranh, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thúy Hoan tại Cung Văn hóa Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành điểm hẹn của những người yêu âm nhạc dân tộc. Tới đây, các bạn được học các nhạc cụ dân tộc như tranh, sáo, kìm, bầu… và được học hát các bài dân ca 3 miền vào mỗi Chủ nhật. Nhìn những lớp học mà học viên thuộc đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề cứ cuối tuần lại gặp mặt ở đây, có thể cảm nhận nhu cầu thực sự (dù không lớn) của những người trân quý văn hóa truyền thống.
Không nên vội trách thế hệ trẻ quay lưng với âm nhạc dân tộc, bởi rất nhiều em thậm chí chưa biết mặt mũi âm nhạc dân tộc ra sao nếu cha mẹ, thầy cô giáo chưa một lần cho các em tiếp cận. Âm nhạc, cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác, vốn để cảm chứ không phải để hiểu, nên càng được nghe nhiều, cảm nhiều, thẩm mỹ càng được bồi đắp tự nhiên mà không cần giảng giải.
Đầu tư cho âm nhạc truyền thống cần phải được phát huy và đổi mới hơn nữa. Để có được điều đó, rất cần các nhà hoạch định chính sách có tầm nhìn lớn, có cái tâm thiết tha với cội gốc văn hóa dân tộc, và một sự tự tin, đĩnh đạc vào bản sắc dân tộc.
D.K.T