Khởi nghiệp với Làng Roastery coffee

.

Chúng tôi đến Làng Roastery coffee  (51 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu) vào một ngày trời mưa lạnh, gọi tách cà phê nóng và hỏi mật khẩu wifi thì được chủ quán đọc rõ: “Caphetute” (cà phê tử tế - PV). Chủ quán Nguyễn Văn Tín lý giải: “Để có ly cà phê chất lượng cho khách hàng, chúng tôi cùng nhau chăm sóc “tử tế” những cây cà phê để cây đơm bông, kết trái, qua nhiều tháng sơ chế tạo ra những hạt cà phê tốt nhất tại hai vùng nguyên liệu Ngọc Farm (Cầu Đất, Đà Lạt) và Làng Farm (Biển Hồ, Gia Lai). Sau đó, chúng tôi mưu cầu sự tử tế từ hạt cà phê bằng cách chăm sóc, thu hái cẩn thận những quả cà phê chín đỏ, loại bỏ những hạt không đủ chất lượng; rồi nâng niu, bảo quản cà phê đưa về phố rang mới từng mẻ, tạo ra thức uống ngon phục vụ khách hàng”.

Anh Nguyễn Văn Tín, Chủ Làng Roastery coffee rang cà phê 100% Arabica tại quán. Ảnh: THANH TÌNH
Anh Nguyễn Văn Tín, Chủ Làng Roastery coffee rang cà phê 100% Arabica tại quán. Ảnh: THANH TÌNH

Cầu nối cho những người xa lạ

Thật hiếm nơi đâu một tách cà phê được pha chế bởi chính người trồng, hái, rang xay và pha chế. Trong hành trình làm “cà phê tử tế”, Tín và Thảo nỗ lực “tử tế” trong cách chọn nhân xanh, trong cách rang cà phê và pha chế. Nếu cà phê không được làm cẩn thận, chỉ cần một lỗi nhỏ thì ly cà phê sẽ bị đổ bỏ,
không thể mang ra phục vụ khách.

Sau gần 3 năm chọn kinh doanh “cà phê tử tế”, Tín viết trên fanpage của mình: “Những năm tháng làm “cà phê tử tế” đem lại cho Làng điều gì? Thật nhiều tiền ư? Không có đâu! Mà những năm tháng đó cho Làng cơ hội gặp gỡ những vị khách thật tuyệt vời. Họ là những người từ khắp nơi hội tụ về đây, cùng nhau thưởng thức cà phê, có người trở thành khách quen, có người trở thành bạn bè, anh em, tri kỷ... Cà phê trở thành cầu nối tuyệt vời cho những người xa lạ”. Và đấy cũng là mong muốn mà Tín và Thảo chọn khởi nghiệp với “cà phê tử tế”.

Tín sinh ra và lớn lên tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu. Tín gặp Thảo tại Thành phố Hồ Chí Minh khi cả hai học đại học tại đây, sau đó về lập nghiệp ở Gia Lai (quê Thảo). Năm 2019, Tín và Thảo về Đà Nẵng mở quán cà phê khởi nghiệp chỉ với mong muốn duy nhất là mang những hạt cà phê chất lượng tại một trang trại cà phê lớn tại Gia Lai mà cả hai đồng sở hữu đến gần hơn với người tiêu dùng.

“Mở quán không bao lâu thì xảy ra dịch, tuy còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại bởi chúng tôi tìm được niềm vui, đặc biệt là ngày càng được nhiều khách hàng ủng hộ”, Thảo bộc bạch.

Đủ vị đắng, chua, mặn, ngọt

Theo Tín và Thảo, ở Làng sử dụng 100% cà phê Arabica Cầu Đất để ép ra cà phê cho mọi người sử dụng. Cà phê Arabica có vị chua, tính thanh dịu nhẹ, khi uống cà phê tại Làng, ban đầu khách thấy có vị chua nhẹ, sau đó có một chút đắng và để lại hậu vị ngọt ngào.

Ngoài bán cà phê, Làng còn cung cấp hạt hoặc cà phê xay cho khách. Cà phê Làng đặc biệt ở chỗ Làng rang cà phê mới và sử dụng trong khoảng thời gian hạt cà phê còn giữ được toàn bộ phẩm chất trước khi bị oxy hóa. Cà phê tại Làng được rang 1 kg/mẻ, bảo đảm tính ổn định và sự gắn kết giữa thợ rang với hạt cà phê.

“Cà phê trên thị trường có rất nhiều dòng nhưng vợ chồng tôi chọn đường đi khó là mang đến cho khách hàng dòng cà phê chất lượng cao. Chúng tôi tin tưởng khi khách biết đến quy trình, đường đi của cà phê từ lúc trồng đến lúc thưởng thức đều do chính tay vợ chồng tôi làm thì họ sẽ gắn bó lâu dài. Khách khi đến quán không chỉ thưởng thức cà phê thơm ngon, chất lượng mà còn tận mắt thấy cà phê được rang như thế nào, pha chế ra sao. Không những thế, thông qua “cà phê tử tế”, chúng tôi còn muốn khách có cách nhìn đúng về cà phê: cà phê không chỉ có vị đắng mà còn có vị ngọt thanh hòa quyện mùi thơm của hương hoa”, vợ chồng Tín bộc bạch.

Nói về việc đặt tên Làng cho quán, Tín và Thảo lý giải: “Hai vợ chồng muốn tuyển chọn những hạt cà phê đặc biệt thơm ngon của nhiều làng khác nhau trên khắp đất nước. Đó là những hạt cà phê thuần Việt được trồng từ những ngôi làng bé nhỏ trên vùng đất núi đồi cao nguyên. Chữ Làng cũng chứa đựng sự giản dị, mộc mạc mà đầy hạnh phúc và cũng là cách để vợ chồng em luôn nhớ đến Làng, để mang Làng về phố”.

Ghé Làng vào những ngày giao mùa, tiết trời se lạnh, chắc hẳn khách muốn tìm một góc tĩnh lặng để thưởng thức “cà phê tử tế” và biết quy trình làm ra ly cà phê như slogan “Cà rang tại chỗ uống/ Cà uống tại chỗ rang” của quán.

“Không chỉ đơn thuần là thức uống giải khát, cà phê còn giúp con người tỉnh táo, thư giãn. Một tách cà phê chất lượng phải đầy đủ các yếu tố: đủ đắng để suy tưởng, đủ nồng để bồng bềnh, đủ chua để nghĩ về thất bại, đủ mặn để nhớ đến quê hương và đủ ngọt ngào để mình thấy được yêu thương. Đó cũng là điều vợ chồng tôi gửi gắm trong mỗi tách cà phê do chính mình pha chế”, vợ chồng Tín bày tỏ.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.