Dưới chân Hòn Kẽm có hai làng Trà Linh Tây và Trà Linh Đông hình thành do dòng Thu Bồn chẻ đôi, nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Ở xứ sở núi non trùng điệp này có những truyền thuyết dân gian gắn với sự hình thành và phát triển của vùng triền đồi lô nhô của vùng tây xứ Quảng, trong đó có sự tích dinh bà Trà Linh.
Dinh bà Trà Linh trên quả đồi dưới chân Hòn Kẽm. Ảnh: T.M |
Theo truyền thuyết, hai chị em bà Thu Bồn và bà Trà Linh đều là công chúa - nữ tướng của vua Lê. Khi giặc ngoại xâm bao vây kinh thành, hai bà dẫn một đoàn người chạy về phía thượng nguồn sông Thu Bồn để lánh nạn. Tới vùng đất có tên là Phường Rạnh (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam ngày nay), bà Thu Bồn chẳng may ngã ngựa, bị giặc giết chết rồi đẩy xuống sông. Thi hài xuôi theo dòng nước rồi tấp vào ven bờ một làng mạc phía hữu ngạn. Cư dân của làng rất thưa thớt, chủ yếu làm nghề chài lưới, trồng tỉa ven sông; thấy xác bà, họ đưa lên bờ tổ chức khâm liệm, an táng.
Riêng bà Trà Linh tiếp tục ngược nguồn lên vùng rừng núi hoang vu rậm rạp. Khi đến vùng đất phía trên Hòn Kẽm Đá Dừng, thấy cảnh núi non hùng vĩ, có khe suối róc rách đêm ngày, phía đông dòng sông có nhiều bãi phù sa tươi tốt nên bà bảo đoàn người cùng chạy giặc với mình ở lại nơi đây cày cuốc, mưu sinh.
Theo sự phân chia của bà Trà Linh, những người dân chạy theo bà vào núi chặt cây cối, dựng nhà, cắt tranh lợp mái, đốn hạ tre nứa làm phên để ở và bắt đầu khai hoang vỡ đất trồng hoa màu trên những thửa đất nhuộm đỏ phù sa. Thấy phía bên tả ngạn của dòng sông có con khe khá lớn, quanh năm nước từ trên đỉnh núi cao đổ xuống một thung lũng không bao giờ cạn, bà cho dân chúng cày cấy để gieo trồng lúa nước.
Vùng rừng núi hoang dã bao đời bắt đầu có bóng người xuất hiện. Cùng với lúa gạo, khoai sắn do bà con canh tác, nhiều thanh niên trai tráng vào các khu rừng rậm săn bắt, tìm kiếm lâm sản quý hiếm, quăng chài, thả lưới dưới sông để trao đổi, mua bán với đồng bằng nên cuộc sống của đoàn người chạy theo bà ngày một ổn định. Những đôi nam nữ đến tuổi dựng vợ, gả chồng đều được bà phân chia đất đai làm ăn, sinh sống. Thấy dân làng phía hữu ngạn ngày thêm đông đúc, bà khuyên một số người sang phía tả ngạn khai canh, lập cư. Về sau, tên làng Trà Linh ra đời để khắc ghi công lao một nữ tướng tài năng, đoan trang, đức độ.
Đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống dòng sông êm đềm, phẳng lặng, bà Trà Linh nghĩ khúc sông này sẽ tạo ra các cuộc vui chơi, giải trí cho bà con dân làng sau những vụ mùa vất vả hoặc đến khi tiết trời giao hòa lặp lại của năm. Bà liền tập hợp dân làng vào rừng đốn những cây tre thật già mang về xúm xít chẻ nan để đan, lận những chiếc ghe hình thoi, khai thác dầu rái để quét chống nước rồi thành lập các nhóm người đua ghe.
Mỗi khi vào mùa lễ hội đua thuyền, hai bên bờ sông trống giong cờ mở, tiếng reo hò, cổ vũ cho các ghe đua vang động cả cánh rừng. Những chiếc ghe thắng cuộc đều được bà Trà Linh ban thưởng, động viên để mùa sau tiếp tục cố gắng phát huy, giữ gìn nét đẹp truyền thống.
Giữa lúc cuộc sống của dân làng Trà Linh ấm yên no đủ, bỗng dưng bà Trà Linh biến mất. Không một ai trong làng biết bà đi đâu, làm gì, sống chết ra sao. Mỗi khi đêm đông lạnh lẽo phủ xuống làng mạc, nỗi buồn của dân làng càng thêm trĩu nặng bởi sự nuối tiếc, nhớ thương người phụ nữ đa tài, đồng cam cộng khổ với dân làng. Họ bàn tán, suy đoán về nguyên nhân bà vắng mặt, phân công nhau ngược xuôi tìm kiếm, song cuối cùng đều vô vọng.
Các bô lão trong làng bảo, sau khi giúp dân loạn lạc tạo dựng được xóm làng yên ấm, bà Trà Linh đã theo bà Thu Bồn yên nghỉ ngàn thu. Để tỏ lòng biết ơn công lao mở đất dựng làng của bà Trà Linh, bà con đã chọn một quả đồi phía hướng tây dưới chân Hòn Kẽm sát bờ sông dựng ngôi miếu nhỏ để thờ bà. Trải qua bao thăng trầm và sự tàn phá của thời gian, ngôi miếu bị hư hỏng.
Đến năm 2002, bà con làng Trà Linh chung góp tu sửa tạm thời ngôi miếu. Đến năm 2019, một số người con của làng quê làm ăn xa xứ cũng như dân làng tập trung xây dựng mới ngôi miếu và gọi là Dinh bà Trà Linh.
Vào ngày 14-2 âm lịch hằng năm, dân làng Trà Linh nói chung, xã Hiệp Hòa nói riêng tổ chức giỗ bà Trà Linh, cầu nguyện quốc thái dân an, phù hộ độ trì cho dân làng ấm yên, no đủ. Sau phần lễ nghi là cuộc đua ghe diễn ra ngay tại khúc sông nơi tọa lạc dinh bà. Việc đua ghe này đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương và quy mô tổ chức còn tùy thuộc vào điều kiện khách quan như có năm chỉ diễn ra việc thi thố giữa các ghe trên địa bàn xã, huyện, song cũng có năm tập trung thêm hàng chục ghe đua từ các huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Thăng Bình…
Trở lại chuyện bà Thu Bồn. Sau một thời gian bà được dân làng an táng, lập áng thờ thì xảy ra dịch đậu mùa, bà hiển linh cứu nhân độ thế, giúp dân làng tai qua nạn khỏi. Về sau, để ghi nhớ công ơn của bà, dân làng lập lăng thờ cúng, gọi là Lăng bà Thu Bồn (nay thuộc thôn Thu Bồn Đông, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Ngày 12-2 âm lịch hằng năm, nơi đây diễn ra Lễ hội bà Thu Bồn mang đậm dấu ấn tín ngưỡng tâm linh. Lăng bà Thu Bồn được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh, còn Lễ hội bà Thu Bồn được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Dinh bà Trà Linh nay thuộc thôn Trà Linh Đông. Sự trùng hợp ngẫu nhiên về hướng đông của vị trí thờ cúng hai bà thật thú vị.
THÁI MỸ