Thầy giáo trẻ tâm huyết với nghề

.

24 tấm gương Nhà giáo tiêu biểu được thành phố tuyên dương nhân kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20 - 11) sắp tới có thầy giáo Lê Mạnh Tấn (30 tuổi, quê Hà Tĩnh, giáo viên môn Sinh học, Bí thư Chi đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám).

Thầy Lê Mạnh Tấn (phải) cùng học sinh quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt vào năm 2020. Ảnh: P.V
Thầy Lê Mạnh Tấn (phải) cùng học sinh quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt vào năm 2020. Ảnh: P.V

7 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Lê Mạnh Tấn đã thể hiện hết trách nhiệm của một nhà giáo tâm huyết, luôn đổi mới sáng tạo, có những sáng kiến trong công tác dạy và học. Thành tích Nhà giáo tiêu biểu là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực của thầy Lê Mạnh Tấn .

Đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học

4 năm học chuyên ngành Sinh học, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Lê Mạnh Tấn luôn nỗ lực học tập và tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động đoàn thể; tham gia công trình khoa học về nghiên cứu mô hình trồng rau thủy canh tại Cù Lao Chàm, Hội An (tỉnh Quảng Nam). Năm 2014, chàng sinh viên năm cuối đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố, “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”, vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Ước mơ của tôi là được làm việc, cống hiến cho ngành giáo dục thành phố, được đứng lớp để truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho học sinh. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi xin dạy tại Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Đà Nẵng năm học 2014-2015; từ năm học 2015-2016 được về giảng dạy tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho đến nay”, Tấn chia sẻ. Quá trình giảng dạy, anh thường xuyên đổi mới trong việc dạy học và kiểm tra, đánh giá phù hợp với năng lực của học sinh; sử dụng và tổ chức hiệu quả dạy học bằng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, giúp học sinh hứng thú với bộ môn. Nhờ đó, hằng năm, số học sinh đạt điểm trung bình bộ môn giảng dạy luôn trên 80%, trong đó 30-35% đạt loại giỏi.

Năm học 2020-2021, Tấn được nhà trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học lớp 10 và 11 nhằm tạo tiền đề để thi học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố; bồi dưỡng học sinh tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật các cấp. Thầy Tấn cảm thấy rất vinh dự với nhiệm vụ này nên luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các thầy cô đi trước, tìm tòi để bổ sung vào nguồn tài liệu giảng dạy.

Thầy Tấn cho biết, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giáo viên luôn phải linh hoạt giữa hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp, chủ động bồi dưỡng học sinh từ đầu năm học. Anh chủ động cung cấp nguồn tài liệu phong phú và đưa ra các bài kiểm tra đòi hỏi khả năng tư duy, ứng dụng cao; luôn tạo môi trường để học sinh chủ động học hỏi, nghiên cứu và trao đổi cùng bạn bè, giáo viên bồi dưỡng, từ đó mỗi học sinh đều có thể nắm vững kiến thức. Trong năm học có 2 học sinh đoạt giải Nhất, 1 học sinh đoạt giải Nhì, 4 học sinh đoạt giải Ba và 4 giải Khuyến khích cấp trường. Đối với cuộc thi Khoa học kỹ thuật, đoạt 1 giải cấp thành phố và giải Triển vọng cấp quốc gia.

Nhiều sáng kiến hữu ích

6 năm giảng dạy tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám, thầy Tấn có nhiều sáng kiến phục vụ hoạt động chuyên môn, tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập. Nổi bật là năm học 2017-2018, anh triển khai sáng kiến “Biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các câu lạc bộ, đội, nhóm học sinh trong nhà trường”, được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận. Sáng kiến này góp phần thúc đẩy hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm học sinh trong trường THPT, tạo ra sân chơi đa dạng theo sở thích, sở trường của mỗi học sinh, phát huy năng lực của các em. “Đến nay, với việc vận dụng hiệu quả các biện pháp nêu trên, Trường THPT Hoàng Hoa Thám xây dựng và duy trì 7 CLB hoạt động theo sở thích, sở trường. Đồng thời, mỗi năm thành lập mới từ 2 CLB theo nhu cầu sinh hoạt của học sinh và có 500-600 học sinh tham gia ít nhất 1 CLB, góp phần giúp học sinh phát triển toàn diện, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường”, thầy Tấn chia sẻ.

Năm học 2018-2019, thầy Tấn tiếp tục thực hiện sáng kiến “Biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian cho học sinh THPT”, được Hội đồng Sáng kiến cấp thành phố công nhận. Nhóm giải pháp đề tài đưa ra tập trung vào việc phát huy các nguồn lực từ học sinh, cựu học sinh để phát triển các loại hình dân gian trong trường học phù hợp với sở thích của học sinh, từ đó thu hút các em tham gia. Trong sáng kiến này, các hoạt động văn hóa dân gian, văn nghệ dân gian cũng được mở rộng về quy mô tổ chức thành các Ngày hội giao lưu cấp trường, liên trường; học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi về văn học dân gian đạt thành tích cao. “Các trò chơi dân gian và văn nghệ dân gian được đưa vào nhà trường lồng ghép qua các hoạt động ngoài giờ. Đối với bậc THPT, ngoài hiệu quả giáo dục, các hoạt động này còn góp phần đẩy lùi các tệ nạn học đường hay việc học sinh tham gia các trò chơi online vô bổ”, thầy Tấn chia sẻ.

Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết, nhắc đến thầy giáo Lê Mạnh Tấn là nhắc đến người thầy tâm huyết, năng động, sáng tạo. Tuy tuổi nghề chưa nhiều nhưng luôn đi đầu trong việc đổi mới sáng tạo dạy và học, nhiều sáng kiến phục vụ tốt quá trình giảng dạy và học tập của học sinh; mẫu mực, được đồng nghiệp tín nhiệm, tin yêu; tạo được uy tín trong phụ huynh và học sinh. “Nhiều năm thầy là chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi, được Trung ương Đoàn, UBND thành phố, Thành Đoàn tặng nhiều bằng khen. Nhân dịp 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy Tấn được chọn là một trong 24 tấm gương giáo viên tiêu biểu được thành phố tuyên dương, khen thưởng, đó là phần thưởng rất xứng đáng”, thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy cho biết.

AN NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.