Truyện ngắn

Có tiếng cười rơi từ phía sân trường

.

Bích dẫn xe vào nhà khi hoàng hôn đã đỏ rực phía bên kia trời. Trong đầu vẫn ong ong tiếng giáo viên bộ môn phàn nàn về học sinh của mình. Đứa không chịu làm bài tập. Đứa đi học trễ. Đứa ngồi học không tập trung. Năm học cuối cấp nên cả cô lẫn trò đều áp lực. Cuộc trao đổi với phụ huynh học sinh lúc chiều muộn càng khiến đầu Bích căng ra, đau nhức.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trời chập choạng tối. Căn nhà vắng tanh. Chồng Bích đi công tác vắng. Chiều cuối tuần, con gái Bích đi học về thì ghé xuống nhà bà ngoại chơi, rồi ở lại luôn bên đó. Bích nhìn căn bếp lạnh tanh, uể oải chẳng muốn nấu nướng gì. Hoạt động 20-10 vừa kết thúc, Bích lại bắt tay chuẩn bị cho hoạt động 20-11, rồi chuẩn bị tiết dự giờ, hội giảng cấp trường, cấp tỉnh. Ngoài công việc đứng lớp, hàng tá việc không tên đi kèm khiến một giáo viên đầy tâm huyết như Bích những ngày mới về trường, sau 15 năm bám trụ với nghề bỗng thấy mệt mỏi rã rời.

Nhiều lần Hùng bảo vợ, hay là nghỉ dạy, kiếm việc khác để làm cho đỡ lao lực. Nhưng bao nhiêu năm qua, Bích chỉ quen với việc dạy học, nghỉ việc thì biết làm việc gì, nên dù chán nản với công việc, những giáo viên như Bích cũng chẳng mấy ai dám bỏ nghề.

Tiếng nói cười lao xao ngoài cổng xóa tan cái tĩnh lặng cuối ngày. Qua khung cửa sổ màu xanh biếc, Bích thấy đám học trò đang đứng nói cười líu ríu dưới giàn hoa giấy. Thanh âm rộn rã như vang xa cả khu phố. “Lớn hết rồi, sao lại cười nói ồn ào ngoài phố thế kia?”. Bích mở cửa, không quên càu nhàu đám học trò vài câu. Những cô cậu học trò ngày nào giờ đều đã trưởng thành. “Lâu lâu mới về đứng dưới giàn hoa đỏ rực, vui quá nên không để ý đó cô”. Huyên ríu rít. Ngày trước, ở đây là giàn sử quân tử. Vào mùa hoa, hương sử quân tử thơm ngát phủ khắp nhà. Năm đó nắng nhiều, dù Bích chăm chỉ tưới nước mỗi ngày nhưng vẫn không giữ được giàn hoa. Mấy đứa học trò ghé về chơi, thấy giàn hoa khô cong queo chưa kịp dọn dẹp thì tiếc hùi hụi. Nhà Huyên có cây hoa giấy rất to. Cây hoa giấy nằm sát mé tường. Mùa hoa, ai đi ngang nhà Huyên cũng dừng lại tấm tắc, không nỡ bước đi. Huyên cắt xuống một nhành, mang về nhà Bích giâm vào bồn sử quân tử đã chết.

Mấy đứa học trò đều bảo, Huyên có tay trồng cây. Nhánh hoa giấy Huyên giâm xuống, chẳng mấy chốc đã nảy chồi xanh tốt. Thấm thoát mà đã hơn chục năm. Cây hoa giấy đến giờ vẫn xanh um tươi tốt. Quanh năm đều cho hoa đỏ rực cả góc trời. “Em mang đến tặng cô mấy chậu xương rồng em vừa nhân giống thành công. Hoa màu tím rịm cực kỳ xinh. Nhất định cô sẽ thích”. Huyên lấy trong cốp xe máy mấy chậu xương rồng đang nở hoa chúm chím. Chiếc chậu được Huyên tỉ mỉ vẽ tay. Những bức tranh đồng quê mộc mạc, những hoa lá tươi xanh cực kỳ bắt mắt.

Bích nhớ mãi lần nói chuyện với Huyên trên sân bóng của trường. Hoàng hôn đỏ rực phủ xuống sân bóng vắng tanh. Gió chiều vun vút thổi vẫn không xóa dịu cái oi nồng còn sót lại cuối ngày. Bố mẹ Huyên ly hôn. Bố lấy vợ mới. Mấy năm sau, mẹ cũng lấy chồng. Huyên với bà ngoại sống nương tựa vào nhau. Huyên học làng nhàng, không đặc biệt giỏi môn nào. Nhà bà ngoại có khoảng vườn nho nhỏ, Huyên trồng xuống đủ thứ hoa. Căn nhà nhỏ xíu của hai bà cháu, bốn mùa lúc nào cũng rực rỡ sắc hoa. Cô bé cực kỳ thích trồng cây, rồi mày mò ghép cành, lai tạo những giống hoa mới. Lúc chọn trường rồi chọn ngành học,

Huyên không biết mình thích gì, muốn gì. Chưa kể đi học đại học phải rời quê ra phố. Huyên không muốn bỏ lại bà ngoại già cả trong căn nhà vắng tanh. Học đại học xa nhà, chi phí cũng là một vấn đề khi xưa nay cô bé không hề nhận được chu cấp từ bố mẹ. “Con đường vào đại học không phải là con đường duy nhất để đưa mọi người vào đời. Có rất nhiều con đường đưa chúng ta đến thành công mà không nhất thiết phải bước qua cánh cổng đại học. Miễn chúng ta có ước mơ và sở thích để theo đuổi”. Bích đã nói với Huyên như thế khi tiếng ve râm ran trên ngọn bằng lăng nơi góc trường.

Ngọn đèn đường ngoài kia đã bật sáng, hắt ánh sáng mờ mờ vào sân bóng. 18 tuổi, Huyên khởi nghiệp bằng việc trồng hoa, ươm hoa, tại chính mảnh vườn be bé của bà ngoại mình. Bây giờ, giới kinh doanh nhà hàng, cà phê thường tìm đến Huyên để decor không gian xanh cho quán. Bích nhìn cô học trò ốm nhom ngày nào, giờ xinh đẹp hẳn. Hồi đi học, Huyên lầm lì, ít cười. Giờ công việc phải giao tiếp nhiều, Huyên hay cười hẳn, nên gương mặt lúc nào cũng tươi rói.

Đám học trò cũ kéo Bích đến nhà hàng của Duy. Duy học đại học xây dựng, ra trường xông pha vài năm, cuối cùng thì bỏ nghề về mở quán ăn. Lúc đầu mở quán nhỏ, rồi mở quán to. “Nếu biết cuối cùng cũng đi theo nghiệp đầu bếp, em đã không học đại học cho lãng phí tiền. Chỉ có Huyên là có tầm nhìn nhất”. Duy nói với Bích. Duy không biết năm đó Huyên cũng từng muốn thi vào đại học Nông lâm, nhưng điều kiện không cho phép. Nếu được, Huyên cũng muốn bước chân vào giảng đường đại học, trải qua tuổi thanh xuân rực rỡ của mình nơi đó, thay vì lao vào đời bôn ba.

Hồi cấp ba, mỗi lần lớp tổ chức liên hoan, Duy là người lên thực đơn, rồi đứng bếp chính. Cả lớp đều nghĩ Duy sẽ chọn ngành đầu bếp để theo đuổi sở thích nấu nướng. Không ngờ Duy lại chọn xây dựng. Bố Duy bảo “đàn ông con trai mà học nấu nướng thì ra thể thống gì”. Duy đăng ký nguyện vọng thi đại học theo ý bố, nhưng cuối cũng vẫn sống theo đam mê của mình.

Không hiểu sao, những năm tháng đi dạy, Bích đều có duyên với những học trò cá biệt của lớp. Giống như Duy, dù học hành tốt nhưng đánh lộn suốt ngày. Có lần, Bích nhận được cuộc gọi của Duy, năn nỉ Bích đến quán cà phê để gặp mặt. Tối đó trời mưa to, giọng Duy khác lạ so với ngày thường. Linh cảm của người phụ nữ khiến Bích dắt xe lao ra khỏi nhà, mưa mùa đông hắt lên mặt lạnh buốt. Tối đó, hai cô trò ngồi trong quán trò chuyện đến tận khuya. “Tụi bạn rủ em đi đánh nhau. Em nói bận không đi được mà tụi nó nhất định không tin, cứ lôi kéo em đi cho bằng được. Em phải nói đang ngồi ở quán với cô giáo chủ nhiệm, tụi nó mới chịu”. Duy nói với Bích khi hai cô trò rời khỏi quán. Sáng hôm sau, Bích biết được khu phố bên kia đêm qua xảy ra đánh nhau. Có ba thanh niên phải nhập viện cấp cứu. Bích nhìn Duy ngồi lặng yên làm bài tập trong lớp mà hết hồn.

Duy là học sinh cá biệt của lớp, của trường. Vào học kỳ II năm lớp 11, Duy suýt bị nhà trường đuổi học nếu không có Bích đứng ra bảo lãnh. Trong tiết chào cờ một tuần sau đó, Duy đã ném xuống sân trường viên pháo sáng khi tất cả học sinh và giáo viên cả trường đang tụ tập trên sân. Lúc đó, Bích có việc nên ghé lên lớp học. Từ góc cầu thang, Bích thấy bóng dáng Duy vụt chạy đi ở hành lang cầu thang đối diện. Hiệu trưởng giận dữ, nhất quyết phải tra bằng được thủ phạm. Nếu biết Duy là thủ phạm, kết cục bị đuổi học là chắc chắn. Bích nhắn với Duy: “Không muốn tiếp tục đi học nữa phải không?”. Không có tin nhắn trả lời. Bích không báo lên ban giám hiệu trường chuyện của Duy. Cô muốn cho cậu học trò cá biệt thêm một cơ hội cuối. Không ngờ Duy thay đổi. Cuối năm 11 và cả một năm 12 sau đó, Duy học tốt hẳn. Duy đậu đại học năm đó cũng khiến Bích bất ngờ.

Ở trường, Bích là cô giáo của đám học trò loai choai đang ở tuổi nổi loạn. Ra khỏi lớp, Bích là người chị, người bạn lớn của chúng. Cô trò hay cùng nhau đi chơi, trò chuyện, nên việc gì tụi nhỏ cũng tìm đến Bích để tâm sự. Ngay cả chuyện yêu sớm, Bích cũng được học trò tin cậy kéo ra quán cà phê ngồi tỉ tê. Tình yêu tuổi học trò bao giờ cũng đẹp. Nếu người lớn biết dẫn dắt thay vì ngăn cấm, sẽ là động lực để cả hai phấn đấu trong học tập. Hôm cầm thiệp cưới của My và Luân, Bích vui rạo rực. Ai mà ngờ cô bé từng tìm đến cô giáo chủ nhiệm chia sẻ về những rung động đầu đời mấy năm trước, cuối cùng cũng có cái kết viên mãn với cậu bạn cùng bàn hồi cấp ba. Đám cưới hôm đó, đám học trò cũ kéo Bích đi khắp nơi chụp hình không biết mệt. Đứa gọi Bích là “bà mai”, đứa kêu cô giáo là “ma ma tổng quản”. Những việc học trò từng không dám nói với mẹ cha, chúng đều tìm đến Bích đầy tin cậy. Vậy nên, Bích cứ thấy mình trẻ trung mãi khi tiếp xúc với đám học trò. Mỗi khi chán nản hay mệt mỏi với công việc, chỉ cần nghĩ đến đám học trò lúc nào cũng bừng bừng sức sống, Bích lại có thêm động lực để đi tiếp con đường mà mình chọn.

“Cô ơi!, Chiều thứ bảy này tụi em tập trung ở nhà cô liên hoan được không cô?”

“Mấy bạn nam sẽ nấu bún bò đó cô. Còn mấy bạn nữ sẽ làm bánh bột lọc. Bánh bột lọc nhân tôm. Tôm rào sang chảnh luôn. Nhất định sẽ rất ngon”.

“Bạn Hoa vừa học được món chè bột lọc bọc heo quay từ bà nội. Hôm đó lớp mình sẽ làm chuột bạch, để bạn Hoa trổ tài luôn cô nhé?”

Nhóm zalo “Lớp 12C7 đẹp trai xinh gái học tốt chăm ngoan” mà Bích đang chủ nhiệm báo tin nhắn liên tục.

Nhóm “Học trò cũ 2013” cũng liên tục có tin nhắn: “Thứ bảy này dự báo thời tiết nắng rất to. Phù hợp để đi biển. Sáng cô tham dự lễ xong, tụi em đến trường đón cô nha”. “Hôm đó cô nhớ mặc cái đầm hoa màu vàng chanh đồng phục của lớp chúng ta nghe cô”.

Bích nghe âm thanh tít tít liên tục trên điện thoại rồi bật cười. Mấy đứa học trò cũ ngồi bên cạnh nghiêng đầu nhìn chằm chằm vào điện thoại Bích: “Rồi nhóm nào sẽ giành giật được cô giáo?”. Một đứa hỏi. “Hôm đó, tụi em cũng muốn tham gia. Em còn chưa gặp lứa học trò năm này của cô đâu”. Câu nói của Phúc khiến cả đám hào hứng hưởng ứng. “Vậy mấy đứa không đi làm hả”. “Cuối tuần mà cô ơi. Tụi em dành hết cho cô”. Cả đám bật cười. Bích cũng cười.

Bích nhắn vào zalo: “Tập trung hết ở nhà cô. Sẽ có tiệc BQQ nha mấy đứa”. Cơn gió đêm lướt qua khiến mấy dây hoa lộc vừng ở góc quán rớt lao xao trên thềm. Bích nhìn những gương mặt học trò thân thương. Những gương mặt tươi trẻ đầy nhiệt huyết với cuộc sống. Hít thật sâu hương lộc vừng ngọt lịm thoang thoảng trong gió đêm lành lạnh, Bích chợt thấy lòng mình cũng mềm mại như một đóa hoa.

LINH CHI

;
;
.
.
.
.
.