Đà Nẵng cuối tuần
Tự chữa lành những rối loạn lo âu, căng thẳng
Căng thẳng, lo lắng là tâm trạng thường thấy của con người khi đối mặt với các tình huống nguy hiểm hoặc trước áp lực thi cử, học hành. Tuy nhiên, khi cảm xúc này diễn ra thường xuyên, kéo dài, không rõ nguyên nhân, đi kèm với các biểu hiện tiêu cực, đó có thể là lo âu bệnh lý.
Hòa mình vào thiên nhiên là một trong những giải pháp tự chữa lành. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM |
Theo bác sĩ CKII Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em và Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, những biểu hiện đó có thể là mất ngủ, đổ mồ hôi, cáu ghét, căng cứng cơ thể, tim đập nhanh, đứng ngồi không yên, suy nghĩ nhiều và không thể dừng lại. “Không có chế độ điều trị kiểu mẫu nào cho người gặp triệu chứng lo âu, căng thẳng, nhưng họ vẫn có thể tự chữa lành bằng liệu pháp tâm lý, như thư giãn, tự cân bằng cảm xúc, tập khí công, yoga hoặc tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí…”, bác sĩ Hải Vân cho hay.
Tự cân bằng cuộc sống
Tìm đến yoga như liệu pháp thư giãn giúp cân bằng cuộc sống, chị Đoàn Hoàng Thảo (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) không nghĩ có ngày mình trở thành huấn luyện viên, tự tin chia sẻ những lợi ích mà yoga mang lại. Chị nói rằng, sự kết hợp giữa tư thế thiền, chuyển động chậm và nhịp thở trong các bài tập yoga giúp chị giảm căng thẳng, cũng như loại bỏ khỏi tâm trí những điều phiền muộn, bất an.
Chị Thảo nhìn nhận, khoảng 70% người tập yoga xem đây là phương pháp tự chữa lành hệ thần kinh, đặc biệt là chứng mất ngủ, tim đập nhanh và lo lắng kéo dài. “Khi bị rối loạn lo âu, có thể tạo thế tam giác, thế cây, thế anh hùng, con cá hay gác chân lên tường…, bởi đây là những tư thế giúp con người thư giãn, tập trung vào hơi thở, giải tỏa cảm xúc tiêu cực và đánh thức khả năng tự chữa lành của cơ thể”, chị Thảo nói.
Tại Cỏ Yoga (41 Phạm Tứ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), không ít học viên của chị Thảo từng trải qua cú sốc tinh thần hoặc gặp stress trong công việc, thậm chí có cả trẻ tự kỷ. Với trẻ tự kỷ, chị chọn phương pháp can thiệp tâm lý bên trong chứ không can thiệp hay áp đặt hành vi bên ngoài. “Chúng tôi bước vào thế giới tâm hồn của trẻ để làm bạn, kết nối và hướng dẫn tham gia các trò chơi vận động, thả lỏng cơ thể bằng tư thế yoga đơn giản, thoải mái”, chị Thảo chia sẻ thêm.
Ngoài yoga, thời gian qua, nhiều bạn trẻ tìm đến phương pháp “trị liệu thiên nhiên” hay “tắm rừng” để giải phóng cơ thể. Khái niệm này xuất hiện ở Nhật Bản vào đầu những năm 1980, đi kèm với các nghiên cứu về lợi ích của hoạt động tắm rừng đối với sức khỏe thể chất và tâm lý con người, như giảm tress, tăng cường lưu thông máu, nâng cao sức đề kháng, chữa bệnh mãn tính, điều chỉnh tâm trạng và giảm căng thẳng, lo âu...
Chị Nguyễn Thị Thu H. (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), thành viên nhóm “Barefoot in the woods” (tạm dịch: Đi chân trần trong rừng) tại Đà Nẵng cho biết, nhóm thường xuyên tổ chức các buổi dạo chơi trong rừng. Đó là “những buổi không đi bộ, không tập thể dục, chỉ có khoảng thời gian tĩnh lặng, suy ngẫm cạnh những cái cây”.
Theo chị Thu H., khi đứng giữ rừng, vỏ não của chúng ta ở trạng thái thư giãn, cơ thể được vỗ về bởi không khí trong lành, tĩnh tại, giàu oxy và các tinh dầu từ lá cây, ngọn cỏ. “Khoảng thời gian ấy rất yên, cơ thể hoàn toàn thư giãn, trong đầu không có suy nghĩ nào hiện ra, ngoài việc duy nhất đắm mình trong âm thanh của lá, của chim, của màu xanh và không gian tĩnh lặng”, Thu H. nói.
Chấp nhận sự khác biệt
Không bài xích bản thân, chấp nhận sự khác biệt và tìm cách xoa dịu nó là cách mà ông N.V.N (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) lựa chọn hơn 60 năm qua. Ông N. đang dành cả cuộc đời để chung sống hòa bình với căn bệnh hiếm gặp: hội chứng sợ màu đỏ. Hễ nhìn thấy màu đỏ ở đâu, ông lập tức căng cứng cơ thể, căng thẳng và nôn ói không kiểm soát. Hội chứng này cũng gây ra cho ông nhiều phiền toái, thậm chí bị bạn bè trêu chọc, xa lánh.
“Hồi nhỏ, nhà tôi nghèo, mẹ không có tiền mua kính nên lấy thùng cạc-tông đục ở giữa, dán giấy gương màu đen, xanh để tôi đội lên mỗi khi ra đường. Dù hiệu quả nhưng nó cũng gây ra cho tôi bao điều bất tiện, nhớ nhất là lần đến trường, trong giờ học, thầy giáo mang giáo cụ ra dạy, một mớ lùng nhùng đỏ chót, tôi vội chụp cái thùng cạc-tông lên đầu, bị thầy mắng, yêu cầu bỏ ra. Vừa lấy xuống thì tôi bắt đầu nôn ói, “mật xanh mật vàng” đến hết tiết học”, ông N. kể.
Để tự chữa lành bệnh của mình, ông N. nói ông thường ra khỏi nhà với chiếc kính đen. Hơn 45 năm qua, không gian sinh hoạt trong gia đình ông N. không trưng bày màu đỏ, kể cả không tivi, lướt mạng internet (ông chỉ sử dụng máy tính để đánh văn bản - PV), vì nếu không cẩn thận, cơ thể sẽ “biểu tình” bằng nôn ói, toát mồ hôi, hoảng sợ và thở dốc.
Bác sĩ CKII Trần Thị Hải Vân cho hay, có nhiều phương pháp lành mạnh để đối phó với rối loạn lo âu, ngay cả khi nó đã thành “mạn tính”, ví như việc chủ động gia nhập đội nhóm hỗ trợ về rối loạn lo âu để tìm sự đồng cảm, kinh nghiệm ứng phó. Đừng quá lưu tâm về quá khứ, hãy làm điều bạn có thể làm để khiến cuộc sống tốt hơn. Khi cảm thấy lo lắng, hãy đi bộ thật nhanh hoặc chuyển sự tập trung vào công việc yêu thích, ăn uống đầy đủ, tránh cà phê, thuốc lá vì có thể làm triệu chứng lo âu thêm trầm trọng.
Thoát khỏi những áp lực đè nặng cũng là cách xoa dịu, giảm căng thẳng cho người mắc chứng bệnh thần kinh. Sau nhiều năm sống chung với hội chứng tâm thần phân liệt, sức khỏe thể chất, tinh thần của N.H (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), bệnh nhân điều trị ngoại trú của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có những chuyển biến tích cực. N.H từng là học sinh giỏi, thi đậu lớp chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nhưng áp lực học hành đã khiến cô bé trở nên cáu gắt, giận dữ, nói hỗn với người thân. Nhiều khi N.H tự đập đầu vào tường, cười nói một mình, không chịu đến trường...
H. đổ bệnh khiến gia đình em sốc nặng, bởi cô bé từng là niềm tự hào của gia đình. Chị U. (mẹ H.) cho biết, vợ chồng chị lo buôn bán, không để ý tới tâm lý, cảm xúc của con, đến lúc phát hiện thì tình trạng bệnh đã chuyển nặng. Với những biểu hiện này, H. được bác sĩ chẩn đoán bị tâm thần phân liệt, hoang tưởng, một phần nguyên nhân đến từ áp lực học hành, thi cử và các mối quan hệ ngoài xã hội.
Chị U. cho biết, vài tháng nay, trừ lúc thần kinh căng thẳng, H. vẫn tỉnh táo, phụ giúp việc nhà và giao lưu cùng bạn bè trên mạng xã hội. “Từ ngày nghỉ học, thoát khỏi áp lực học hành, thi cử, hạn chế tiếp xúc, H. bình tĩnh và vui vẻ hơn”, chị U. nói.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, liệu pháp chữa bệnh bằng tâm lý rất được coi trọng trong điều trị các vấn đề về thần kinh. Đồng thời, để bệnh không trở nặng, người gặp bất ổn về mặt tinh thần cần chủ động chia sẻ với người thân, bạn bè, tìm phương pháp giải tỏa, thay vì chịu đựng và tự vấn bản thân. Đối với gia đình có người thân gặp các vấn đề về tâm lý, cần tạo không gian thoải mái, gần gũi, đó cũng là cách giúp họ tự-chữa-lành những khiếm khuyết trong tâm hồn và suy nghĩ của mình.
Căn bệnh bộc phát trong vô thức đã khép lại vĩnh viễn cánh cửa vào đại học của N.H. Dù vậy, trong lần trò chuyện ngắn ngủi với chúng tôi mới đây, N.H vẫn nói về ước mơ được cắp sách đến trường, hoặc được học một cái nghề, để em cảm thấy cuộc đời mình không trở nên thừa thãi.
Có nhiều phương pháp lành mạnh để đối phó với rối loạn lo âu, ngay cả khi nó đã thành mãn tính. Ví như việc chủ động gia nhập đội nhóm hỗ trợ về rối loạn lo âu để tìm sự đồng cảm, kinh nghiệm ứng phó. Đừng quá lưu tâm về quá khứ, hãy làm điều bạn có thể làm để khiến cuộc sống tốt hơn. Khi cảm thấy lo lắng, hãy đi bộ thật nhanh hoặc chuyển sự tập trung vào công việc yêu thích, ăn uống đầy đủ, tránh cà phê, thuốc lá vì có thể làm triệu chứng lo âu thêm trầm trọng” Bác sĩ CKII Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ emvà Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng |
TIỂU YẾN