Đà Nẵng cuối tuần
Nâng tầm thương hiệu bưởi Hòa Ninh
Cây bưởi da xanh Hòa Ninh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy đăng ký nhãn hiệu khiến bà con nơi đây khấp khởi vui mừng, và người mừng nhất có lẽ là ông Đặng Văn Nhân ở thôn Đông Sơn, chủ nhân vườn bưởi rộng hơn 7ha, với 200 cây đang vào mùa thu hoạch.
Ông Bùi Quang Tiến (thôn Sơn Phước) tự hào với vườn bưởi 500 gốc đang phát triển tươi tốt của mình. Ảnh: H.L |
Ông Nhân là một trong những nông dân tích cực nhân rộng mô hình trồng bưởi da xanh trên vùng đất đồi Hòa Ninh. Tính đến nay, địa phương này đã có hơn 200ha đất trồng bưởi, nằm rải rác tại các thôn Đông Sơn, Sơn Phước, An Sơn, Trung Nghĩa, trung bình mỗi cây cho thu nhập 2-3 triệu đồng/năm.
Xây dựng thương hiệu bưởi Hòa Ninh
Cuối tháng 10, vườn bưởi da xanh của gia đình ông Đặng Văn Nhân đón đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đến thăm, nghiệm thu dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển bưởi da xanh. Giữa vườn đồi thoai thoải, hàng trăm gốc bưởi mọc xen kẽ, cành lá lẫn vào nhau tươi tốt. Ông Nhân không giấu niềm vui, nói rằng việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa không những giúp quả bưởi được giá, có chỗ đứng trên thị trường, mà còn giúp người dân tự tin xây dựng thương hiệu bưởi da xanh Hòa Ninh - điều mà ông ấp ủ từ lâu.
Gia đình ông Nhân gắn với nghề trồng bưởi thương phẩm chừng 10 năm nay, cũng là khoảng thời gian trái bưởi Hòa Ninh được người tiêu dùng biết đến. Năm 1982, trong lúc dọn vườn, ông Nhân để ý thấy cây bưởi dại mọc ngoài bờ rào nên bứng vào trồng. Thời gian trôi, dù không chăm sóc, không bón phân hay tưới nước nhưng cây vẫn phát triển tươi tốt, cho quả ngọt lịm, mọng nước. Thấy vậy, ông chiết cành trồng khắp trong vườn.
“Ngày ấy, đường sá chưa thông nên trái bưởi chỉ để ăn, biếu tặng chứ không mua, bán gì. Đến năm 2020, có người tới tận nhà hỏi mua bưởi về bán, thấy được giá nên gia đình trồng thêm nhiều gốc khác”, ông Nhân kể.
Bưởi da xanh Hòa Ninh cho trái to tròn, vỏ mỏng, ngọt thanh, tép dày, được người dân địa phương xem là đặc sản, dành để biếu, tặng người thân. Đứng giữa vườn bưởi rộng gần 7ha, ông Nhân nói nếu không nhìn thấy tiềm năng từ cây bưởi, có lẽ ông không bỏ nhiều tâm sức, vốn liếng gầy dựng.
Ngoài chiết cành để mở rộng vườn bưởi, ông Nhân cũng chiết hàng trăm cành khác cho hai người em Đặng Văn Tịnh, Đặng Văn Hòa. Ở thôn Đông Sơn, ba anh em Nhân, Tịnh, Hòa cùng chung mục tiêu nhân rộng vườn bưởi, cũng như sẵn sàng chung tay cùng địa phương xây dựng thương hiệu cây bưởi Hòa Ninh. Ông Nhân khoe, Tết năm ngoái, ba anh em thu hoạch hơn 5 tấn bưởi vẫn không đủ bán, thương lái tìm đến tận vườn, thậm chí có người đặt mua lúc cây vừa đậu quả.
Dưới chân núi Bà Nà, bên cạnh những vườn bưởi tuổi đời trên dưới 20 năm là những khu vườn được người dân cải tạo, trồng mới vài năm trở lại đây. Ở thôn Sơn Phước, vườn bưởi 500 gốc của gia đình ông Bùi Quang Tiến trở thành điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của những ai muốn tập tành nghề trồng bưởi. Ông Tiến kể, mỗi năm vườn bưởi cho 2 vụ trái với giá trung bình 40.000 - 50.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí, ông thu về 150-200 triệu đồng.
Không chỉ tập trung trồng bưởi, phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Tiến dành thời gian chiết cành, ghép tặng người dân trong thôn, xã. Thậm chí, biết ai có nhu cầu cải tạo vườn tạp, ông đến tận nơi hướng dẫn họ cách trồng, chăm sóc. Khi nhu cầu người dân ngày càng cao, ông mở dịch vụ ươm giống, cung ứng cây bưởi con. “Bưởi ở đây hợp thời tiết, thổ nhưỡng nên ít tốn công chăm sóc, cho trái dày, thậm chí có cây cho cả trăm quả mọng. Hiện nay, nhu cầu thị trường đối với bưởi da xanh Hòa Ninh khá lớn, là cơ hội để chúng tôi tự tin phát triển thương hiệu bưởi địa phương”, ông Tiến cho hay.
Tạo nguồn thương phẩm, phát triển kinh tế địa phương
Sẽ có một vùng bưởi da xanh được quy hoạch bài bản tại xã Hòa Ninh, đó là khẳng định của Chủ tịch UBND xã Lê Đức Thương khi nói về cây bưởi ở địa phương này. Trước khi xây dựng đề án “Phát triển mô hình trồng bưởi ở Hòa Ninh” năm 2015, lãnh đạo xã đã khảo sát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của bà con nông dân. Sau 6 năm, diện tích đất trồng bưởi ở Hòa Ninh là 200ha, khoảng 200 hộ đang canh tác, chăm sóc với mục đích phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Nguyễn Đức Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh (trái), trong lần đến thăm vườn bưởi rộng 7ha của gia đình ông Đặng Văn Nhân ở thôn Đông Sơn. Ảnh: Đ.B |
Với lợi thế vườn đồi, cây bưởi trở thành “cây sinh kế” của người dân xã Hòa Ninh. Định hướng phát triển kinh tế của xã trong những năm đến tập trung xây dựng bưởi Hòa Ninh thành sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tiêu biểu, hình thành các chuỗi giá trị xung quanh cây bưởi do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Theo đó, người nông dân không chỉ đóng vai trò sản xuất, mà còn góp phần nâng tầm thương hiệu, quảng bá sản phẩm bưởi Hòa Ninh đến người tiêu dùng cả nước.
Chủ tịch Lê Đức Thương nói, ông kỳ vọng dự án “Phát triển mô hình trồng bưởi ở Hòa Ninh” tiếp tục gặt hái thành công, kết nối các điểm đến du lịch sinh thái trên địa bàn, tạo điều kiện cho du khách tham quan, mua bán ngay tại vườn bưởi. Định hướng của xã là tiếp tục khảo sát, tạo điều kiện cho người dân khai thác đất đồi trồng bưởi da xanh, kèm theo đó là các chính sách ưu đãi nguồn vốn vay, đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ hệ thống tưới tiêu, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế.
Cùng với việc mở rộng diện tích sản xuất, nông dân xã Hòa Ninh từng bước hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc giống bưởi quý theo phương pháp hữu cơ. Quy trình nhân giống bưởi cũng được thực hiện nghiêm ngặt, trên cơ sở giống cây đạt chuẩn, cho tỷ lệ quả cao, ít sâu bệnh, phát triển tốt. Ông Nguyễn Đức Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh cho hay, những cây to khỏe, cho quả đều 2 vụ sẽ được chọn để ghép mắt, chiết cành, trồng vào tháng 2 hoặc tháng 10, cho quả sau 2 năm.
Hiện UBND xã đăng ký thương hiệu bưởi Hòa Ninh theo mô hình VietGap, OCOP, xúc tiến thành lập HTX bưởi Hòa Ninh để có cơ sở xây dựng thương hiệu bền vững. Nhờ có đề án “Phát triển mô hình trồng bưởi ở Hòa Ninh”, nông dân xã Hòa Ninh được thành phố hỗ trợ 9 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, cải tạo vườn tạp, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi. Đề án cũng là cơ sở để lãnh đạo xã vận động người dân trồng mới hàng chục ha bưởi tại các thôn Đông Sơn, An Sơn và Trung Nghĩa.
Bà Phan Như Yến, Giám đốc hệ thống siêu thị Danavi Mart khẳng định sản phẩm OCOP đang tạo ra một làn sóng mua sắm, tiêu dùng mới trên thị trường. Nhóm hàng này có mức tăng trưởng khá, trở thành đặc sản tiêu biểu của một xã, huyện, tỉnh, thành phố. Người tiêu dùng khi thấy sản phẩm gắn mác OCOP thường mua ngay mà không lăn tăn về chất lượng hay giá cả. Ngoài ra, mác OCOP cũng giúp sản phẩm nông nghiệp, nông thôn Hòa Vang dễ dàng vào siêu thị, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân.
Có thể nói, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với bưởi da xanh Hòa Vang đã giúp người dân yên tâm sản xuất, hướng tới thị trường bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết, việc xây dựng thương hiệu bưởi Hòa Ninh là bước đột phá trong quá trình xây dựng sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu; đồng thời hướng người dân tới quy trình sản xuất sạch, hữu cơ, theo chuẩn VietGap nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm.
“Để bưởi Hòa Ninh đạt số lượng và chất lượng cao, Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục vận động nông dân mở rộng diện tích sản xuất, giải ngân nguồn vốn vay, kết nối với các đơn vị chức năng nghiên cứu về cấy mô sinh học, cho lai giống để trái bưởi Hòa Ninh giảm lượng hạt nhằm nâng cao giá trị thương phẩm”, ông Thiết nói.
HUỲNH LÊ - ĐĂNG BÌNH